TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

16/03/2020
70

Chiều 12-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố với chủ đề “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có hạ nhiệt nhưng còn phức tạp; các yếu tố rủi ro địa chính trị; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Đại dịch Covid-19 đang đe dọa kinh tế thế giới, tác động đến mọi quốc gia. Không những thế, ngành nông nghiệp đang phải chịu nhiều thách thức ngoài Covid-19.

Một là thay đổi khí hậu cực đoan. Chưa năm nào mà mùng Một Tết lại có mưa đá diện rộng, 12 nghìn ngôi nhà hỏng mái, thiệt hại. Chưa bao giờ sau giao thừa lại có mưa tại Hà Nội hơn 120 mm.

Hai là, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Ba là, dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn.

Khẳng định vai trò ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm cho con người. Vào viện cũng phải ăn, nghỉ ở nhà cũng phải ăn. Cho nên ngành nông nghiệp không hề được nghỉ. Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa”.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.

Để làm được điều đó, Bộ NN-PTNT đề ra các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất đối với lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại địa phương.

Ngoài ra, cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng