TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Khóa tập huấn Quốc tế “Nhân giống hoa lan Đai Châu (Rhynchostylis) bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào”

28/09/2017
34

Lan Đai châu (Rhynchostylis) là một loài lan bản địa của Việt Nam rất được ưa chuộng và được trồng phổ biến hiện nay. Lan Đai châu có đặc điểm như: nở hoa vào đúng dịp Tết nguyên đán, hương thơm nhẹ nhàng, năng suất chất lượng hoa cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên có thị trường tiêu thụ rộng và đem lại giá trị kinh tế cao cho các nhà trồng lan. Tuy nhiên, việc nhân giống lan Đai châu tại Việt Nam bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào còn gặp nhiều khó khăn do kỹ thuật nhân giống còn chưa hoàn thiện dẫn đến hệ số nhân còn thấp, chất lượng cây giống chưa cao. 

Để nâng cao kỹ thuật nhân giống lan Đai châu bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và góp phần phát triển cây hoa lan này tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã tổ chức khóa tập huấn ngắn hạn “Nhân giống hoa lan Đai Châu (Rhynchostylis) bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào” (Techniques and application of Rhynchostylis orchid micropropagation) cho các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm, từ ngày 11 đến ngày 23 tháng 9 năm 2017. Khóa học được giảng dạy bởi PGS.TS Aphichat Chidburee, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp, Đại học Công nghệ Lanna, Thái Lan - đất nước đi đầu trong việc nhân giống lan Đai châu trên thế giới. 

PGS.TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm NC&PT Hoa, cây cảnh giới thiệu Phòng nuôi cấy mô của Trung tâm

với PGS.TS Aphichat Chidburee 

PGS.TS Aphichat Chidburee đã có những bài giảng chia sẻ về kỹ thuật, phương pháp nuôi cấy mô cây trồng nói chung và lan Đai châu nói riêng đang được áp dụng tại Thái Lan, cũng như những tiến bộ kỹ thuật mới nhất trong nuôi cấy mô tế bào đang được nghiên cứu và áp dụng thành công trên thế giới.

Bên cạnh các bài giảng, PGS.TS Aphichat Chidburee đã trực tiếp hướng dẫn các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm thực hành kỹ thuật nhân giống hoa lan Đai châu bằng in vitro tại Phòng nuôi cấy mô của Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh. Trong quá trình thực hành, Phó giáo sư và các cán bộ nghiên cứu đã trao đổi về những vấn đề còn tồn tại trong công tác nuôi cấy mô tế bào ở Việt Nam và thảo luận hướng giải quyết, cách khắc phục những khó khăn trên.

PGS.TS Aphichat Chidburee hướng dẫn các cán bộ nghiên cứu Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh phương pháp lấy mẫu 

PGS.TS Aphichat Chidburee cùng cán bộ nghiên cứu của Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh chuẩn bị môi trường

PGS.TS Aphichat Chidburee hướng dẫn cán bộ nghiên cứu kỹ thuật khử trùng mẫu

Ngoài ra, PGS.TS Aphichat Chidburee cùng các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm NC&PT Hoa, cây cảnh đã đi tham quan thực tế một số phòng thí nghiệm nuôi cấy mô đang tiến hành nhân giống lan Đai châu tại tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Dưới sự giảng dạy và hướng dẫn tận tình của PGS.TS Aphichat Chidburee, các cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm NC &PT Hoa, cây cảnh đã tiếp nhận được kỹ thuật nhân giống lan Đai châu bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào nói riêng cũng như nâng cao trình độ hiểu biết và kĩ thuật nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào nói chung.

Các cán bộ Trung tâm chụp ảnh kỷ niệm với PGS.TS Aphichat Chidburee

Khóa học đã kết thúc tốt đẹp. PGS.TS Aphichat Chidburee rất cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình và chuẩn bị chu đáo từ phía Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh. Ông mong muốn sẽ còn được hợp tác với Trung tâm trong thời gian tới. Về phía Trung tâm, thông qua quá trình thảo luận và tiến hành các thí nghiệm, Trung tâm đã có thêm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân giống nuôi cấy mô tế bào lan Đai châu, từ đó hứa hẹn triển vọng nhân giống lan Đai châu với số lượng lớn bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Việt Nam.

KS. Vi Kim Chi

(Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng