TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Nâng cao chuỗi giá trị Nghiên cứu – Sản xuất – Tiêu thụ Hoa, cây cảnh

02/02/2016
103

Bên lề Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Liên kết nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ hoa cây cảnh theo chuỗi giá trị” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức ngày 25/01/2016,  chúng tôi đã có cuộc trao đổi với  PGS.TS. Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả,  kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh về một số nội dung được thảo luận trong Diễn đàn.

PV: Xin PGS cho biết một vài nét khái quát về tình hình sản xuất hoa cây cảnh Việt Nam trong thời gian qua?

PGS.TS. Đặng Văn Đông: Khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, mức độ đô thị hóa ngày càng tăng, những sự kiện, lễ hội, khen thưởng, hội nghị… ngày càng nhiều, thì nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng ngày càng lớn, vì vậy ngành sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh đã và đang phát triển và trở thành một ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất bao gồm các khâu từ sản xuất, dịch vụ, kinh doanh trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Cùng với tốc độ phát triển chung về diện tích, sản lượng, cơ cấu trồng hoa cũng có những thay đổi lớn, từ chỗ trước năm 2000 Việt Nam chủ yếu trồng các loại hoa truyền thống như: cúc, hồng, lay ơn, cẩm chướng, thược dược… đến nay chúng ta đã trồng nhiều chủng loại hoa mới có hình dáng đẹp, độ bền cao hoặc mới lạ hấp dẫn. Nhiều loại hoa mới được phát triển thành hàng hóa lớn. 

Cùng với sự tăng trưởng về diện tích, sản lượng và cơ cấu chủng loại hoa thay đổi thì kỹ thuật canh tác trong sản xuất hoa ở Việt Nam cũng có sự thay đổi lớn, từ lúc chúng ta sản xuất một cách manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng kỹ thuật theo kinh nghiệm là chính thì đến nay chúng ta đã có những vùng sản xuất hoa lớn, tập trung chuyên canh có tính hàng hóa cao, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ chỗ chúng ta chỉ sản xuất được các loại hoa truyền thống dễ làm, thì đến nay chúng ta đã thuần hóa và sản xuất được nhiều loại hoa mới, quý hiếm có giá trị kinh tế cao được người tiêu dùng chấp nhận. Từ chỗ hàng năm chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều giống hoa của nước ngoài thì đến nay chúng ta không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được của ngành sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh, chúng ta vẫn còn một số những hạn chế cần khắc phục bao gồm tất cả các khâu từ nghiên cứu đến trồng trọt, thu hái, xử lý và tiêu thụ… Từ đó dẫn đến chất lượng hoa chưa cao, tiêu dùng trong nước là chính, số lượng xuất khẩu không đáng kể do vậy hiệu quả sản xuất chưa bền vững.

PV: Vậy xin PGS có thể chỉ ra những tồn tại bất cập trong từng khâu của quá trình liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành hoa cây cảnh thời gian vừa qua?

PGS.TS. Đặng Văn Đông: Chúng ta dễ dàng nhận ra những tồn tại bất cập của quá trình liên kết từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ hoa cây cảnh Việt Nam trong thời gian như sau:

Tồn tại về công tác nghiên cứu

          1. Chưa tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao, hầu hết các giống hoa hiện trồng đều phải đi nhập từ nước ngoài.

          2. Chưa nhân nhanh được các giống hoa quý từ nuôi cấy mô đáp ứng yêu cầu trong nước.

         3. Chưa nghiên cứu, xây dựng được nhiều các mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn tại miền Bắc Việt Nam để các địa phương đến tham quan học tập.

          4. Chưa nghiên cứu hoàn thiện được một số qui trình điều khiển nở hoa cho hoa nở đúng dịp như mong muốn.

          5. Chưa nghiên cứu các qui trình thu hái, xử lý, đóng gói, vận chuyển hoa:  Hiện nay vấn đề này hiện người dân vẫn đang làm theo kinh nghiệm.

          6. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng cho sản xuất và chưa là cầu nối giữa các nhà sản xuất với nhau và giữa các nhà sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Tồn tại trong sản xuất

        1. Sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu  định hướng chủ yếu đầu tư theo nhận định chủ quan

        2. Sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, ít có những vùng lớn, mang thương hiệu mạnh để nhiều nơi biết đến.

        3. Những vùng sản xuất lớn chưa có cơ sở nhân giống tại chỗ mà phải mua từ nơi khác dẫn đến sự bị động và có thể dẫn đến rủi ro do chưa qua thử nghiệm, do vận chuyển xa…

       4. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa còn nhiều hạn chế: Các kỹ thuật chọn nhà lưới, giá thể, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được ứng dụng nhiều do vậy chất lượng hoa chưa cao.

        5. Các công nghệ thu hái, xử lý, đóng gói hoa vẫn chưa được quan tâm do vậy tổn thất, hao hụt sau bảo quản khá lớn và chất lượng hoa sau thu hái, bảo quản giảm sút nhiều gây thiệt hại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

       6. Cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất hoa còn khó khăn và thiếu thốn; đất đai manh mún không tập trung, hệ thống giao thông không đáp ứng vận chuyển hàng hóa, hệ thống cấp nước chưa được xử lý… và không có sự đồng bộ để đảm bảo cho quá trình sản xuất đến tiêu thụ.

Tồn tại trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm

        1. Chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau, chưa có một hiệp hội hay một tổ chức để liên kết giữa các đơn vị sản xuất để chia sẻ thông tin  thị trường, kinh nghiệm kỹ thuật dẫn đến tình trạng mạnh ai lấy làm.

        2. Hiện nay cả miền Bắc Việt Nam chưa có một chợ đầu mối hoa theo đúng nghĩa, các chợ hoa Quảng Bá, Mê Linh, Tây Tựu… đều là những chợ bán buôn  hoa nhưng qui mô diện tích quá nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiếu kho hàng, bến bãi để tập kết và vận chuyển hoa

        3. Trong các năm qua các cơ quan khoa học, doanh nghiệp, HTX và Chủ trang trại mới chỉ chú ý các khâu “đầu vào” đó là: Cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật mà chưa chú ý đến một khâu then chốt đó là “đầu ra”.   Số lượng doanh nghiệp tham gia vào mắt xích “đầu ra” trong chuỗi giá trị sản phẩm còn quá ít về số lượng và rất yếu về năng lực, trình độ, thiếu chuyên nghiệp do vậy dẫn đến tình trạng hoa sản xuất nhiều nhưng nhiều loại vẫn chưa đến tay người tiêu dùng.

        4. Các chủ doanh nghiệp, HTX, Chủ trang trại cũng không được cung cấp, trang bị về maketing tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chủ nhiệm HTX, Chủ trang trại đi lên từ trồng lúa, trồng cây lương thực cho nên vẫn tiêu thụ theo cách làm nông nghiệp trước kia, vì vậy hiệu quả sản xuất không cao, chưa tác động ngược lại sản xuất dẫn đến tốc độ phát triển chậm.

         5. Mặc dù ở miền Bắc đã hình thành rất nhiều các cơ sở sản xuất kinh doanh hoa - cây cảnh nhưng chưa có một tổ chức nào đứng ra liên kết các đơn vị này với nhau để tạo thành một hệ thống liên kết không chỉ trong khâu sản xuất mà cả ở khâu tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là hệ thống liên kết giữa “Quản lý – khoa học – sản xuất – tiêu thụ sản phẩm” để vừa nâng cao giá trị sản xuất vừa phát triển mang tính ổn định bền vững.

PV: Vậy theo PGS, chúng ta cần phải làm gì để nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững trong nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ hoa cây cảnh ở Việt Nam?

PGS.TS. Đặng Văn Đông: Để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn vừa mang lại hiệu quả bền vững thì các chủ thể: Nhà quản lý, nhà khoa học và những người đầu tư vào quá trình sản xuất kinh doanh đều phải quan tâm hơn nữa và thực hiện một loạt các biện pháp trong phạm vi chức năng của mình. Cụ thể như sau:

Với các nhà quản lý (Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn; Bộ KH Công nghệ, Bộ Công Thương, chính quyền các cấp….)

        1. Cần có sự nhìn nhận đánh giá đúng về vai trò vị trí của nghành sản xuất kinh doanh hoa - cây cảnh, coi đây là một nghành có nhiều lợi thế và tiềm năng của Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà trong tương lai còn có thể tiến đến xuất khẩu lớn thu ngoại tệ về cho đất nước, từ đó có những chính sách quan tâm hỗ trợ phù hợp.

          2. Liên minh HTX Việt Nam nên là đầu mối để giúp các doanh nghiệp, HTX, Chủ trang trại sản xuất kinh doanh hoa - cây cảnh thành lập một Liên hiệp các HTX sản xuất hoa - cây cảnh miền Bắc Việt Nam và bảo trợ về pháp lý, tìm nguồn kinh phí hỗ trợ để cho tổ chức này phát triển vững mạnh tiến tới là đầu mối điều phối, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên cùng phát triển.

          3. Tùy tình hình ở các địa phương, vùng miền mà các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa phù hợp với điều kiện cụ thể, trong khả năng có thể của mình.

Với cơ quan khoa học

         1. Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để chọn tạo ra nhiều các chủng loại hoa mới, lạ có nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống truyền thống, có khả năng cạnh tranh với các giống nhập nội, cung cấp cho sản xuất.

         2. Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các qui trình nhân giống, qui trình canh tác, bảo vệ thực vật và qui trình thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển hoa để nâng cao chất lượng cây hoa.

         3. Tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các cơ sở sản xuất, kịp thời thông tin về tình hình và dự báo về thị trường hoa - cây cảnh trong tương lai gần và cả tương lai xa để người sản xuất nắm bắt cả kỹ thuật lẫn thị trường từ đó đề ra các bước đi phù hợp, tránh tổn thất.

          4. Giai đoạn đầu sẽ là đơn vị trực tiếp đứng ra thành lập liên hiệp các HTX, sản xuất kinh doanh hoa - cây cảnh và với vai trò bảo trợ về khoa học và hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho tổ chức này. Sau khi tổ chức này vươn lên hoạt động tốt thì kinh phí hoạt động sẽ lấy thu bù chi hoặc đóng góp của các thành viên.

          5. Tích cực giúp các HTX, cở sở sản xuất kinh doanh mới thành lập còn non yếu về công nghệ, về thị trường, khó khăn về tài chính để lựa chọn hướng đi phù hợp nhằm phát triển một cách nhanh chóng và ổn định.

          6. Tăng cường tư vấn ở tất cả các khâu từ việc lựa chọn giống, công nghệ trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản và tư vấn cách thức tiêu thụ sản phẩm cho tất cả các thành viên trong khối liên hiệp để các thành viên cùng có hiệu quả, tránh tổn thất, rủi ro.

          7. Tìm kiếm các nguồn hỗ trợ (thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước) cho các thành viên, để các thành viên có cơ hội được hưởng các cơ chế chính sách của Nhà nước. Giúp các thành viên trong các công việc xây dựng thuyết minh, cách thức tổ chức thực hiện.

         8. Tham gia, tổ chức các hội trợ triển lãm và trực tiếp tổ chức hội trợ hoa xuân tại Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để các HTX, cơ sở sản xuất có địa điểm giới thiệu, buôn bán các sản phẩm hoa, cây cảnh trong dịp tết Nguyên đán.

Với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh

          1. Tích cực tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu về hoa - cây cảnh, thông tin về các TBKT về giống, công nghệ để đề ra định hướng đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với khả năng của mình và đáp ứng nhu cầu thị trường.

          2. Tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư.

          3. Phát huy cao độ lợi thế của mình để lựa chọn đối tượng sản xuất và định hướng đầu tư cụ thể là: Với những cơ sở có ưu thế về khí hậu, về khoa học có thể lựa chọn loại đối tượng cây hoa để đầu tư. Còn với những cơ sở sản xuất mới thành lập chưa có kiến thức chuyên sâu, chưa tạo dựng thương hiệu mạnh của một đối tượng hoa nào đó thì nên đầu tư theo hướng đa dạng hóa chủng loại.

          4. Song song với đầu tư sản xuất rất cần chú ý đầu tư cho việc tiêu thụ sản phẩm, cho việc kinh doanh. Luôn xác định nếu chỉ lo “đầu vào” mà không chú ý đến “đầu ra” sẽ bị tắc chuỗi giá trị. Đầu tư cho tiêu thụ sản phẩm phải đầu tư cho cả hạ tầng (kho chứa, xe vận chuyển) đầu tư quảng cáo sản phẩm và đầu tư để nâng cao trình độ marketing cho người làm công tác tiêu thụ sản phẩm.

          5. Các cơ sở sản xuất kinh doanh một mặt cần có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cơ quan khoa học để tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ tối đa của Nhà nước về cơ chế chính sách, sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu từ đó đảm bảo sự sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn và bền vững. Mặt khác cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kỹ thuật và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau khi hoạn nạn đồng thời có một tiếng nói chung để định hướng thị trường trong nước tiến đến xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Đặng Văn Đông!

Theo Quyết Tuấn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng