TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Giải cứu chỉ là cách “chữa bệnh trên ngọn”

20/03/2018
94

Chuyện “giải cứu heo ế” đang nóng hổi trong cả nước khi cả nước tồn kho tới 200.000 tấn thịt heo khiến người chăn nuôi lao đao, có thể coi là một phiên bản mới của câu chuyện “giải cứu nông sản” tiếp theo của hành tím, dưa hấu, chuối… trong nhiều năm qua, nhưng ở cấp độ lớn hơn.

Đúng là trong hoàn cảnh khẩn cấp như tình trạng heo ế hiện nay, cần phải có những giải pháp khẩn cấp, vốn dĩ đã được Bộ NNPTNT và các chuyên gia, doanh nghiệp nêu ra trong một tuần gần đây. Bình tĩnh để nhìn nhận, thì đây cũng là cơ hội để “bốn nhà” cùng xem lại quy trình hợp tác vận hành các ngành hàng nông sản thường gặp rủi ro hiện nay. Nếu chỉ ngồi chờ “giải cứu” như một giải pháp chính mà không thay đổi căn cơ quan hệ sản xuất – kinh doanh, thảm cảnh này có thể sẽ lặp lại, thậm chí còn nặng nề hơn vào những năm tới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây giữa phóng viên Làng Mới, Tiến sĩ Đào Thế Anh (Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nông thôn Việt nam (PHANO) đã phân tích được nguyên nhân sâu xa của vấn đề này, và nêu ra một số gợi ý giải pháp đáng lưu tâm.

Thưa ông, những năm gần đây, nền nông nghiệp nước ta đang gặp phải tình cảnh “được mùa mất giá”, thi thoảng lại nổi lên các vụ “giải cứu nông sản” do không tìm thấy đầu ra. Nguyên nhân chung nhất của hiện trạng này là gì?

– Theo tôi, nguyên nhân cơ bản đầu tiên là người nông dân trong những vụ việc này chưa hiểu cơ chế hoạt động của thị trường và thiếu tổ chức để hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá, cách tiếp cận chạy theo giá bán một thời điểm nào đó để hoạch định sản xuất kinh doanh là cách làm sai, mang lại rủi ro rất lớn. Nhưng từ trước tới nay, vẫn ít có người tư vấn cho nông dân. Khi thấy sản phẩm nào đó giá cao thì nhiều nông dân nuôi, trồng ngay, mà không biết quy mô của thị trường cần bao nhiêu, chất lượng yêu cầu thế nào. Làm theo cách này là không ổn, trừ trường hợp thị trường rất lớn, cung thấp xa so với cầu. Nhưng đối với thị trường nông sản, nhất là nông sản có giá trị cao thì quy mô thường là không lớn, và cạnh tranh khá gay gắt.

Như trường hợp trồng chuối ở Đồng Nai và một số vùng khác, nhiều nông dân thấy giá cao thì trồng, không biết thị trường cần bao nhiêu, về tiêu chuẩn chất lượng cho xuất khẩu cũng không mấy để ý. Vấn đề là ở chỗ là không có ai tư vấn cho người nông dân. Bản thân nông dân trong sự việc này, thường chỉ cần biết hai vấn đề: Một là có được giống tốt, hai là học được kỹ thuật canh tác. Trồng như vậy chỉ có thể “thắng” được một hoặc hai năm đầu, và thường gặp rủi ro, đặc biệt là nếu khách mua không có hợp đồng.

Một điểm bán chuối do Hội LHTN VN tỉnh Đồng Nai phát động

Mặc dù thị trường tiêu thụ chuối của Trung Quốc phát triển nhanh từ năm 2011 trở lại đây , nhưng họ phát triển ở phân khúc chuối chất lượng cao, có tiêu chuẩn rõ ràng. Nếu nhà cung cấp ở nước họ không đủ, hay nhập từ Philippine thiếu thì họ mới mua thêm từ nước ngoài. Nếu họ thiếu ít thôi, mà mình không xác định được nhu cầu họ cần mua thêm bao nhiêu, lại đi trồng chuối quá nhiều, thì chuyện họ ngừng mua và nhà nếu nông khi không có những “đầu ra” khác, sẽ trở tay không kịp với tốc độ chín của trái chuối.

Vậy để có điều kiện thuê chuyên gia, hoặc hiểu được tín hiệu của thị trường, người nông dân, nhất là nông dân canh tác quy mô nhỏ cần có yếu tố tiên quyết nào, thưa ông?

Người nông dân nhỏ muốn tiếp cận thị trường và có điều kiện thuê, hoặc tiếp nhận tư vấn kinh doanh, tốt nhất phải có tổ chức của mình,  là tổ chức nghề nghiệp của nông dân. Đừng chờ vào Nhà nước vì Nhà nước chỉ có thể tư vấn và hỗ trợ ở một số ngành hàng chính. Người nông dân phải tự xác định trồng cái gì và trồng như thế nào, tiêu chuẩn ra sao trong kinh tế thị trường. Khi biết chắc chắn những điều ấy mới nên quyết định trồng, để đảm bảo chắc chắn hơn nữa thì cần xác định trên hợp đồng.

Trở lại ví dụ về thị trường tiêu thụ chuối, chuối tiêu hồng ở Hưng Yên hay như chuối của ông Võ Quan Huy ở Long An vẫn bán rất chạy vì đã có thị trường rõ ràng thông qua hợp đồng. Trong trường hợp như vậy nếu những tỉnh như Đồng Nai mà muốn thúc đẩy ngành chuối bền vững, tốt nhất phải thúc đẩy thành lập các hợp tác xã và các hiệp hội người trồng và xuất khẩu chuối. Có thể bầu những người như ông Võ Quan Huy hay những người nông dân có năng lực kinh doanh và có đầu óc về thị trường làm lãnh đạo. Hãy nhìn sang nước xuất khẩu chuối hàng đầu ở Đông Nam Á như Philippines, họ có hẳn một hiệp hội trồng và xuất khẩu bao gồm các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cùng với các công ty xuất khẩu. Hiệp hội này sẽ thống nhất về các vấn đề như trồng giống chuối gì, bán cho ai, phải có đầy đủ thông tin mới quyết định trồng và họ kiến nghị chính sách với nhà nước

Tư vấn cho nông dân không chỉ có tổ chức, chuyên gia ở Việt Nam mà còn có các công ty, chuyên gia nước ngoài, nhưng cái quan trọng nhất là phải có tổ chức của nông dân, để đứng ra kết nối, mua kết quả phân tích hoặc thuê chuyên gia tư vấn. Ngành thuỷ sản cũng đang làm tốt về việc truy xuất nguồn gốc minh bạch. Bây giờ,  những ngành muốn xuất khẩu cần cho phép thành lập các hiệp hội nghề nghiệp gồm các nhà sản xuất và xuất khẩu để trao đổi, tìm hiểu thị trường, thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, giống, quy trình canh tác và các vấn đề theo yêu cầu của thị trường.

Ông vừa nhắc tới vai trò các hội  nghề nghiệp, là người từng có đóng góp xây dựng thương hiệu tập thể thành công cho nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam, ông  nhận thấy điều kiện để thành lập và vận hành các hội hay hiệp hội dạng này hiện nay như thế nào?

– Điều kiện thành lập các hội hay hội  nghề nghiệp đang còn khó khăn. Thành lập hợp tác xã thì dễ hơn vì đã có Luật Hợp tác xã 2012, lập tổ hợp tác thì đã có Nghị định 151 quy định rồi. Còn muốn lập hội thuận lợi phải đợi Luật về hội, nhưng luật về hội lại chưa được Quốc hội thông qua, trong thời gian tới chắc chắn sẽ được thông qua vì đây là nhu cầu của cuộc sống và đặc biệt quan trọng đối với nông dân sản xuất hàng hóa.

Việc lập hội mà tôi đề cập ở đây là lập hội nghề nghiệp được tổ chức một cách chuyên nghiệp theo chuỗi giá trị, bao gồm nhiều chủ thể theo chiều dọc của chuỗi tham gia. Hội khác hợp tác xã vì hợp tác xã có cùng một dạng chủ thể, cùng là nông dân hợp tác với nhau theo chiều ngang. Còn hội sẽ có cả chủ trang trại, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến… để cùng định chiến lược phát triển ngành hàng, cùng lên kế hoạch sản xuất và kinh doanh, gắn liền sản xuất với thị trường thành một “bộ máy” chứ không phải việc mặc cả với nhau ngoài chợ. Hiệp hội ngành hàng ở nước ta hiện nay do nhà nước tổ chức, chủ yếu do các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia còn các đơn vị sản xuất không tham gia (Hiệp hội Lương thực Việt Nam – VFA là một ví dụ).

Hiệp hội đúng nghĩa được trông đợi sẽ giải quyết vấn đề thị trường, tiếp xúc với các đối tác sau đó quay về tập huấn cho người sản xuất. Bản thân hiệp hội đóng vai trò tư vấn và đào tạo các thành viên, nếu cần thiết họ đứng ra mời các chuyên gia như các viện nghiên cứu, các chuyên gia về thị trường, thậm chí là các công ty tư vấn nước ngoài. Vì vậy, những việc này cần phải làm chung, chứ làm từng hộ, từng HTX, từng doanh nghiệp nhỏ thì không làm được.

Ngoài sự cần thiết về liên kết nhà nông – doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, các hội nghề nghiệp theo ngành hàng còn có thể có ý nghĩa nào khác, thưa ông?

Một vai trò khác của hội, hay hiệp hội ngành hàng là góp phần vào khâu quy hoạch sản xuất. Hiện nay chúng ta đang quy hoạch theo cách cơ quan nhà nước hoạch định, nhiều khi, nhiều nơi không sát với tín hiệu thị trường. Không thể tìm hiểu thị trường chung chung mà phải cụ thể, từng đối tượng khách hàng, từng vùng, từng giống cây, từng hộ sản xuất, từ đó hiệp hội hay hội sẽ tham gia một vùng trồng bao nhiêu là vừa, kỹ thuật thế nào. Nếu thiếu giống sẽ đi đặt hàng của các doanh nghiệp hay khuyến nông để có thêm giống. Phải đi từ thị trường trước rồi mới lên kế hoạch sản xuất. Bây giờ mình sản xuất chán rồi, cầu vượt cung mới đi tìm thị trường, đi “giải cứu” là làm ngược.

Các hiệp hội nông dân cần tư vấn về thị trường, một loạt các hợp tác xã ra đời cũng cần tư vấn về kế hoạch kinh doanh. Cái này ai làm được? Nếu giao về ngành nông nghiệp, tôi nghĩ phải có vai trò đậm nét của ngành khuyến nông, của trung tâm xúc tiến thương mại ở các tỉnh. Ngành khuyến nông không chỉ thiên về tư vấn kỹ thuật, mà cần tư vấn giải pháp  kinh doanh nông sản, tức là phải có cả phân tích, tư vấn kỹ về thị trường từng loại nông sản. Muốn làm được điều này phải được Nhà nước đầu tư, phải có giáo viên, phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn. Hiện nay chuyển sang kinh tế thị trường thì sản xuất đã hình thành một nhu cầu mới là tư vấn sản xuất- kinh doanh nông sản bao gồm cả nghiên cứu thị trường, tư vấn tổ chức kinh doanh, chuyển giao  kỹ thuật trọn gói và đồng bộ. Trung tâm NC và PT Hệ thống NN của chúng tôi đã nghiên cứu phương pháp Lớp học sản xuất-kinh doanh nông sản để đào tạo cho cán bộ khuyến nông, cán bộ hội nông dân, phụ nữ địa phương và các lãnh đạo THT, HTX.

Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ và cách thức tổ chức của “nhà tư vấn” kinh doanh cho nông dân Việt Nam hiện nay?

– Sản phẩm nông sản hiện nay có rất nhiều loại, sản phẩm đại trà mình gọi là các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cà phê… Những cái đó cần có tư nhân tham gia vào. Tư nhân sẽ làm những sản phẩm có chất lượng đặc thù ví dụ như cà phê hữu cơ, hoặc là làm theo chứng nhận theo UTZ, hay 4C… Doanh nghiệp tư nhân muốn làm các sản phẩm đặc thù có giá trị cao vì có giá  trị cao mới có tiền trả tư vấn.

Bản thân mỗi ngành hàng muốn bền vững phải tự nuôi lấy nó chứ không phải chờ đợi  tiền từ bên ngoài vào. Những sản phẩm đại trà đảm bảo an ninh lương thực thì vấn đề thị trường cần phải có khuyến nông công ích vì nó miễn phí. Còn những sản phẩm đặc thù thì các công ty bên mua sẽ làm tư vấn, ví dụ như siêu thị sẽ cử người xuống tư vấn cho nông dân trồng rau như thế nào. Bên cạnh đó, còn có những công ty nghiên cứu thị trường thế giới như thị trường gạo chức năng , sản phẩm hữu cơ… Nếu các tỉnh định xuất khẩu  thì rõ ràng là cần những công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường. Thường những sản phẩm định kỳ có sẽ có báo cáo và có bán trên mạng.

Tôi cũng đã thử tìm hiểu thị trường rau hữu cơ ở Mỹ, đấy là một thị trường đang phát triển rất nhanh. Những sản phẩm đặc thù, chất lượng cao thì tư nhân làm còn những sản phẩm được coi là chủ lực của Việt Nam thì Khuyến nông Quốc gia hay khuyến nông công ích phải làm. Rồi các viện nghiên cứu phải nghiên cứu, chứ về thị trường các gam sản phẩm thay đổi rất nhanh, trong khi khuyến nông và nghiên cứu thị trường lại thay đổi chậm. Muốn phát triển hợp tác xã theo hướng thị trường cần gắn họ với năng lực thị trường. Nông dân Việt Nam chưa đọc được tiếng Anh không giống nông dân Philipines, phải dịch sang tiếng Việt để truyền tải lại chứ nông dân Việt Nam nói chung chưa có năng lực tiếp cận trực tiếp thông tin thị trường quốc tế.

– Hiện nay thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu yêu cầu có sự tiếp cận nhanh các thông tin cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm. Theo ông tư vấn công của nước ta đã đáp ứng được tốc độ này?

– Vấn đề này là do chiến lược của chúng ta thôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm marketing phải định lại chiến lược từ các sản phẩm chủ lực, phải có những nghiên cứu mang tính chiến lược. Thị trường sản phẩm cao cấp bắt buộc phải có hợp đồng để giảm rủi về thị trường  ro cho nông dân, . Làm các sản phẩm cao cấp mà không có hợp đồng sẽ không ai làm cả, khách Trung Quốc mua mà không có hợp đồng cũng không nên bán. Còn những sản phẩm chất lượng thấp như gạo chất lượng thấp, giá biến động hàng ngày thì có thể theo dõi thông tin chung là được.

– Theo quan sát của ông, trong lĩnh vực này, vai trò của “Nhà tư vấn” tư nhân ở Việt Nam đã thể hiện rõ nét chưa và thể hiện ở chỗ nào?

– Công ty, tổ chức tư vấn tư nhân ở Việt Nam đang còn ít, các hợp tác xã, hộ sản xuất còn nhỏ chưa có thói quen sử dụng tư vấn, các công ty cũng ít chú ý đến “khách hàng” nông dân. Thực ra đã có một số công ty nước ngoài vào Việt Nam làm rồi, vì đây là thị trường tư vấn tiềm năng. Họ nghiên cứu một số thị trường như Hà Nội, TP.HCM rất chi tiết, các bản báo cáo đấy đều bằng tiếng Việt, tuy nhiên ai muốn dùng thì phải bỏ tiền ra mua. Ở đây phải thực hiện hợp tác công – tư thôi vì các công ty đấy họ không làm việc trực tiếp với các hợp tác xã hay doanh nghiệp nhỏ được.

Giải cứu củ cải trắng tại Mê Linh

Hiện nay, các sản phẩm nông sản đặc thù có số lượng còn ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước, chưa đủ để xuất khẩu. Sau này muốn đẩy mạnh những ngành hàng này lên xuất khẩu cần có nghiên cứu thị trường quốc tế. Các cơ quan nghiên cứu hiện nay, như Trung tâm NC và PT Hệ thống NN thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chẳng hạn, cũng có năng lực tiếp cận với thị trường nước ngoài, có nhiều cán bộ biết ngoại ngữ. Bây giờ phải nghiên cứu thị trường trước, chuẩn bị đầy đủ điều kiện mới quyết tâm làm. Một ví dụ cụ thể: Trong các dự án của IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế – một cơ quan của Liên Hợp Quốc) tại Quảng Bình, IFAD đã rất chú ý phát triển chuỗi giá trị phục vụ người nghèo. Các sản phẩm đặc sản của địa phương như gà, lợn, bò, miến… khi đưa vào dự án, không hướng dẫn nuôi trồng ngay từ đầu mà phải họp bàn với người dân xem cái nào có khả năng phát triển thành hàng hoá, cái nào chỉ để ăn là chính; mời những người thu gom nông sản địa phương đến để lên kế hoạch về thị trường. Khi giải quyết cơ bản vấn đề đầu ra, thì mới bắt đầu tổ chức, hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật nuôi trồng theo yêu cầu của thị trường.

– Thưa tiến sĩ, trong việc tổ chức hoặc hỗ trợ kết nối tư vấn kinh doanh cho nhà nông, ông nhận thấy tổ chức Hội Nông dân các cấp có những thế mạnh nào cần được phát huy?

– Hội Nông dân là một tổ chức mạnh, có tổ chức đến tận thôn bản và nắm sứ mạng bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, không chỉ quyền lợi chính trị cần được bảo vệ, người nông dân còn có quyền lợi liên quan đến khả năng và vị thế khi tham gia thị trường nông sản. Trong các dự án của IFAD, họ cũng phối hợp với Hội Nông dân địa phương để thúc đẩy các tổ hợp tác ở cấp làng xã. Không chỉ làm về vấn đề kỹ thuật như ngày trước, các dự án này còn làm cả về tư vấn về thị trường, quản lý tổ hợp tác. Với người nông dân nước ta, sản xuất thường là thế mạnh, nhưng tiếp cận thị trường ít có kinh nghiệm vì từ trước đến nay có nhà nước lo hộ vì vậy khi thay đổi sang cơ chế thị trường thì  hiện tượng sản xuất ra lại không bán được là phổ biến nên nếu có thêm vai trò của Hội về kết nối tư vấn thị trường thì rất tốt. Cần phải nhìn nhận khâu tư vấn thị trường là nhu cầu thực tế và nóng bỏng của nông dân hiện nay.

Trong khuôn khổ tập huấn tại các địa phương, bên Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống nông nghiệp  có vai trò tư vấn và đối tác địa phương là các Trung tâm đào tạo nghề của Hội Nông dân ở các tỉnh. Ở cấp Trung ương, một khi có hợp tác khung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về vấn đề này, tôi tin rằng sẽ còn nhiều “dư địa” cho hợp tác để đào tạo cán bộ, chuyên gia, từ đó các chuyên gia này tiếp tục về tư vấn, giảng dạy, hướng dẫn tại các địa phương.

Theo quan sát của ông với tư cách một nhà khoa học từ ngoài hệ thống Hội, Hội Nông dân có thể tham gia vào hoạt động tư vấn cho nông dân ở khâu nào?

– Với chức năng của mình, Hội Nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia và tham gia hiệu quả lĩnh vực này. Ở nước ngoài, hội nông dân thường được tổ chức theo hình chóp, bắt đầu từ “cạnh đáy” từ dưới lên là các hợp tác xã rồi các hội tự nguyện, sau đó bầu lên hội ở cấp tỉnh, cấp trung ương. Ở Việt Nam cũng có hệ thống Hội ở cấp trung ương và các địa phương cho đến các tổ hợp tác. Vấn đề là làm thế nào để kết nối thành hệ thống trong việc tư vấn. Muốn làm về thị trường phải bắt đầu từ con người, phải đào tạo lại cán bộ. Cán bộ hiện nay, không chỉ ở Hội mà nhiều hệ thống khác, hầu hết chưa được trang bị đủ những kiến thức về kinh tế nông nghiệp để trở thành những nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Gần đây, Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ, về mặt chiến lược, theo tôi đánh giá như vậy là rất tích cực. Tuy nhiên, ở cấp xã, thôn, các tổ hợp tác tại Việt Nam mang tính tự nguyện, không chính thức, Nhà nước khó nắm chính xác được thông tin là có bao nhiêu tổ hợp tác, gồm những nhóm nào, khả năng và nhu cầu thị trường đầu vào, khả năng đáp ứng thị trường đầu ra của từng nhóm bao nhiêu. Trong khi hợp tác xã thì có đăng ký trong hồ sơ rồi, có thể thống kê được. Tôi cho rằng, thông qua tổ chức Hội Nông dân, có thể thống kê sát những con số này. Thông qua đó có thể thông tin, đánh giá, kiến nghị xác đáng đến Nhà nước.

Hội Nông dân Việt Nam có lợi thế là có mạng lưới chân rết xuống tận xã, thôn. Ở Thái Lan không có hội nông dân nhưng họ dùng cán bộ khuyến nông xuống tận xã để thống kê các chỉ số nông nghiệp sau đó họ tính nguồn cung, từ đó đối chiếu với nhu cầu thị trường. Việc cân đối cung cầu rất quan trọng, hiện nay chúng ta mới chỉ  “làm trên giấy” chứ chưa có mạng lưới nào thống kê một cách chính xác.

Ở góc độ tư vấn chuyên sâu về thị trường sản phẩm chất lượng cao, hoặc sản phẩm đặc thù, ví dụ như thị trường hạt mắc ca thế giới chẳng hạn, theo ông, Hội Nông dân có thể tham gia từ góc độ nào?

– Tổ chức Hội hoàn toàn có thể mời các chuyên gia trong và ngoài nước giỏi về lĩnh vực đó để tư vấn cho nông dân ở những khu vực đang có nhu cầu. Hiện nay nông dân đang quá phụ thuộc vào khuyến nông của Nhà nước, tuy nhiên Nhà nước không thể có đủ tiền để rải hết vào việc tư vấn thị trường đối với tất cả các loại cây, con. Nhà nước chỉ tập trung vào các loại cây sản phẩm chủ lực, như lúa gạo, cà phê chẳng hạn, để đảm bảo an ninh lương thực. Như các loại cây mới thì khó có thể trông chờ vào khuyến nông nhà nước, mà cần có mạng lưới khác hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân Việt Nam cũng có thể cân nhắc để đáp ứng nhu cầu của nông dân. Một khi Hội thật sự đứng về phía nông dân, đặt mình vào vị trí của người nông dân để nhìn nhận các nhu cầu cần giải quyết, và giúp người nông dân giải quyết được kịp thời, hiệu quả vấn đề của họ, thì vai trò của Hội ngày càng vững mạnh .

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: vaas.org.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng