Sự kiện Lễ hội hoa hồng Bulgaria và bạn bè được tổ chức ở công viên Thống nhất Hà Nội từ ngày 03 – 08/03/2017, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều. Để rõ hơn một số vấn đề, chúng tôi đã tìm đến PGS. TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực hoa cây cảnh, đồng thời cũng là một người đã tham dự nhiều sự kiện tương tự trong và ngoài nước, để trao đổi một số nội dung liên quan.
PGS.TS Đặng Văn Đông (người đứng ngoài cùng bên trái) cùng ngài Daniel Dobrev, Tham tán thương mại Đại sứ quán Bulgaria thăm vườn hồng của Viện Nghiên cứu Rau quả trước ngày khai mạc Lễ hội hoa hồng
PV: Thưa ông, là một chuyên gia về hoa, cây cảnh, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những lễ hội như thế này?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Tôi cho rằng việc tổ chức những lễ hội như thế này là ý tưởng rất hay, với Lễ hội lần này là dịp giới thiệu về văn hóa lễ hội hoa hồng lâu đời đến từ đất nước Bulgaria, giới thiệu về các chế phẩm hoa hồng và ẩm thực của Bulgaria, giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Bulgaria, giao lưu gặp gỡ những sinh viên, thực tập sinh, cán bộ nhân viên đã từng làm việc và sinh sống tại Bulgaria và cũng là dịp để chúng ta Quảng bá du lịch đất nước Bulgaria đến bạn bè thế giới…
Ngoài ra việc tổ chức Lễ hội thành công sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành sản xuất hoa hồng ở Việt Nam theo hướng tiếp cận công nghệ sản xuất hoa hồng, đặc biệt là công nghệ thu hái, bảo quản, chiết xuất tinh dầu hoa hồng, từ đó góp phần thúc đẩy ngành sản xuất hoa ở Việt Nam phát triển hơn nữa.
PV: Như ông nói ý nghĩa của lễ hội rất hay, nhưng thực tế những gì diễn ra, không đúng như quảng cáo của ban tổ chức, ông đánh giá sao về vấn đề này?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Trước khi khai mạc Lễ hội diễn ra khoảng gần một tháng, ban tổ chức cũng có gặp tôi nói về ý tưởng, tôi hoàn toàn ủng hộ và nói chúng tôi sẵn sàng tham gia (thực tế chúng tôi cũng đang tham gia- kết hợp với một số đơn vị là đối tác của chúng tôi, mang các sản phẩm hoa hồng thật đến trưng bày ở lễ hội). Tuy nhiên khi đó tôi cũng lưu ý với ban tổ chức rằng, cần phải làm cho Lễ hội thật đẹp, cố gắng làm hoa hồng thật, cố gắng có một lượng nhất định hoa hồng Bulgaria “xịn”, để du khách đến tham quan chiêm ngưỡng, nhưng chắc vì những khó khăn nào đó, nên đến khi khai mạc, ban tổ chức chưa làm được như mong muốn, như quảng cáo, đó là điều đáng tiếc.
PV: Trong lễ hội có rất nhiều hoa hồng giả, một số người giải thích là do trồng ở ngoài trời, không thể làm được bằng hoa hồng thật, là một chuyên gia ông cho rằng có thể làm được hết bằng hoa hồng thật (trong đó có một phần hoa hồng Bulgaria) được không?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Đúng là Lễ hội tổ chức ở ngoài trời, điều kiện thời tiết nóng, ẩm, nếu làm hết bằng hoa thật rất khó và rất tốn kém, nhưng nếu được chuẩn bị tốt và có quyết tâm, có đầu tư, thì hoàn toàn có thể làm đẹp hơn, làm bằng hoa hồng thật 100% (Trong đó có một số hoa hồng từ Bulgaria) là điều có thể. Tôi cũng đã đề xuất các giải pháp để thực hiện điều này, nhưng chắc do không có kinh phí và do thời gian chuẩn bị ngắn nên ban tổ chức đã không thực hiện.
PV: Năm 2016, Lễ hội hoa Fuji Matsuri (hay còn gọi là Lễ hội hoa tử đằng), BTC cũng tung hình ảnh hoa tử đằng thật để quảng cáo cho lễ hội nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng thực tế chỉ treo toàn hoa giả khiến nhiều người không khỏi thất vọng ra về trong sự hụt hẫng. Phải chăng công tác quản lý các lễ hội như thế này còn bất cập?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Đây là sự kiện kết hợp văn hóa và nghệ thuật, mặc dù còn rất nhiều khiếm khuyến, nhưng qua những gì đang diễn ra ở Lễ hội chúng ta cần trân trọng ý tưởng tốt đẹp của họ, đồng thời cũng phải có những suy ngẫm:
Trước hết, chúng ta thấy người dân thủ đô nói chung và cả nước nói riêng rất yêu thích hoa, yêu thích cái đẹp, rất háo hức đón chờ những lễ hội kiểu thế này, trong khi chúng ta lại chưa tổ chức được những lễ hội trình diễn hoa, có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân: gần đây cũng có một số lễ hội hoa bị phê phán …nhưng những lễ hội sau diễn ra vẫn chưa khắc phục được những tồn tại này. Nguyên nhân ở đây có lẽ là do các doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức, họ chưa chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm và phải lo bán vé để lấy thu, bù chi, nên tính nghệ thuật và tính xã hội chưa được chú trọng.
Nếu Hà Nội cũng như một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp)… đứng ra tổ chức những lễ hội hoa (các doanh nghiệp chỉ là tham gia phối hợp), để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân, thì tôi nghĩ, nhưng sai sót, tồn tại của Lễ hội hoa hồng cũng như một vài lễ hội hoa khác, sẽ được khắc phục.
PV: Cũng trong năm 2016, Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội đã tổ chức Festival Sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ I với quy mô lớn bằng hình thức xã hội hóa toàn phần đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân Thủ đô và du khách thập phương? Vậy đây có phải là vấn đề đơn vị tổ chức kém chuyên nghiệp hay câu chuyện lợi ích cục bộ?
PGS.TS Đặng Văn Đông: Tôi phải thừa nhận một điều rằng những lễ hội, hội thi, triển lãm Sinh vật cảnh bao gồm: Hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa, chim cảnh…được Hội Sinh vật cảnh các địa phương tổ chức rất bài bản và có sức hấp dẫn lớn. Bởi đây là hoạt động chuyên môn của Hội. Hội có
trong tay những nguồn lực để tổ chức tốt các sự kiện nêu trên, có lực lượng đông đảo các nghệ nhân, chủ nhà vườn, những nhà sưu tầm, sản xuất, kinh doanh đã có sẵn tác phẩm trưng bày dự thi. Các hoạt động lễ hội Sinh vật cảnh được Hội tổ chức quanh năm với các quy mô khác nhau gắn với các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương và những ngày lễ lớn của Đất nước. Hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng này đang được đánh giá là nét đẹp văn hóa, những “mỹ tục mới” phù hợp với nhịp sống văn minh, hiện tại. Và đây cũng chính là kênh xúc tiến thương mại rất hiệu quả nhằm kích thích tiêu dùng, tăng cường liên kết từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ hàng hóa.
Nhưng tôi cũng không hiểu tại sao, có lúc có nơi người ta vẫn ngại xã hội hóa, ngại chia sẻ dịch vụ công cho những tổ chức hoạt động của hiệu quả hơn. Có thể một phần do bản thân những tổ chức này chưa làm tốt công tác tuyên truyền và những việc làm cụ thể thực sự nổi bật để khẳng định vị trí vai trò và những năng lực của mình với các cơ quan chức năng?
PV: Gần đây một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề xuất Nhà nước hàng năm cần tổ chức các lễ hội hoa bản địa như hoa đào, hoa mai, hoa sen, hoa lan…nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá những thương hiệu hoa và cũng đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, nhất là giới trẻ. Ông thấy đề nghị trên như thế nào?
PGS. TS Đặng Văn Đông: Việt Nam chúng ta có rất nhiều hoa đẹp, quý, có giá trị cao ví dụ hoa đào, hoa mai, hoa sen, hoa lan…nếu so sánh với các loại hoa quý của thế giới thì chúng ta không hề thua kém, hơn nữa những năm gần đây, nhu cầu thăm quan thưởng ngoạn những loại hoa mới, đẹp, của nước ngoài cũng rất lớn, do vậy chúng ta rất cần và rất nên tổ chức những lễ hội như vậy. Tuy nhiên các cấp chính quyền phải vào cuộc ở mức độ cao hơn nữa, hoặc đứng ra tổ chức hoặc phải ủy quyền cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp có đủ năng lực và có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh để những tính trạng không hay xẩy ra, làm mất đi những ý tưởng tốt đẹp ban đầu của lễ hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo: vanhien.vn
Tin tức khác