TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Cận cảnh tuyệt phẩm sanh cổ “Nhất tọa kinh thiên“: Trả 11 tỷ, chủ vẫn lắc đầu

26/11/2018
25

Hiếm lắm mới có dịp chủ nhân của cây sanh cổ dáng làng có tuổi thọ ngót nghét 200 năm mang đi trưng bày triển lãm. Có lẽ vì vậy mà không ít khách tham quan đã không khỏi bất ngờ trước tác phẩm “siêu cây” cao 3m, tán rộng tới hơn 5m này.

Chủ nhân của “siêu cây” này là ông Vũ Trọng Thủy, một doanh nhân Hà Nội gốc Ý Yên, Nam Định, thành viên CLB Sinh vật cảnh Nam Định. Cây sanh cổ này cây gia truyền nhiều đời của gia đình ông, tính đến nay đã ngót nghét 200 năm tuổi.​

Cây sanh cổ ngót 200 năm tuổi có chiều cao khoảng 3 mét, tán rộng hơn 5 mét.

Cây sanh do ông và người anh trai ruột tự tay tạo hình, chăm sóc và được gọi với những cái tên như “Nhất tọa kinh thiên”, “Đại thụ dáng làng” hay “Dáng làng Nhất Phúc”.

Ông Thủy cho hay, ngày xưa cây sanh này được trồng trên mặt bệ nước ăn ở quê, đã trải qua bao nhiêu trận sương gió, bão nhưng vẫn may mắn tồn tại đến giờ. Sau thời gian rất nhiều năm nó mới được chú ý và bắt đầu cân đối, chăm sóc và tạo thế dựa theo ý tưởng từ cây đa Tân Trào.

"Siêu cây" này vốn chỉ là cây mọc trên bể nước ăn, qua nhiều thế hệ hệ thì giờ đây nó đã trở thành vật báu gia truyền của gia đình ông Thủy.

Cây có kích thước khủng với chiều cao và đường kính bệ đá bay đã hơn 3 mét. Bộ rễ khỏe, đan xen vào nhau như mắt sàng. Những hang hốc tự nhiên rất đẹp và ấn tượng, tán cây hơn 5 mét xòe rộng vươn cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường từng rất ấn tượng với cây sanh dáng làng cổ thụ trong buổi khai mạc Triển lãm Sinh vật cảnh 2018 diễn ra vào ngày 18.11.

Nói về kinh nghiệm tạo nên tuyệt tác này, chủ nhân của cây cho biết trong quá trình thực hiện ông đã nhờ một số chuyên gia tham vấn về dáng thế và cách thực hiện. 

Đầu tiên và công phu nhất phải kể đến việc tạo hình thế của bệ rễ. Theo ông Thủy, trước khi làm bệ đá phải nắm được dòng rễ của cây là rễ đũa hay rễ cọc... có thể ký vào bệ đá được không?

Thứ hai, đối với cây cảnh thì phải tính đến chục năm hoặc trăm năm sau già đi thì việc chọn loại đá bền với thời gian rất quan trọng.

Đối với cây cảnh, bonsai ông Thủy thường ưa dùng loại đá lũa, đá da voi hoặc đá tuyết sơn... có sự góc cạnh bởi ông muốn tác phẩm của mình hoàn toàn do thiên tạo chứ không phải nhân tạo. Theo lời ông Thủy, cây sanh cổ nhiều năm chỉ ăn nước chứ không cần bất kì loại phân lân gì. Dù thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng hay giá lạnh thì lá cây vẫn cứ xanh mướt, đến mùa cây có thể cho cả thúng quả.

Tất cả bệ dưới rễ bằng đá lũa phết sơn, qua thời gian đến nay gần như đã bay hết màu sắc.

Hai anh em ông Thủy tạo dáng làng Nhất Phúc cho cây tức là toàn bộ tác phẩm chỉ có một quả duy nhất mang ý nghĩa thái bình, đoàn kết và hạnh phúc. Cũng như ý tưởng của chủ nhân, nhiều khách tham quan triển lãm cũng bày tỏ cây gợi cho họ kí ức thơ ấu và hồn quê Việt.

Thời điểm giá cây cảnh sốt giá vào năm 2010, đã có người trả giá cây hơn 11 tỷ nhưng gia đình không bán mà muốn giữ lại để truyền tiếp cho thế hệ sau.

Dù rất nhiều sự kiện có lời mời nhưng đây mới là lần thứ 2 cây sanh dáng làng Nhất Phúc được đưa tới triển lãm. Trình độ tạo dáng cây đẳng cấp cùng với thời gian tạo nên một tác phẩm khiến dân chơi cũng phải ngạc nhiên, trầm trồ khen ngợi.

Hầu hết hách thập phương đến Triển lãm Sinh vật cảnh 2018 đều rất bất ngờ và thích thú trước cây sanh dáng làng cổ thụ.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng