Việc thúc đẩy các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi là rất cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản địa phương. Do đó, cần tăng các hình thức hỗ trợ cho các đơn vị chuyển giao những tiến bộ khoa học này.
Cần có chính sách đặc thù hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho nông thôn, miền núi
Hiệu quả lớn
Viện Nghiên cứu Rau quả là một trong các đơn vị tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho vùng nông thôn miền núi. Tính đến nay, viện đã chuyển giao công nghệ cho 22 tỉnh, thành trong cả nước như Phú Yên, Kon Tum. Gia Lai, Quảng Ninh…các giống, rau, quả mới với quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản. Từ đó, xây dựng được hơn 100 mô hình sản xuất rau an toàn, hoa quả có năng suất, chất lượng cao, với thu nhập đạt từ 450-500 triệu đồng/ha/vụ. Thậm chí, nhiều mô hình hoa cao cấp như lily, lan hồ điệp… đạt từ 3-5 tỷ đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận đạt được từ 25-30%, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập cao.
Tiến sĩ Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Trong giai đoạn 2006-2015, Viện đã thực hiện 4 dự án chuyển giao công nghệ cho khu vực nông thôn, miền núi đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu, là dự án “xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), bình quân quy mô một hộ gia đình có từ 0,2-0,5 ha dâu, sản lượng lá hàng năm đạt 6-15 tấn và nuôi được từ 500-1.250 kg kén, đem lại tổng thu của 1 hộ từ 60-150 triệu đồng/năm, trừ chi phí sẽ lãi được 44-110 triệu đồng/năm. Hay dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt dưới tán rừng tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk mang lại hiệu quả cao hơn hình thức chăn nuôi truyền thống khoảng 30-34%.
Không chỉ có các viện nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực chuyển giao các kỹ thuật mới cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Xuân Mai, Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động (Hà Nam) cho hay: Sau 5 thực hiện dự án “xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp tại tỉnh Hà Nam”, đã tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động trên địa bàn tỉnh có thu nhập ổn định. Đồng thời, tận thu được nhiều vật tư sau thu hoạch, chế biến như mùi cưa, rơm rạ, bã mía, trấu, lõi ngô… góp phần bảo vệ môi trường.
Cần tăng hỗ trợ
Theo Bộ KHCN: Hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn - miền núi còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu. Kinh phí hỗ trợ chỉ đủ để cấp cho 61% số dự án các địa phương đề xuất. Các cơ chế hiện tại cũng chưa tạo điều kiện cho các đơn vị chủ trì nhập các dây truyền sản xuất, công nghệ tiên tiến của các nước phát triển vào ứng dụng sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí ở khu vực này còn thấp nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu các tiến bộ KHCN, đòi hỏi việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật mới cho người dân tốn nhiều thời gian và công sức.
Đại diện Công ty TNHH Lengtech cho biết: Do sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế giữa các vùng (đồng bằng, trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa) có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp nhận công nghệ, khả năng đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật cho chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ở nông thôn chưa phát triển, hệ thống đường giao thông hiện nay phần lớn chỉ đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, nguyên liệu, sản phẩm đến cơ sở sản xuất, người tiêu dùng. Do vậy, cần có những chính sách đặc thù và phương pháp phù hợp ở các vùng miền khác nhau.
Tiến sĩ Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả khẳng định: Mức kinh phí hỗ trợ cho một quy trình công nghệ chuyển giao cho nông thôn, miền núi ở mức tối đa 30 triệu đồng/quy trình là mức thấp. Với mức kinh phí này, nếu đi chuyển giao ở vùng xa, vùng núi khó khăn thì chỉ đủ tiền đi lại và các chi phí quản lý cho cơ quan chuyển giao công nghệ. Vì vậy, tới đây nên nâng lên mức 50 triệu đồng/công nghệ và nên xây dựng dự toán hợp lý đối với từng loại dự án, từng vùng miền.
Đại diện Công ty cổ phần phát triển Xín Mần (Hà Giang) lại trăn trở đầu ra cho sản phẩm sau khi chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất. Chẳng hạn, Xín Mần đã triển khai mô hình sấy gỗ với công nghệ thiết bị tiên tiến giúp tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định, tư thương Trung Quốc gây phá giá thị trường gỗ…, nên hiện hàng tồn kho trong công ty ước khoảng 1,4 tỷ đồng. Do đó, công ty đang chủ động tìm kiếm thêm khách hàng…
Theo Quỳnh Nga
Tin tức khác