Trong bối cảnh thế giới đang trải qua giai đoạn nóng nhất trong lịch sử kể từ khi con người có thể ghi chép lại các số liệu về nhiệt độ, năm 2016 là năm chứng kiến những nỗ lực mang tầm quốc tế ngày càng lớn nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến năm 2017, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu được dự đoán sẽ có những thay đổi đáng kể.
Ông Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về phát triển và biến đổi khí hậu (ICCCAD), có trụ sở tại Bangladesh, nhận định rằng năm 2017 có thể là năm có những thay đổi quan trọng, khi Mỹ nhường vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cho Trung Quốc và các nước phát triển cũng dần nhường vị thế tiên phong cho các nước đang phát triển. Trung Quốc hiện được xem là nước đi đầu trong việc sản xuất năng lượng tái sinh.
Theo ông Liz Gallagher, Giám đốc Trung tâm chỉ dẫn khí hậu tại E3G – một cơ quan chuyên nghiên cứu các chính sách năng lượng và khí hậu, sự nổi bật của Trung Quốc trên trường quốc tế trong vấn đề chống biến đổi khí hậu nhiều khả năng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và làm thay đổi cán cân quyền lực.
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người sẽ chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, từng công bố kế hoạch bổ nhiệm nhiều nhân vật thân tín làm việc trong các ngành công nghiệp dầu khí, khí đốt và than đá vào nội các mới của mình. Những nhân vật này vốn có tư tưởng hoài nghi về các vấn đề khí hậu và từng phản đối các kế hoạch chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đưa ra.
Theo các chuyên gia, nếu chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump “khép lại” các kế hoạch chống biến đổi khí hậu của chính quyền tiền nhiệm thì đây sẽ là cơ hội để các quốc gia khác nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến này, trong đó “ứng cử viên sáng giá nhất” có thể là Trung Quốc – quốc gia đã sát cánh cùng Mỹ trong những năm gần đây để thúc đẩy một hành động trên quy mô quốc tế nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một số chuyên gia cũng đã đề cập khả năng lãnh đạo của châu Âu trong cuộc chiến này, trong bối cảnh “Lục địa già” đang có những cơ hội để thể hiện vai trò và khả năng của mình.
Bên cạnh sự thay đổi về vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu năm 2017, các chuyên gia cũng dự đoán về tác động của vấn đề di cư.
Ông Harjeet Singh – người phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của tổ chức từ thiện ActionAid, dự đoán rằng mặc dù dòng người di cư tới châu Âu trong năm tới chủ yếu sẽ là những người tìm cách rời khỏi các quốc gia “nạn nhân” của biến đổi khí hậu (những nơi có nhiệt độ tăng, thời tiết khắc nghiệt, hay mực nước biển dâng cao), song ở thời điểm hiện tại, những người di cư thuộc diện này không có quyền xin quy chế tị nạn và xu thế này vẫn khó có thể thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nước cùng tham gia nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc hiện đã đề xuất biện pháp nhằm tìm cách ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết tình trạng di cư liên quan đến các tác động của biến đổi khí hậu.
Năm 2017 cũng là năm mở ra xu thế mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà giới khoa học thế giới sẽ bắt tay xây dựng một bản báo cáo đặc biệt, đề ra các hướng giải pháp khả thi để ngăn nền nhiệt toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp – một mục tiêu quan trọng của Hiệp định Paris nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Một trong những phương pháp mới được giới khoa học thảo luận có tên là “geo-engineering,” hiểu nôm na là phương pháp cải tạo địa hình Trái Đất theo ý con người để tạo không gian dễ sống hơn. Kỹ thuật này có thể bao gồm việc đưa sulfur (lưu huỳnh) lên khí quyển để ngăn bức xạ từ ánh sáng Mặt trời, bơm sắt vào các đại dương để tăng khả năng hấp thụ carbon, cải tạo địa hình để tạo ra các nguồn nhiên liệu sâu dưới lòng đất… Đây là phương pháp đang ngày càng nhận được sự quan tâm rất lớn và đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của toàn cầu.
Nguồn: moitruong.com.vn