TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Suy nghĩ gì về con số chi gần 4.000 tỷ đồng nhập khẩu hoa cây cảnh, trái cây phục vụ Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018

05/03/2018
18

Những người trồng mai, đào, quất cảnh và một số cây hoa, cây cảnh khác phục vụ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua cho đến tận bây giờ vẫn chưa hết nỗi sợ hãi về tình trạng ế ẩm và sự "lấn lướt" của các loại hoa cây cảnh có nguồn gốc ngoại vừa qua. 

Bạt ngàn hoa ngoại trên thị trường hoa Tết Mậu Tuất 2018, những người kinh doanh họ không có lỗi, họ chỉ biết bán những thứ thị trường cần và kỳ vọng có lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của mình

Đâu đâu người ta cũng thấy hoa lan, táo mèo cảnh của Trung Quốc bày la liệt và bán với giá rất "sốc". Nhiều người đã không lường hết được xu hướng đảo chiều của thị hiếu chuyển từ đào, quất, mai sang tiêu dùng các loại hoa lan, cây bonsai quả nhập ngoại của người tiêu dùng dẫn tới đến những 28,29 và 30 tháng Chạp phải bán tháo với giá rất rẻ.

Lý giải về hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng: Ngành hoa cây cảnh của chúng ta trong thời gian vừa qua đã đạt được những bước tiến dài. Tuy nhiên về trình độ ứng dụng khoa học công nghệ trong lai tạo giống để tạo ra nhiều dòng sản phẩm với mẫu mã, màu sắc đẹp, độ bền cao, giá thành cạnh tranh thì chúng ta còn phải rất lâu với theo kịp các nước trong khu vực và thế giới. Vì dụ hoa dâm bụt ở Việt Nam chỉ có 4 - 5 loại phổ biến thì cũng giống hoa đó, Đài Loan đã tạo ra được hơn 300 màu với kết cấu hoa khác nhau. Còn ở Thái Lan các nhà vườn sản xuất hoa thời vụ, hoa trang trí cứ 4 tháng đã cho ra đời những giống mới ưu việt hơn. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, một số nước đã đạt đến trình độ không chỉ "làm chủ" được các yếu tố về sinh thái giảm thiểu các tác động của môi trường, khí hậu mà còn chủ động cho ra những dòng sản phẩm theo nhu cầu. Người ta có thể làm cho những loại lan Hồ Điệp ra hai cần hoa song song với số lượng bông và màu sắc theo ý muốn.

Táo cảnh bonsai có nguồn gốc Trung Quốc bán rất chạy ở Việt Nam trong dịp Tết

Trong khi những chậu Thanh Long làm cảnh được ưu chuộng mọi năm thì năm nay ế ẩm phải chặt lấy quả như thế này

Trong khi việc sản xuất các loại hoa cây cảnh truyền thống phục vụ Tết của chúng ta vẫn chủ yếu theo phương thức canh tác truyền thống. Chất lượng hoa phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết và sự ổn định của khí hậu. Do áp lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm mà nhiều công đoạn trồng, chăm sóc đã bị giản tiện và lạm dụng sử dụng các chất hóa học gây ra nhiều tác dụng phụ cho cây trồng biến đổi gene, khả năng kháng bệnh kém, đất bị chai...Người tiêu dùng không khỏi băn khoăn khi những loại rau quả phục vụ cho chính nhu cầu ăn uống của con người hàng ngày còn bị những người sản xuất lạm dụng sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, thuốc diệt 

cỏ...thì những loại cây hoa cây cảnh sẽ không tránh khỏi những quan ngại nhất định. Trong khi mẫu mã các sản phẩm của chúng ta chưa thật phong phú, chất lượng chưa thật cao và đồng đều, giá thành khó cạnh tranh được với hàng ngoại là một thực tế không khó để nhận biết. 

Hàng trăm gốc đào còn nguyên trong chậu chứa đựng bao công sức, mô hôi nước mắt và cả tâm huyết của những người nông dân tần tảo mà họ phải tự bỏ ra bãi rác đổ đi là một nỗi đau xót rất cần nhiều người phải suy ngẫm nghiêm túc; Ảnh: Internet

Và kết quả là, chúng ta có thể từng bước bị "lấn lướt" bởi hàng ngoại ngay chính trên sân nhà, ngày chính lĩnh vực mình có thế mạnh.  Dù cho nhu cầu tiêu thụ hoa cây cảnh trên thị trường ngày một tăng lên rõ dệt. Theo thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2018 - một tháng trước Tết Nguyên đán 2018, Việt Nam đã chi hơn 167 triệu USD (tương đương với hơn 3.790 tỉ đồng) để nhập khẩu hoa quả các loại, số lượng tăng hơn hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay cả thị trường cây cảnh nghệ thuật truyền thống có bề dày phát triển hơn 800 năm của Việt Nam cũng bị cây cảnh, bonsai ngoại cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà dù rằng đa phần những người chơi cây cảnh nghệ thuật là những người nặng lòng với văn hóa dân tộc và thú chơi tao nhã có đặc trưng riêng của ông cha đã trao truyền bao thế hệ.

Thống kê nêu trên của cơ quan chức năng  và phản ánh của một số cơ quan báo chí cũng cho thấy, càng gần đến cao điểm mua sắm Tết Mậu Tuất, lượng hoa quả nhập khẩu càng tăng, trong đó nhập từ 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan với 73 triệu USD (khoảng 1.657 tỉ đồng), Trung Quốc 38 triệu USD (khoảng 862 tỉ đồng) và Mỹ là hơn 18 triệu USD (408 tỉ đồng). Ngoài ra, Việt Nam còn chi lượng tiền không nhỏ để nhập khẩu hoa quả từ các nước như: Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong đó chủ yếu là táo, lê, xoài, mận, mãng cầu, chôm chôm... Cùng với mặt hàng hoa quả, cây cảnh cũng được nhập khẩu mạnh trước Tết. Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết về cơ cấu nhập khẩu các loại hoa, Việt Nam nhập chủ yếu các loại hoa, cây cảnh dạng cây sống, dạng thân cây sống với kim ngạch 7,9 triệu USD, chiếm 43,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu với những loại hoa như cây hoa lan, cây hoa đỗ quyên, cây vạn niên thanh, cây tùng cảnh...Trong đó, giá trị nhập hoa từ Trung Quốc đạt 3,3 triệu USD, chỉ tính riêng các loại hoa lan đã đạt trên 2 triệu USD, còn lại là các loại cây hoa khác như đỗ quyên, vạn niên thanh... Ngoài ra, hoa và cây cảnh nhập khẩu còn có xuất xứ từ Đài Loan với giá trị đạt 2,7 triệu USD; Nhật Bản trên 1 triệu USD. Về các loại hoa, cây cảnh dạng củ đạt kim ngạch 7,6 triệu USD, chiếm 42,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hoa, cây cảnh trước dịp tết năm 2018. Các loại hoa dạng củ được nhập khẩu chủ yếu là củ hoa lily xuất xứ từ Hà Lan đạt kim ngạch 4,4 triệu USD, xuất xứ từ Newzealand với kim ngạch 1,1 triệu USD; xuất xứ Pháp là hơn 1 triệu USD... Các thị trường cung cấp hoa, cây cảnh sang Việt Nam có kim ngạch tăng mạnh như thị trường Hà Lan với hơn 5 triệu USD, tăng 76%; Thị trường Trung Quốc đạt 3,6 triệu USD, tăng 80,8% so với dịp tết năm trước. Các thị trường còn lại có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào và Campuchia không có kim ngạch xuất khẩu hoa, cây cảnh sang Việt Nam cũng đạt khối lượng lớn.

Những gian hàng cúc chiều 30 Tết vẫn còn nguyên; Ảnh: Internet

Còn theo PGS.TS Đặng Văn Đông và nhiều chuyên gia đã phát biểu tại Tọa đàm "Bảo tồn và phát triển những giá trị cổ truyền Sinh Vật Cảnh làng nghề Triều Khúc trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh" thì: "Con số gần 4.000 tỷ đồng chi nhập khẩu hoa, quả, cây cảnh, trái cây trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua là con số nhập qua đường chính ngạch. Còn con số qua đường tiểu ngạch, nhập lậu thì đến nay chưa có số liệu chính xác. Trong khi xuất khẩu của chúng ta còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ ngay. Trước Tết một doanh nghiệp ở Việt Nam đã xuất khẩu được những lô hàng đầu tiên sang Singapor nhưng quá trình xuất khẩu rất vất vả do chính sách kiểm dịch thực vật và thủ tục hải quan của chúng ta. Đây là điều đáng buồn cho ngành hoa của chúng ta, đáng để các tổ chức Hội chuyên ngành hoa cây cảnh và các cơ quan quản lý Nhà nước phải suy ngẫm. Chúng ta có đầy đủ các điều kiện nhưng lại chưa thể đáp ứng đủ theo nhu cầu và thị hiếu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Nhu cầu hoa cây cảnh trong nhân dân rất lớn. Tiềm năng, lợi thế của hoa cây cảnh Việt Nam không hề nhỏ. Khả năng làm chủ khoa học công nghệ của chúng ta đã có những bước tiến rất đáng trân trọng. Doanh nghiệp của chúng ta bước đầu quan tâm đến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Người nông dân của chúng ta có tay nghề khéo lèo, thông minh sáng tạo chịu khó, minh chứng rõ nhất là những phát minh sáng chế ra máy móc, thuốc trừ sâu, lai tạo giống mới...Nhà nước đã có chính sách tài cấu trúc ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triền bền vững...Đó là những tiền đề rất thuận lợi cho hoa cây cảnh nói riêng, nhóm hàng rau hoa quả có những bước tiến vượt trội. Xuất khẩu rau hoa quả, trong đó đã bao hàm cây cảnh, hai năm trở lại đây đã vượt qua cả giá trị xuất khẩu dầu mỏ với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,5 tỷ đô la USD..."

PGS.TS Đặng Văn Đông tham luận tại Tọa đàm tại làng Triều Khúc

Thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu hàng năm chỉ có 15 tỷ USD, trong khi thị trường hoa cây cảnh toàn cầu có giá trị trên 105 tỷ USD. Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước nên có tính toán cụ thể về việc duy trì một diện tích trồng lúa và cây lương thực khác ở một tỷ lệ hợp lý đủ để duy trì đảm bảo an ninh lương thực và dự trữ trong giới hạn cho phép. Còn lại phải quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác cho năng xuất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững hơn. Trong đó, hoa cây cảnh, cá cảnh là những lợi thế chúng ta có thể ưu tiên phát triển. Có lẽ nào chúng ta lại quan tâm đến an ninh lương thực cho cả thế giới, duy trì là cường quốc sản xuất lương thực trong khi đời sống của nông dân chúng ta còn nhiều bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, phụ thuộc vào thời tiết khí hậu "được mùa thì mất giá", "thiên tai dịch bệnh"...?

Cuộc Tọa đàm của một thôn nhưng với tầm nhìn xa và giải pháp rất thiết thực cụ thể đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới

Cần phải khẳng định nhu cầu hoa cây cảnh sẽ ngày càng tăng lên mạnh mẽ khi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Sự phát triển của ngành SVC trong thời gian vừa qua đã đạt được những bước tiến đang trân trọng. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của chúng ta. Để phát triển SVC thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao như kỳ vọng chúng ta còn thiếu khá nhiều điều kiện từ quy hoạch sử dụng đất, phân bổ nguồn lực, chính sách khuyến khích đầu tư, tư duy quản lý...Trong khi các nước tiên tiến đã đạt đến trình độ cao trong phát triển hoa, cây cảnh, cá cảnh, đá cảnh...

Với điều kiện khoa học công nghệ và thông tin phát triển như hiện nay, việc cải thiện năng lực cạnh tranh hàng hóa và lộ trình rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển trong lĩnh vực này cũng đặt ra không ít thách thức cho chúng ta. Nếu ngay từ hôm nay, chúng ta chưa quan tâm đúng mức về: Giống; Công nghệ sinh học; Công nghệ canh tác, sản xuất, chế tác SVC; Công nghệ sau thu hoạch; Thị trường và các biện pháp xúc tiến thương mại; Nghiên cứu xu hướng phát triển và định hướng sản xuất; Tăng cường giao lưu và hợp tác trong và ngoài nước; Một số giải pháp khuyến khích hỗ phát triển ngành SVC của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng; vốn tín dụng, thuế ưu đãi; Các văn bản pháp luật và tiêu chuẩn sản phẩm; Tạo điều kiện thuận lợi về hải quan, xuất nhập cảnh hàng hóa phục vụ ngành SVC và các sản phẩm SVC; Chính sách thu hút công nghệ, đầu tư, nguồn nhân lực...Đặc biệt, Nhà nước sớm đưa hoa cây cảnh, cá cảnh thành mặt hàng chủ lực Quốc gia. Từ đó có cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực xã hội quan tâm đầu tư thích đáng cho ngành SVC.

Nguồn: vanhien.vn

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng