TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Thành công từ Lễ hội Hoa Xuân Quan lần thứ nhất – Khó không có nghĩa là không làm được

22/12/2017
21

Lễ Hội Hoa Xuân Quan lần thứ nhất được diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 16/12 đến hết ngày 20/12/2017) tại khu Dịch vụ Đầm Lau - xã Xuân Quan - huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên. Cộng tác viên của Tạp chí Việt Nam Hương sắc đã có buổi trò chuyện với ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan xung quanh sự kiện này.

PV: Xin chào ông!

CT: Chào chị!

PV: Thưa ông, hôm nay đã là ngày thứ 4 diễn ra Lễ Hội Hoa Xuân Quan, theo đánh giá của ông thì Lễ Hội có thể nói là đã thành công như mong đợi của Ban Tổ chức (BTC) không ạ?

CT: Có thể nói cho đến thời điểm này thì Lễ Hội Hoa Xuân Quan lần thứ nhất đã diễn ra thành công ngoài mong đợi của BTC. Sự tham gia đầy đủ của các hộ gia đình trồng hoa trong xã, cũng như các Công ty, Doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hoa, cây cảnh đóng trên địa bàn xã và đặc biệt là sự góp mặt của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh tại sự kiện này đã góp phần không nhỏ vào thành công của Lễ Hội. Như chị đã thấy có rất nhiều gian hàng đẹp, phong phú về chủng loại, lượng du khách đến tham quan Lễ hội cũng rất đông, tất cả đều nằm ngoài sự mong đợi của BTC.

PV: Đúng như ông nói, quả thật tuy đây là lần đầu tiên xã Xuân Quan tổ chức Lễ Hội Hoa nhưng có thể nói với những gì đã có trước đó, đặc biệt là thương hiệu “làng hoa, cây cảnh xã Xuân Quan” được gây dựng trong những năm gần đây thì sự kiện này đã thu hút không chỉ đối với du khách mà còn cả với giới truyền thông. Vậy ông có thể cho biết việc huy động người dân tham gia vào Lễ Hội Hoa lần này, lại là lần đầu tiên có gặp nhiều khó khăn không ạ?

CT: Có chứ chị. Cái gì lần đầu cũng vậy mà (cười). Trước khi diễn ra Lễ hội BTC chúng tôi đã có những buổi họp dân để quán triệt chủ trương, tinh thần của Lễ hội đến với các hộ dân. Cũng có những hộ dân ủng hộ ngay, nhưng bên cạnh đó cũng không ít những hộ dân còn do dự, băn khoăn, có lẽ vì tại thời điểm đó, họ cũng chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia Lễ Hội. Về sau khi chúng tôi thiết kế xong Khu Trung tâm Lễ hội, người dân thấy đẹp quá, cộng với việc thấy các hộ dân khác mang hoa ra Lễ hội trưng bày nên họ cứ nhìn nhau rồi tự động mang sản phẩm nhà mình ra thôi. Đến giờ thì tất cả những hộ dân tham gia còn không muốn mang hoa về nhà nữa cơ.

PV: Ông nói vậy nghĩa là sao ạ?

CT: (Cười) Bởi giờ thì họ đã thấy được lợi ích của việc tham gia Lễ hội rồi. Trong hai ngày đầu diễn ra Lễ hội, du khách chủ yếu đến tham quan, chụp ảnh, hầu như chưa có giao dịch nào về hoa được diễn ra. Tuy nhiên, trong hai ngày tiếp theo, cùng với lượng du khách đổ về ngày càng đông thì các giao dịch về hoa đã diễn ra sôi nổi. Chính điều này đã làm cho các hộ dân thấy rằng Lễ hội không chỉ là “nơi trưng bày hoa” mà thực sự là nơi giúp quảng bá hình ảnh, sản phẩm của làng nghề đến với mọi miền trên đất nước, từ đó giúp cho việc tiêu thụ hoa được dễ dàng hơn. Mong muốn của người dân hiện tại là được kéo dài Lễ hội cho đến hết tết Nguyên đán năm nay.

PV: Nếu vậy thì công tác tổ chức duy trì các gian hàng sau khi Lễ hội kết thúc sẽ ra sao ạ?

CT: BTC chúng tôi sẽ họp bàn quyết định vấn đề này trong chiều nay. Nếu tiếp tục duy trì Lễ hội thì chắc chắn là về phía BTC sẽ ủng hộ, giúp đỡ người dân hết sức có thể như tạo điều kiện về mặt bằng, công tác an ninh…còn lại các hộ dân sẽ chủ động, tự túc. Nhưng theo cá nhân tôi nghĩ thì đối với những hộ dân đã kinh doanh hoa nhiều năm của xã thì vấn đề này không phải là lớn.

PV: Thưa ông, như ông nói ở trên Lễ hội lần này có sự tham gia của cơ quan khoa học là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm tham gia sự kiện lớn của xã và hình như giữa Trung tâm và xã có mối quan hệ “thâm tình” từ lâu, có đúng như vậy không ạ?

CT: Đúng là như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên mà một cơ quan khoa học như Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau Quả) tham gia vào sự kiện lớn của xã Xuân Quan. Trước đó, vào năm 2015, xã Xuân Quan cũng đã phối hợp với Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh và Học Viện NNVN tổ chức buổi hội thảo “Thực trạng và định hướng phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung chuyên canh tại xã Xuân Quan đến năm 2020”. Có thể nói, trong suốt những năm qua, Trung tâm đã luôn đồng hành cùng với người dân Xuân Quan từ việc tổ chức những buổi đào tạo, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa ở những ngày đầu người dân mới chập chững bước vào nghề trồng hoa cho đến việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Trung tâm, đặc biệt là PGS.TS. Đặng Văn Đông – Giám đốc Trung tâm cũng đã có những buổi hội thảo để tư vấn và định hướng phát triển cho làng nghề Hoa Xuân Quan. Trong Lễ Hội lần này cũng vậy, Ban Lãnh đạo Trung tâm đã rất nhiệt tình giúp đỡ BTC từ việc lên ý đồ tổ chức, xây dựng kế hoạch Lễ hội. Các anh đã không quản thời gian họp với BTC chúng tôi và người dân từ 8h tối đến 11h giờ đêm để lên phương án thực hiện vì chị cũng biết đặc thù của vùng sản xuất là người dân thường lao động đến 7-8h tối mới nghỉ làm và đi họp được. Vậy mà cũng không thấy các anh LĐ Trung tâm than phiền hay đòi hỏi bất cứ điều gì từ BTC. Chính điều này càng làm cho chúng tôi thêm trân quý hơn nữa tình cảm cũng như mối “thâm tình” giữa Trung tâm và làng nghề Hoa Xuân Quan đã có bấy lâu nay.

PV: Như ông nói thì quả thực đây đúng là điều thật đáng trân trọng, sự liên kết giữa nhà khoa học và nhà nông, giữa cơ quan khoa học và cơ quan quản lý không phải chỉ trên giấy tờ hay là nói suông nữa mà nó đã đạt đến sự gắn bó, khó có thể “xa rời”. Vậy trong tương lai khi làng nghề phát triển, có thể tự đứng vững giống như “một người trưởng thành” thì làng nghề “còn cần đến sự hỗ trợ” của Trung tâm nữa không ạ?

CT: Có chứ, sẽ không bao giờ là đủ cả. Khi xã hội ngày càng phát triển thì các tiến bộ khoa học sẽ ngày càng được nâng cao. Do vậy, sự chuyển giao tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp sẽ càng cần thiết hơn lúc nào hết. Chúng tôi rất mong muốn các cán bộ khoa học của Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân Xuân Quan chúng tôi để đưa những tri thức, tiến bộ khoa học mới nhất, hay nhất vào sản xuất nhằm xây dựng làng nghề Hoa Xuân Quan “sớm trở thành Trung tâm sản xuất hoa, cây cảnh, cây công trình của huyện Văn Giang, của tỉnh Hưng Yên và của cả miền Bắc”.

PV: Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúc cho làng nghề Hoa Xuân Quan sẽ ngày một đi lên, khẳng định được “thương hiệu riêng” trên thị trường. Đồng thời cũng chúc cho mối liên kết giữa xã Xuân Quan và Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh sẽ ngày càng gắn bó và phát triển trong tương lai. Một lần nữa xin cảm ơn ông!

CT: Tôi cũng xin cảm ơn chị đã tạo điều kiện cho cá nhân tôi được thay mặt người dân Xuân Quan nói lên những suy nghĩ của mình. Trên đời này có những điều rất khó làm nhưng “khó không có nghĩa là không thực hiện được mà quan trọng là cách thức thực hiện nó như thế nào thôi”. Tôi rất hy vọng sẽ được gặp lại chị vào mùa Lễ hội Hoa Xuân Quan năm sau.

Một số hình ảnh CTV ghi nhận tại Lễ hội Hoa Xuân Quan lần thứ nhất

Ngọc Duệ

(Cộng tác viên TC Việt Nam Hương sắc)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng