TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Chương trình Nông thôn miền núi: Chuyển giao công nghệ đến với địa phương

13/06/2015
90

Là một trong những đơn vị nghiên cứu đâù ngành trong lĩnh vực hoa, cây cảnh, nhiều năm qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh – Viện Nghiên cứu rau, quả đã nghiên cứu thành công nhiều giống hoa, cây cảnh. Những loại cây này đến với địa phương thông qua các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

 Nhiều loại hoa, cây cảnh do Viện nghiên cứu Rau quả chuyển giao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông  Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh xung quanh những khó khăn thuận lợi cũng như kết quả của các dự án.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi

PV: Hiện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh đã phối hợp với các địa phương trên cả nước thực hiện công tác chuyển giao công nghệ ra sao, thưa ông? Trung tâm có kế 
hoạch gì trong xây dựng các dự án, đề án phát triển hoa, cây cảnh mà trước hết là dự án thuộc Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi?

Ông Đặng Văn Đông: Trước hết chúng tôi căn cứ vào nhu cầu của các địa phương, nhu cầu của thị trường và những yêu cầu của sản xuất để nghiên cứu ra những giống hoa, cây cảnh mới và những quy trình công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sau đó, theo yêu cầu của các doanh nghiệp, của người dân mà chúng tôi sẽ chuyển giao những giống và quy trình phù hợp cho các địa phương và các đối tác.

Việc chuyển giao có rất nhiều hình thức khác nhau, có thể thông qua Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi, thông qua Quỹ Khoa học của các địa phương, hoặc trực tiếp chuyển giao cho doanh nghiệp và người dân theo các hợp đồng thỏa thuận. Có những nơi, những vùng người dân còn khó khăn, chúng tôi có thể chuyển giao miễn phí hoặc liên doanh liên kết với họ cùng góp vốn, lo đầu ra, chịu trách nhiệm về công nghệ và cùng hưởng lợi nhuận theo hiệu quả thu được.

Chúng tôi cũng có thể chuyển giao trọn gói một quy trình công nghệ hoặc chuyển giao từng phần, từng công đoạn, có thể cử cán bộ trực tiếp xuống cầm tay chỉ việc, cũng có thể mời các cán bộ kỹ thuật, các hộ nông dân đến Trung tâm để tham quan và học tập.

Hiện nay, nhu cầu phát triển hoa, cây cảnh ở trong nước rất lớn, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để đầu tư sản xuất hoa xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi đã đề ra một số chương trình phát triển hoa, cây cảnh phục vụ tái cơ cấu ngành phát triển nông nghiệp nông thôn.

Thời gian trước mắt chúng tôi tập trung tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống hoa, cây cảnh mới lạ có năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với nước ngoài và nghiên cứu hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, người dân ở mọi miền đất nước, đặc biệt ưu tiên những vùng có điều kiện phát triển sản xuất hoa, cây cảnh, phục vụ mục tiêu xuất khẩu, tích cực tham gia vào các dự án thuộc Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi, ưu tiên cho các đối tượng là các doanh nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ cao.

PV: Được biết, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình hoa chất lượng cao với tổng diện tích hàng trăm héc-ta. Những mô hình này đã nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế như thế nào cho địa phương?

Ông Đặng Văn Đông: Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là của Bộ Khoa học Công nghệ, thông qua Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng hoa chất lượng cao cho hàng trăm các chủ trang trại, HTX, các công ty và các hộ nông dân trên mọi miền đất nước với diện tích hàng trăm héc-ta.

Ban đầu mỗi địa phương chúng tôi chỉ chọn một số đối tác điển hình có điều kiện áp dụng khoa học để xây dựng các mô hình trình diễn. Từ những mô hình trình diễn này, người dân đã nhân rộng ra diện tích hàng chục lần. Các mô hình trình diễn đều có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 500-700 triệu đồng/héc-ta, cao gấp 2-3 so với mô hình thông thường. Ở một số địa phương trước đây người dân không có kỹ thuật trồng hoa đến nay nhờ có việc chuyển giao này mà họ đã nắm chắc kỹ thuật và đã xây dựng được những vùng trồng hoa có diện tích tới hàng chục héc-ta, như ở Hoành Bồ (Quảng Ninh), Văn Giang (Hưng Yên), Đan Phượng (Hà Nội), Tuy Hòa (Phú Yến)…

Cũng nhờ có mô hình này mà người dân đã tiếp cận và liên kết giữa các vùng trồng hoa với nhau, giữa người sản xuất và các nhà khoa học và các doanh nghiệp, từ đó họ đã phát triển sản xuất hoa một cách ổn định và bền vững.

PV: Có ý kiến cho rằng, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội địa phương, các dự án thuộc Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi còn có ý nghĩa liên kết phối hợp “4 nhà”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Văn Đông: Đúng là Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi đã liên kết, phối hợp được cả 4 nhà. Đó là: Cơ quan quản lý dự án (Bộ KHCN, Sở KHCN các tỉnh, thành)-nhà khoa học (cơ quan chuyển giao khoa học)-doanh nghiệp-người dân. Vai trò của cả 4 nhà đều được phát huy. Nếu thiếu 1 trong 4 nhà này, dự án rất khó mang lại thành công. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, vai trò của doanh nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là vai trò về việc đầu mối tiêu thụ sản phẩm đối với doanh nghiệp chưa cao. Chính vì thế, trong giai đoạn tới chugns tôi mong muốn sẽ có sự liên kết chặt chẽ hơn. Nhà nước cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia dự án nhiều hơn, nâng cao vai trò của đầu mối của việc tổ chức thực hiện, tiêu thụ sản phẩm của dự án khoa học nói riêng và tiêu thụ các nông sản phẩm cho người dân nói chung.

Đặc biệt là các cơ quan quản lý địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực, các đoàn thể chính trị xã hội tham gia dự án, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền cho việc thực hiện và nhân rộng dự án.

PV: Ông đánh giá thế nào về nguồn vốn và thời gian triển khai các dự án trong thời gian qua? Câu hỏi: Với quan điểm của một cơ quan chuyển giao công nghệ, xin ông cho biết đánh giá của mình về Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi cũng như hiệu quả, ý nghĩa với những bên liên quan?

Ông Đặng Văn Đông: Tôi cho rằng, mặc dù còn khó khăn nhưng trong những năm qua Nhà nước đã rất quan tâm cho chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi nói chung và Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi nói riêng. Chương trình này cũng đã được bố trí nguồn kinh phí một cách tương đối phù hợp, bao gồm: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương và nguồn kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, người dân.

Thời gian cho việc triển khai các dự án cũng tương đối phù hợp, thường kéo dài 2-3 năm. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị, trong giai đoạn tới cần tăng cường kinh phí cho hoạt động chuyển giao công nghệ nhiều hơn. Hiện nay, mỗi một công nghệ được trả tối đa 30 triệu đồng. Nếu chuyển giao cho những vùng sâu, vùng xa thì kinh phí này rất thấp. Thời gian triển khai nên linh hoạt hơn tùy theo đối tượng, cần căn cứ vào thời vụ của cây trồng để triển khai cho hết một chu kỳ phát triển của cây. Như vậy, hiệu quả sẽ cao hơn.

Những năm trước đây công tác nghiên cứu khoa học không có sự gắn kết giữa các nhà khoa học với người dân và với thực tiễn sản xuất, do vậy, rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật do các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra không đến được tay người dân. Nhờ có chương trình Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi mà rất nhiều giống mới, cây trồng mới và những tiến bộ KHKT mới đã được nhanh chóng chuyển giao đến người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn và vùng núi. Nhờ có chương trình này mà các cơ quan khoa học có điều kiện chuyển giao một cách trực tiếp đến những người dân, vừa có tác dụng giúp người dân phát triển kinh tế, vừa để kiểm chứng và hoàn thiện thêm quy trình mình đã tạo ra. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các nhà khoa học có điều kiện tiếp xúc, cọ xát với thực tiễn, cống hiến thêm công sức và nhận được một số thù lao nhất định, để cải thiện cuộc sống, có điều kiện làm khoa học tốt hơn.

Thông qua chương trình, những đơn vị làm công tác chuyển giao đã trưởng thành không những về nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mà còn có rất nhiều kiến thức phong phú về thực tiễn, qua đó các nhà khoa học cũng thấy được những vấn đề còn tồn tại trong nghiên cứu để từ đó bổ sung, hoàn thiện các sản phẩm khoa học cho phù hợp vứi thực tiễn và hiệu quả hơn.

-Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Bảo Anh – Đăng Minh

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng