TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

CƠN SỐT HOA TRÀ NHƯ LAN ĐỘT BIẾN, NHÁNH CÂY GIỐNG BẰNG NỬA CÁI ĐŨA 'HÉT' 20 TRIỆU

24/03/2022
87

Anh N.V.H (quê Thái Bình) vừa quyết định “xuống tiền” mua một cây hoa trà my thuộc dòng lựu cổ Văn Giang với giá gần 20 triệu đồng. Cây giống này to bằng nửa cái đũa, được cắt từ đầu cành cây mẹ để dâm trồng, dài chừng 20cm.

Theo H., cơn sốt hoa trà my đang được những người buôn cây đẩy lên “nóng hừng hực” như thời kỳ… lan đột biến. Giá cây tăng theo giờ, theo ngày, với tần suất mua – bán chóng mặt.

Cây hoa giống lựu cổ Văn Giang mà anh H. vừa mua là từ một người buôn cây “khoe” trên mạng xã hội. Nó được giới chơi cây gọi là “trà lá nhãn” vì lá của cây này rất giống lá cây nhãn, mặt lá cong, xoắn, màu xanh thẫm và mỏng, không tươi và thẳng như những loại hoa trà truyền thống khác.

Một nhánh cây trà to bằng chiếc đũa xe đạp, dài khoảng trên 10cm được bán với giá hàng chục triệu đồng

H. là người thứ “n” sở hữu cây trà giống này. Anh cũng không biết chính xác, trước mình, ai là chủ đầu tiên của loại cây đang được đẩy thành “cơn sốt” trong giới chơi.

Tuy nhiên, H. cho biết, anh mua về cũng nhằm mục đích thương mại. Nếu ai trả giá cao hơn, anh sẽ bán để kiếm lấy lời.

“Thấy mọi người đổ xô đi săn lùng nên tôi cũng liều “ôm” một cây giống. Ai trả cao, có lãi thì bán, hầu hết mọi người đều như vậy”, H. cho hay.

Không riêng giống trà lựu cổ Văn Giang, các loại hoa trà khác như trà thiển, trà “ngố”, trà muống… (tên gọi theo đặc điểm mặt hoa - PV) đều được đẩy lên, thành cơn "sốt" với giá bán cây giống từ vài ba triệu cho đến vài chục triệu đồng.

Những mặt hoa trà my được đẩy sốt, gây bão tạo nên phong trào kinh doanh hoa trà không khác kịch bản của lan đột biến vài năm về trước

Những cây trưởng thành, to chừng ngón tay trở lên được rao bán với giá vài chục cho đến vài trăm triệu/cây. Những cây già, khủng về chiều cao, kích thước, độ tuổi… được săn lùng với giá cả tỷ đồng.

Lợi nhuận của việc giao dịch những loại cây trà my đang gây sốt khiến nhiều người “điên đảo”. Cuộc săn lùng cây trà giống ráo riết trên các hội, nhóm về cây hoa trà my, và “nóng” khắp các làng nghề cây truyền thống như làng hoa Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), các nhà vườn ở các tỉnh phía Bắc…

Tuy nhiên, những người đang bị cuốn trong “vòng xoáy” này, đa phần không ai rõ hình thù mặt hoa của loại cây đang gây sốt như thế nào, bởi giống cây này hầu hết ra hoa từ thời điểm trước Tết và kéo dài vài ba tháng sau đó.

Điều đáng nói, nó được xuất phát duy nhất từ làng nghề trồng hoa cây cảnh có tên Phụng Công (Văn Giang). Các vùng trồng hoa, làng nghề khác không có giống loài này.

Thời điểm hiện tại, cây đã hết mùa hoa, chỉ hiếm hoi còn sót lại những cây ra hoa muộn. Những cây giống được mua bán chủ yếu qua mạng xã hội, được “bảo hành” bằng miệng, kèm theo… hoa bằng ảnh.

Không ai được nhìn chính xác mặt hoa, hay được xem hình ảnh cây giống được trích ra từ “cây mẹ” như thế nào. Ngay như những đặc điểm, thông tin về cây, đa phần đều do người nọ truyền tai người kia, hoặc… cóp nhặt trên mạng.

Ông Chử Văn Cao, một trong số những người đầu tiên trồng trà tại làng nghề cây cảnh Phụng Công cho biết: rất nhiều người liên hệ nhờ ông “thẩm định” giúp xem có chuẩn giống cây trà “lá nhãn Văn Giang” hay không để quyết định “xuống tiền” mua. Các thợ buôn cây nườm nượp đổ về Văn Giang săn lùng trong những ngày qua khiến cơn sốt các loại hoa trà mang tên trà thiển, trà muống, trà lá nhãn… sôi động như thời lan đột biến bán bằng… cm!

Trà được trồng, nhân giống vào các chậu nhựa chờ bán tại xã Phụng Công

“Ai mang đến tận nhà hỏi thì tôi chỉ cho, còn nhờ tôi đi theo, đến nhà người ta thì tôi không đi. Những loại trà được đẩy lên chóng mặt như thế này, chủ yếu qua tay người nọ sang tay người kia. Một cây có thể qua tay vài chục người, mỗi một lần lại được nâng giá lên nên mới thành mức giá "trên trời" như vậy” – ông Cao phân tích.

Om hàng, tạo sóng, dẫn dắt người chơi

Đầu năm 2021, hoa trà bạch – một trong những giống trà cổ được trồng lâu năm, đã thuần hóa tại Việt Nam được “tạo sóng” là loại cây đẹp nhất, có giá trị về kinh tế. Khi đó, những cây trà có tuổi đời vài chục năm, thân già trắng xuất hiện những đốm đen trên da cây do thời gian… được tìm mua với giá vài chục cho tới vài trăm triệu đồng.

Giới chơi cây gọi đó là những cây trà cổ, trà “cốt chậu”. Những tác phẩm này có hình thế tự nhiên rất đẹp, hoa nở to, đẹp, bền, chơi được lâu ngày hơn so với những cây non, ít tuổi đời, thời gian trồng trên chậu chưa lâu.

Vì sự quý hiếm, số lượng không nhiều và vẻ đẹp chuẩn mực không thể chối cãi, giá trị của những cây trà bạch cổ lớn gấp nhiều lần so với những cây trà non khác cùng chủng loại.

Người sở hữu, nếu không là những người trực tiếp trồng lâu năm, thì đều là những người có điều kiện kinh tế mới dám bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mua. Họ là những người yêu cây đích thực, không ồn ào, phô trương.

Những tác phẩm cây “đếm trên đầu ngón tay” như thế rất ít khi xuất hiện trên những hội nhóm thương mại, được “nhốt vườn” mà chỉ những người thạo tin mới biết.

Khi cơn sốt trà được đẩy lên cao, cuộc “xả hàng” bắt đầu: những cây trà giống vài ba năm tuổi, kích thước khoảng chục cm được đẩy giá lên tiền triệu, dù trước đó nó chỉ có giá vài chục ngàn đồng.

Cắt các nhánh trà bánh tẻ, dâm ủ là kỹ thuật không mới mẻ của nhiều nhà vườn. Tuy nhiên, một nhánh cây bé xíu "hét giá" 20 triệu đồng là điều chưa bao giờ xảy ra

Những người có nhiều kinh nghiệm trong giới chơi trà cho biết, cơn sốt hoa trà là “chủ định” của một nhóm người. Trước đó vài ba năm, họ đi thu gom hết những cây trà khủng trong các nhà vườn, mua trong nhà dân… để “găm hàng”, sau đó bước vào giai đoạn “làm giá”.

Những hội, nhóm về cây trà my được lập để thu hút những người có cùng đam mê. Ban đầu, nó là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của những người có cùng đam mê, sở thích. Với những người nắm quyền quản trị viên, duyệt bài…, nó là cách thức để họ “tuyển hàng”, “om hàng” từ những người chơi đơn lẻ.

Khi đã nắm trong tay số lượng lớn những cây trà quý của nhiều chủng loại khác nhau, “chiến dịch tạo sóng” bắt đầu.

Những giao dịch, trao đổi, mua đi bán lại giữa những “người chơi” bắt đầu xuất hiện và mỗi ngày một dày đặc thêm trên mạng xã hội. Các cuộc săn lùng cây hoa trà my, các tút đăng bài “thả thính” được tung ra. Đó cũng là khi số lượng những người tham gia là thành viên trong các nhóm/hội về cây hoa trà lên tới hàng vạn người, đủ để tạo thành một thị trường cho những người có chủ đích dẫn dắt cuộc chơi.

“Kịch bản của nó không khác gì kịch bản tạo sốt lan đột biến, lan var vài ba năm trước. Khi đã bán hết mặt hoa này, họ sẽ chuyển sang mặt hoa khác. Họ luôn làm chủ, điều hành cuộc chơi, và người chơi sẽ luôn bị dẫn dắt” – anh Cường (Hà Nội), một người chơi trà nhiều chục năm cho biết.

Nguồn: Baomoi.com

 

 

 

 

 

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng