TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Liên kết sản xuất hoa, cây cảnh

18/03/2016
84

Hoa, cây cảnh đang trở thành một ngành hàng chủ lực, tạo thu nhập cao cho người sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, việc chưa tạo ra nhiều giống hoa, cây cảnh có chất lượng cao; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch và nhất là còn thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh đang đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần nhằm nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững…

Tiềm năng lớn nhưng còn nhiều hạn chế

Nước ta có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất hoa, cây cảnh. Vùng trung du phía bắc và bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ hiện còn nhiều quỹ đất và lợi thế khí hậu thích hợp với việc sản xuất các loại hoa, cây cảnh cao cấp. Tại các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện để hình thành các trang trại, doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo kết quả điều tra của Cục Trồng trọt, nhu cầu thị trường về hoa, cây cảnh giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm tăng 11%. Mức tiêu thụ hoa, cây cảnh trung bình của người dân đô thị mỗi năm vào khoảng 130 nghìn đồng/người. Các loại hoa thông thường được tiêu thụ quanh năm và tập trung vào những ngày giữa và cuối tháng phục vụ nhu cầu tâm linh. Mức tiêu thụ tăng cao trong các dịp lễ hội hoặc sự kiện quan trọng và tăng rất lớn vào dịp cuối năm, mùa cưới và Tết Nguyên đán.

Trong những năm gần đây, nhiều địa phương chú trọng phát triển sản xuất hoa, cây cảnh cả về số lượng, chủng loại và chất lượng, bảo đảm nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Từ chỗ chủ yếu trồng các loại hoa truyền thống như cúc, hồng, lay-ơn, cẩm chướng, thược dược… đến nay, nhiều nơi đã trồng nhiều loại hoa mới có hình thức đẹp, độ bền cao, hấp dẫn. Nhiều loại hoa mới được phát triển thành hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao, từ đó đời sống của người trồng hoa ngày càng được cải thiện. Để thay đổi tập quán canh tác, người trồng hoa, cây cảnh đã áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, từ chỗ hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại hoa, cây cảnh thì đến nay, với sự tham gia sản xuất của các doanh nghiệp, nhu cầu hoa, cây cảnh trong nước không những được đáp ứng mà còn vươn ra thị trường nước ngoài, xuất khẩu nhiều loại sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Trồng hoa công nghiệp trong nhà kính cho năng suất, chất lượng cao.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, TP Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng hoa, cây cảnh phát triển nhất cả nước. Diện tích hoa, cây cảnh năm 2005 của Hà Nội vào khoảng 610 ha thì đến nay đã tăng khoảng ba nghìn ha, trong đó gần 70% diện tích phân bổ tại 42 vùng tập trung, của 18 xã thuộc các quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng và Thường Tín... Còn lại là các diện tích trồng phân tán tại các xã, phường, sản xuất nhỏ lẻ, hoặc chuyển đổi từ các loại cây trồng khác kém hiệu quả hơn. Tại các tỉnh phía bắc, nhiều địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam… hiện đã phát triển khá mạnh các loại hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần chuyển đổi cây trồng.

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất hoa, cây cảnh, nhưng quy mô của ngành này vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Các giống có chất lượng, năng suất cao thường không chủ động sản xuất được mà hầu như phải nhập khẩu, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà doanh nghiệp. Hiện, nhiều cơ sở sản xuất chưa nghiên cứu, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng cho sản xuất và chưa là cầu nối giữa các nhà sản xuất với nhau, giữa các nhà sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và các nông hộ vẫn còn thiếu thông tin về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nên hiệu quả sản xuất không cao…

Xây dựng chuỗi liên kết để phát triển bền vững

Theo đánh giá của Giáo sư Trần Duy Quý, Viện trưởng châu Á - Thái Bình Dương, ngành sản xuất hoa, cây cảnh đang đứng trước thách thức về giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong bảo quản canh tác và thách thức về thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, khi chúng ta tham gia TPP thì các hàng rào thuế quan cũng như hàng hóa nói chung đang tạo ra một sự cạnh tranh gay gắt, trong đó ngành sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh cũng sẽ chịu áp lực trực tiếp. Cùng với đó, theo các chuyên gia, công tác nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm hoa, cây cảnh có chất lượng cao còn nhiều hạn chế, nhất là chưa có sự gắn bó giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị có chất lượng cao, ổn định cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành này.

Để đầu tư hiệu quả cho ngành sản xuất hoa, cây cảnh, bên cạnh việc chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến cần có quy hoạch phù hợp gắn việc đầu tư có chiều sâu các vùng chuyên canh đang phát triển ổn định tại các tỉnh phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với việc mở rộng các khu vực trồng mới. Cần có giải pháp hiệu quả về xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường quốc tế để tạo ra những giống hoa, cây cảnh phù hợp với thị hiếu tiêu dùng mỗi quốc gia, khu vực nhập khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hợp lý, trong đó chú trọng đến xây dựng nguồn nhân lực có tay nghề, vốn, tín dụng, thuế và các chính sách khuyến nông bảo đảm. Để phát huy hiệu quả sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày càng cao trong nước và hướng đến nâng cao năng lực xuất khẩu, đòi hỏi các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và người trồng trọt trong quá trình liên kết cần nhận thức đúng vai trò, vị trí của mình, trên tinh thần chia sẻ lợi ích để nâng cao chuỗi giá trị và vì sự phát triển bền vững của các bên tham gia liên kết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngành sản xuất hoa, cây cảnh phát triển ổn định, mang tính chiến lược, đủ sức cạnh tranh…

Hiện, cả nước có khoảng 35 nghìn ha hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở cả hai miền. Trong vòng 10 năm trở lại đây (2005-2015), diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu gần 50 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm…

Theo Dũng Minh

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng