TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

BẢO TỒN THÀNH CÔNG 3 GIỐNG HOA TRÀ BẢN ĐỊA QÚY HIẾM

25/04/2022
25

Trước thực trạng nhiều giống hoa trà bản địa đang đứng trước nguy cơ bị mai một, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Sở KH-CN Hưng Yên bảo tồn và chọn lọc thành công 3 giống hoa trà qúy hiếm là gồm: Trà cung đình hồng, trà bạch Việt Nam, trà thâm hồng bát diện. Địa điểm tiến hành bảo tồn, chọn lọc tại xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) và những địa phương liên quan khác. Cùng với đó, các nhà khoa học của Viện còn sưu tầm, bảo tồn được hàng trăm kiểu gen các giống hoa trà khác, làm cơ sở cho công tác chọn tạo giống mới sau này.

PGS.TS Đặng Văn Đồng (bìa trái), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cùng chuyên gia Hàn Quốc thăm vườn trồng hoa trà tại Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: H.Tiến.

Đặc điểm chung của 3 giống hoa trà nói trên là: Rễ chùm, phân nhánh khỏe, rễ tơ nhiều; cây thân gỗ dạng bụi, phân cành và nhánh xum xuê (như cây chè), có khả năng phát triển cao 5 m. Lá đơn gọn, dày, xếp so le, mặt ngoài lá bóng láng, mép lá có răng cưa, độ dài lá từ 3 - 4,5cm. Hoa đơn mọc ở đầu cành, mỗi đầu cành mọc 2 - 3 bông, bông hoa gồm nhiều cánh xếp sát nhau, đường kính hoa rộng từ 9 - 12 cm. Dạng quả nang hình trái xoan, trong chứa rất nhiều hạt. Hạt hoa trà nhỏ có lớp lông trắng bao ngoài, khả năng nẩy mầm của hạt khá tốt.

Đặc điểm riêng: Trà cung đình hồng có lá mọc dày, màu xanh đậm, dạng lá hình elip, dày, ít răng cưa; hoa màu phấn hồng, cánh kép, giữa hoa có nhị, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán.

Cán bộ Sở KH-CN Hưng Yên kiểm tra mô hình chọn lọc, bảo tồn các giống hoa trà. Ảnh: H.Tiến.

Trà bạch cổ Việt Nam lá mọc dày, màu xanh nhạt, hình trứng, răng cưa sâu; hoa màu trắng, cánh kép, lá dày, răng cưa sâu và sắc, hoa có nhị, thường nở vào dịp Tết Dương lịch.

Trà thâm hồng bát diện có lá dày, mọc thưa, màu xanh nhạt, hình elip, ít răng cưa; hoa màu đỏ thẫm, bông to, cánh kép xếp dày, độ bền chơi hoa cao, cánh hoa rất đẹp gồm 8 lớp xếp đan vào nhau, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán.

Tập tính sinh thái của giống

- Nhiệt độ tốt nhất cho cây trà ở thời kỳ hình thành chồi từ 20 - 26°C. Một số giống trà, đặc biệt là các giống có hoa kép thường không ra hoa hoặc chất lượng hoa rất kém khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.

- Về ánh sáng: Hầu hết các giống trà đều thích hợp sinh trưởng khi được che một phần ánh sáng, nhằm giúp bộ lá cây không bị cháy nắng, do vậy khi trồng trà cần che bớt 30% ánh sáng trực xạ bằng 1 lớp lưới đen.

- Về ẩm độ: Nước có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, số lượng hoa và sự phát triển của thân và tán cây sau thời kỳ nở hoa. Theo đó, phải căn cứ vào chủng loại giống, tuổi cây, đất trồng, độ ẩm không khí… để cung cấp đầy đủ, phù hợp lượng nước tưới cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trà.

- Về đất trồng: Hoa trà thích hợp với pH đất từ 6 - 6,5; pH đất >7 cây sinh trưởng phát triển kém. Chú ý xử lý hạt trước khi gieo trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng