Ở Việt Nam, người xưa quan niệm "Vua chơi lan, quan chơi trà". Trà ở đây là hoa trà mi (Camellia L.) - xưa và nay đều là thú chơi của những người giàu sang, quyền quý.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 80% các loài hoa Trà (Theacae) thuộc chi Camellia L. được tìm thấy tại Trung Quốc và hầu hết số loài còn lại được ghi nhận là phân bố tại các vùng địa lý của Việt Nam. Có khoảng 26 loài trong số 20% còn lại là loài hoa Trà đặc hữu của Việt Nam và 17 loài khác có phạm vi phân bố rộng hơn trải dài từ Việt Nam, Trung Quốc qua Lào và Myamar.
Có thể thấy nguồn gen hoa trà ở Việt Nam vô cùng phong phú và dễ dàng kể tên ra đây một số giống hoa trà nổi tiếng như: Trà hồng (hoa màu hồng) còn có tên gọi là trà Cung đình, trà bạch (hoa trắng), trà đỏ, trà hoa vàng, trà lựu, trà thâm hồng bát diện…
Trà hồng (còn gọi là trà Cung Đình)
Xã Phụng Công (huyện Văn Giang - Hưng Yên) là một trong những địa phương có truyền thống trồng hoa trà hàng trăm năm nay. Thời bao cấp 1 ngọn trà bạch hoặc trà thâm hồng bát diện giâm ra dễ, có giá tương đương 1 yến thóc. Vậy mà nhiều năm nay cây trà vẫn không phát triển được, thậm chí có thời kỳ gần như bị xóa sổ khỏi giới chơi hoa.
Cùng nhìn về người láng giềng – Hàn Quốc. So với Việt Nam, nguồn gen hoa trà của họ không nhiều, điều kiện thổ nhưỡng cũng không được như Việt Nam. Vậy mà người Hàn Quốc đã xây dựng một thương hiệu hoa trà được cả thế giới biết đến. Bí quyết đó là: họ không chỉ sử dụng cây trà để làm cảnh mà họ còn chiết xuất tinh dầu từ hoa trà, hạt trà để làm mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm và đặc biệt là trồng trà thành những đồi, rừng để biến 1 đảo hoang vu, cằn cỗi như đảo Jangsado thành "Đảo hoa trà" với những cây trà hàng trăm năm tuổi, thu hút hàng triệu khách du lịch đến tham quan mỗi năm. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi mà mỗi du khách đến thành phố biển Tongeong của Hàn Quốc trước khi ra về đều không quên mua hàng tá các sản phẩm, mỹ phẩm, thuốc từ cây hoa trà để dùng, để tặng người thân, thậm chí để kinh doanh.
Các sản phẩm mỹ phẩm làm từ tinh dầu hoa trà (Camellia)
Đường hoa trà nổi tiếng trên đảo Jangsado
Như vậy, có thể thấy rằng cùng là cây hoa trà nhưng người Hàn Quốc đã biết tận dụng lợi thế triệt để của cây hoa trà cũng như có tầm nhìn chiến lược hàng chục, thậm chí hàng trăm năm cho sự phát triển của ngành sản xuất hoa trà, cộng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực từ nhà nước đã giúp cho cây hoa trà Hàn Quốc có được chỗ đứng vững chắc như hiện nay. Phải chăng đây là điều mà sản xuất hoa trà ở Việt Nam còn thiếu?
PGS.TS. Đặng Văn Đông tại Viện Nghiên cứu cây hoa trà Hàn Quốc
Mới đây, trong buổi gặp gỡ giữa đoàn công tác của Việt Nam với ngài Thị trưởng thành phố Tongyeong và Giám đốc Viện nghiên cứu cây hoa trà Hàn Quốc - ông Park Weon Pyo, hai bên đã ký kết Biên bản hợp tác về việc xây dựng vùng nguyên liệu hoa trà gắn với phát triển du lịch ở Việt Nam. Hy vọng đây sẽ là cơ hội cho ngành sản xuất hoa trà của Việt Nam cất cánh trong tương lai.
Buổi làm việc giữa ngài thị trưởng thành phố Tongyeong, Viện Nghiên cứu hoa trà Hàn Quốc với đại diện Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam và Kênh VTC16
Ký kết hợp tác giữa chính quyền thành phố Tongyeong, Viện Nghiên cứu Camelia Hàn Quốc và Kênh VTC16
PGS.TS Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện NC Rau quả
Tin tức khác