TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Biến đồng hoang thành đầm sen hút khách

28/09/2020
67

Cây sen đã đánh thức nhiều cánh đồng chiêm trũng hoang hóa thành những điểm du lịch thu hút khách tham quan.

Đánh thức đồng hoang

Với mục tiêu biến bất lợi trong sản xuất tại các diện tích đất chiêm trũng bỏ hoang, gắn với lợi thế phát triển cây sen theo chuỗi giá trị, năm 2019, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tư vấn cho huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) phát triển cây sen theo chuỗi giá trị, gắn với khai thác du lịch.

Huyện Hoa Lư phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả và các cá nhân, HTX, doanh nghiệp đã vận động người dân có ruộng bỏ hoang lựa chọn nhiều hình thức cho thuê đất trồng sen như: Huyện hỗ trợ về kinh phí đầu tư giống sen; cơ quan khoa học hỗ trợ, chuyển giao về giống, kỹ thuật sản xuất; doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm...

Từ những cánh đồng chiêm trũng bỏ hoang, cây sen đã giúp trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan tại xã Ninh Thắng, Hoa Lư (Ninh Bình)

Mặc dù vậy, việc triển khai vận động người dân cho thuê đất vẫn rất khó khăn. UBND huyện, xã đã nhiều lần tổ chức họp, đến từng hộ dân vận động, vì vậy đến nay, cơ bản người dân có ruộng trũng bỏ hoang nhiều năm đã đồng ý cho HTX Nông nghiệp Ninh Thắng cho thuê ruộng để hợp tác đầu tư trồng sen, kết hợp với hoạt động khai thác du lịch.

Trước đây, nhiều cánh đồng chiêm trũng ở thôn Khải Lương, xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư) dân cấy lúa bấp bênh, nên đã bỏ hoang 7-8 năm qua. Năm 2019, HTX Nông nghiệp Ninh Thắng đã vận động nông dân cho thuê lại ruộng trũng để trồng sen, kết hợp phát triển du lịch, với sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng sen, khai thác các sản phẩm từ cây sen của Viện Nghiên cứu Rau quả. Khoảng 5ha ruộng trũng bỏ hoang đã được HTX cải tạo để trồng sen, trong đó có khoảng 3ha đã cho kết quả tốt.

Từ những kết quả bước đầu năm 2019, năm 2020, huyện Hoa Lư đã có chủ trương mở rộng diện tích sen lên 48 ha theo chuỗi giá trị mang lại từ cây sen, với nhiều loại hình hợp tác đầu tư khác nhau như do HTX, nông dân, doanh nghiệp đầu tư tại nhiều xã trong huyện như xã Ninh Xuân, Ninh Mỹ, Ninh Hải, Trường Yên. Riêng xã Ninh Thắng mở rộng diện tích lên 15ha, kết hợp đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ du khách thăm quan, du lịch.

Cũng tại xã Ninh Thắng, năm 2020, với sự hỗ trợ hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch của huyện Hoa Lư, Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Ninh Thắng cũng đã đầu tư hệ thống khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, home stay, kết hợp với hệ sinh thái trải nghiệm đầm sen, thưởng thức ẩm thực từ cây sen ở Thung lũng Chẽ Bèo, thôn Khải Lương.

Đầm sen Ninh Thắng (Hoa Lư) đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, nhất là các bạn trẻ

Về Ninh Thắng những ngày này, những cánh đồng chiêm trũng hoang vu luôn nườm nượp khách tham quan, bên những đầm sen rực rỡ đủ màu sắc. Mặc dù mới đi vào hoạt động, tuy nhiên cây sen đã đánh thức những cánh đồng chiêm trũng bỏ hoang. Hiện mô hình trồng sen kết hợp với du lịch của HTX Nông nghiệp Ninh Thắng và Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Ninh Thắng (Hali home Chẽ Bèo) đã thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, bước đầu cho thu nhập cao.

Với giá vé (vào cổng) tham quan bình quân 30.000 – 50.000 đ/vé, du khách có thể tham quan, chụp ảnh, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, kết hợp ẩm thực, thưởng thức các món ăn chế biến từ sen...

Trồng sen, lợi cả nhiều đường

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Từ năm 2012, ông đã có nhiều trăn trở và bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện chọn tạo ra các giống sen phù hợp để đưa ra sản xuất. Theo đó đến nay, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn, lai tạo, nhập nội được bộ giống sen khá đa dạng, phù hợp với yêu cầu trồng rải vụ.

PGS.TS Đặng Văn Đông (bìa trái) giới thiệu về các giống sen mới tại mô hình du lịch đầm sen xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư, Ninh Bình)

Theo PGS.TS Đông, hiện nay Việt Nam cũng đã có sẵn nhiều giống sen có năng suất hạt rất cao như giống sen Mặt Bằng, giống sen Tây Hồ có hương thơm rất tốt để ướp chè, hoa đẹp. Tuy nhiên, giống sen chuyên dụng để dùng khai thác lấy ngó, lấy củ hiện nay Việt Nam lại chưa có.

Vì vậy, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nhập nội các giống sen chuyên lấy ngó, lấy củ từ nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ... Các giống sen chuyên lấy ngó, lấy củ mặc dù hoa không đẹp, nhưng lại cho năng suất, chất lượng ngó và củ rất cao cao, chất lượng tốt, giá trị cao.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã tiến hành chọn tạo một số giống sen mới có màu sắc đa dạng, hoa đẹp như sen Bách diệp trắng, sen Quan âm trắng... có màu đẹp, rất sai hoa, độ bền hoa cao, rất phù hợp để cắt cành hoa cắm trưng, thờ cúng. Đến nay, Viện đã thu thập được tập đoàn 12 giống sen tốt nhất hiện nay để tiến hành đánh giá thêm ưu điểm, sự phù hợp của từng giống cho các mục tiêu khác nhau của sản xuất.

Cũng theo PGS.TS Đông, khăn nhất hiện nay trong phát triển sản xuất sen mang tính chuyên canh hàng hóa, đó là đặc thù có tính thời vụ. Theo đó, hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang cho ra nhiều giống sen có thời vụ khác nhau để rải vụ trong suốt cả năm. Ví dụ có giống sen ra hoa vào mùa hè, mùa thu, có giống sen ra Tết là đã có hoa ngay như giống sen trắng Ấn Độ, hoặc có những giống sen chịu lạnh, mùa đông vẫn có hoa như các giống sen Nhật Bản...

Để cây sen trở thành cây trồng có tính hàng hóa cao, cũng cần sản xuất đa dạng các giống sen với các mục đích khác nhau như: sen dùng để cắt cành lấy hoa; sen để ướp trà; sen để lấy ngó; sen để lấy củ và sen để lấy hạt.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ sen đang ngày càng tăng cao, giá trị lớn. Ví dụ đối với sen cắt cành lấy hoa thường được bán cho người tiêu dùng trưng chơi với giá bình quân 3.000-5.000 đ/bông (tại đầm), bán tới tay người chơi tại Hà Nội thường với giá từ 7.000-8.000 đ/bông.

Giống sen Tây Hồ ở phía Bắc hiện có nhu cầu để ướp trà sen, cần có trình chăm sóc để hương thơm nhất... Nhu cầu sen lấy ngó, lấy củ cũng là một thực phẩm đặc sản hiện nay thường chỉ có trong quán ăn, nhà hàng, vì giá ngó, giá củ sen cũng đang rất cao.

Bên cạnh các giống sen bản địa, Viện Nghiên cứu Rau quả đã nhập nội, chọn tạo nhiều giống sen mới như sen trắng (trong ảnh) nhằm đa dạng, rải vụ trong năm

Trong các sản phẩm từ cây sen, trồng sen lấy ngó làm thực phẩm đang cho giá trị cao nhất. Tuy nhiên, trồng sen lấy hạt hiện nay được xem là an toàn nhất, và có nhu cầu lớn nhất. Việt Nam cũng đang xuất khẩu nhiều sen hạt, đặc biệt hàng năm, ngoài nguồn sen hạt ở miền Bắc, các cơ sở chế biến hạt sen tại Hưng Yên mỗi năm nhập một lượng lớn hạt sen từ các tỉnh phía Nam và Campuchia về để chế biến hạt sen xuất khẩu. Trong đó, sen hạt non để ướp chè hiện có giá rất cao (khoảng 45.000 đ/kg), sen hạt già để làm thực phẩm cũng giao động quanh 30.000 đ/kg. Hạt sen già có thể để bảo quản trong vòng 2-3 năm vẫn đảm bảo chất lượng tốt.

Ưu điểm của cây sen là có thể sử dụng hết sức đa dạng cho nhiều mục đích: Ví dụ hoa sen không thu hoạch hết thì có thể chuyển sang thu hoạch hạt sen non, hạt sen non không thu hoạch hết thì chuyển sang thu hoạch hạt sen già. Hạt sen già thì nhu cầu tiêu thụ bao nhiêu cũng hết. Bên cạnh đó, còn có thể thu hoạch ngó sen, củ sen bán làm thực phẩm, lá sen cũng được dùng cho nhiều mục đích như uống trà, bao gói thực phẩm...

Mô hình phát triển trồng sen thành sản xuất hàng hóa, kết hợp du lịch tại nhiều nơi ở Hoa Lư (Ninh Bình) đang được nhiều địa phương quan tâm, tới tham quan, học tập

Sen chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch trong vòng 7-8 năm mà không cần phải trồng lại hàng năm, nên không mất nhiều công sức.

Hiện các giống sen được nhân bằng hạt (giống thuần), nhưng phổ biến là bằng phương pháp nuôi cấy mô để đảm bảo sạch bệnh, đảm bảo độ đồng đều, sinh trưởng phát triển tốt..., hoặc nhân giống bằng phương pháp tách thân.

Sen đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với các vùng đất chiêm trũng, thường xuyên ngập nước, khó khăn trong canh tác nông nghiệp. Cùng với việc chọn tạo, nhập nội các giống sen mới, hiện nay, sen có thể trồng được quanh năm.

Trồng sen có yêu cầu nguồn đất, nước phải luôn sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Vì vậy, các thực phẩm từ cây sen cũng luôn rất đảm bảo an toàn.

Việc phát triển cây sen theo đó cũng rất phù hợp để kết hợp với nuôi thủy sản như cua đồng, ốc, cá, giúp bảo vệ môi trường một cách hài hòa, bền vững, mang lại giá trị cao, phù hợp với phục vụ kết hợp phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, ẩm thực đồng quê...

Nguồn: nongnghiep.vn

 

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng