TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Kinh doanh cây, hoa cảnh mang lại lợi nhuận trăm triệu đô la mỗi năm

11/12/2019
85

Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế có giá trị cao ở nông thôn” do Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 10/12, tại Viện Nghiên cứu Rau Quả - Hà Nội.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Theo số liệu thống kê được công bố, năm 2019, cả nước có trên 50 nghìn hécta trồng cây, hoa cảnh, giá trị sản lượng tăng gần 10 lần so với năm 2010. Riêng mặt hàng hoa thương mại có khoảng 11 nghìn hécta, sản lượng đạt 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu 1 tỷ cành, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD/năm. Nhiều mô hình sản xuất cây cảnh, hoa cảnh đạt giá trị thu nhập cao (từ 1,0-1,5 tỷ đồng/hécta). Đặc biệt, có một số mô hình (quy mô 50-100ha) thu nhập đạt 3-5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 6-7 lần so với các loại cây trồng khác. 

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Hữu Vạn (ngồi giữa) đồng chủ trì hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh: Nước ta rất giàu tiềm năng để phát triển cây, hoa cảnh, từ lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đến nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê về hoạt động trong lĩnh vực này, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động sản xuất vẫn còn mang nặng tính tự phát, chưa có sự quy hoạch, điều chỉnh phù hợp của Nhà nước; người nông dân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất; tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết giữa các bên: Nhà nước, DN và người nông dân sản xuất… khiến cho tiềm năng trong lĩnh vực này chưa được khai thác.

Ông Lê Đức Thịnh phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ với những ý kiến của Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thẳng thắn thừa nhận, sự quan tâm và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự lan tỏa và đến được với người nông dân sản xuất cây, hoa cảnh. Mặc dù ở các cấp đại diện, vai trò phối hợp đã được thiết lập, song mối quan hệ này mới dùng lại ở trao đổi, thảo luận và chưa có nhiều hành động cụ thể.

Ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả thảo luận tại hội thảo

Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, ngành sản xuất hoa ở nước ta đã phát triển không ngừng, bộ giống hoa và công nghệ trồng hoa đã tiếp cận công nghệ trồng của thế giới. Từ chỗ miền Bắc không trồng được hoa lily, đến nay, mỗi năm Việt Nam đã trồng được vài trăm héc ta hoa lily, chất lượng hoa không thua kém hoa nhập khẩu và hoàn toàn có thể xuất khẩu.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng to lớn của hoạt động sản xuất, kinh doanh cây, hoa cảnh trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung cũng như tác động trực tiếp đến đời sống của người nông dân. Từ những giá trị to lớn mà cây, hoa cảnh mang lại đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao mức thu nhập cho người dân, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn.

Các đại biểu tham quan Khu nhà lưới trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao tại Viện NC Rau quả

Bên cạnh đó, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại trong sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam như: Kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu so với các nước trong khu vực, chủ yếu trồng ở ngoài tự nhiên mà chưa đầu tư hệ thống khép kín nhà màng, nhà lưới... Các giống hoa, cây cảnh chủ yếu có nguồn gốc trong nước: Đào bích, quất Văn Giang, hồng Đà Lạt... Kỹ thuật thu hái, xử lý, bảo quản, đóng gói sản phẩm còn thấp nên chất lượng hoa sau thu hoạch sụt giảm. Do đó, sản phẩm hoa, cây cảnh của Việt Nam khó cạnh tranh về giá, chất lượng với các loại hoa của các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan...

Do vậy, để có thể đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh cây, hoa cảnh phát triển và khẳng định giá trị hơn nữa trong tương lai, nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, việc đầu tiên cần làm, đó là Nhà nước cần sớm có định hướng, có quy hoạch đối với khu vực làng nghề trồng cây, hoa cảnh để phát triển hoạt động sản xuất này; chú trọng hơn nữa đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của người dân về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giàu tiềm năng này; đồng thời tăng cường liên kết giữa các bên liên quan để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh này phát triển theo hướng tập trung, chuyên môn hóa cao; không ngừng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, cũng như đổi mới cách thức sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng cao thị hiếu của người tiêu dùng.

Nguồn: ceford.vn

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng