Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh lớn, hình thành được một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, đang từng bước tham gia xuất khẩu sản phẩm… Tuy nhiên, để nâng cao giá trị gia tăng, trở thành ngành kinh tế sinh thái, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… ngành trồng hoa, cây cảnh cần có cơ chế và kế hoạch phát triển bài bản, phù hợp đối với mỗi địa phương.
Thực trạng phát triển trồng hoa, cây cảnh
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện cả nước có khoảng 45 nghìn ha tập trung chuyên canh trồng hoa cây cảnh, phân bố đều ở cả hai miền. (Số liệu này chưa bao gồm diện tích hoa cây cảnh trồng phân tán tại các hộ gia đình). So với năm 2000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2019 đã tăng 6,6 lần, giá trị sản lượng tăng 17,2 lần. Tại một số tỉnh như: Hà Nội, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp... mức tăng giá trị trên một đơn vị ha trồng hoa, cây cảnh cao gấp 2-3 lần so với các cây nông nghiệp khác. Nhiều mô hình đạt từ 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ ha/năm. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh đã có những đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành rau, hoa quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm việc làm, cải thiện môi trường sống, tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Nhu cầu về hoa cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng mạnh. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, nhu cầu hoa cây cảnh bình quân tăng khoảng 15%/năm, đây được xem là tiền đề cho việc phát triển trồng hoa, cây cảnh thành hàng hóa lớn.
Các chuyên gia cho biết, kinh doanh trồng hoa, cây cảnh hiện đã trở thành ngành có tiềm năng lớn và phát triển tại nhiều địa phương. Cụ thể: Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), thủ phủ trồng hoa của cả nước, theo thống kê trong 15 năm qua, diện tích trồng hoa tăng liên tục với nhiều chủng loại hoa mới và được tổ chức sản xuất với nhiều hình thức đã trở thành một trong những ngành hàng có giá trị cao với khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng lớn. Diện tích sản xuất hoa tại Lâm Đồng hiện đạt hơn 9.375 ha, sản lượng hơn 3,6 tỷ cành, tỷ lệ xuất khẩu khoảng 10%. Toàn tỉnh có 2.927 ha canh tác hoa công nghệ cao; 51 cơ sở nuôi cấy mô sản xuất hơn 72,3 triệu cây giống in vitro (phương pháp nuôi cấy vi sinh) ứng dụng các kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân giống, phục vụ sản xuất hoa thương phẩm, trong đó xuất khẩu hơn 46%; 29 cơ sở ươm giống hoa, hàng năm cung ứng hơn 1 tỷ cây giống phục vụ sản xuất. Trong đó, thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, chiếm trên 66% diện tích và 71% sản lượng.
Ảnh minh họa
Lâm Đồng hiện đang cơ cấu lại ngành sản xuất, kinh doanh hoa trên địa bàn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đạt chất lượng theo chuỗi giá trị; nghiên cứu nhân giống và sản xuất các loại giống bảo đảm tiêu chuẩn, có bản quyền và công nghệ để cung cấp cho thị trường; chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển ngành hoa địa phương. Lâm Đồng đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm nuôi cấy mô, sản xuất giống hoa lớn nhất cả nước, vừa phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, đưa giá trị xuất khẩu ngành hoa từ 60 triệu USD hiện nay lên 100 triệu USD vào năm 2030.
Cùng với Lâm Đồng, Hà Nội hiện là địa phương được đánh giá có mức tăng trưởng trong ngành trồng hoa, cây cảnh lớn nhất trong cả nước. Theo thống kê đến hết năm 2020, Hà Nội có 7.960ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Cụ thể, tại huyện Thường Tín có các làng nghề sinh vật cảnh ở thôn Cơ Giáo và thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân); thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo); tại huyện Mê Linh có làng nghề hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi và thôn Liễu Trì (xã Mê Linh), thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh); tại huyện Gia Lâm có làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng); tại quận Bắc Từ Liêm có làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu)… hiện Hà Nội xác định một số sản phẩm: Hoa lan, hoa hồng, hoa lily, hoa đào là sản phẩm chủ lực được khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển. Đây cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận 8 sản phẩm hoa lan là sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình nông thôn kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch Sinh vật cảnh xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; xây dựng Tuyến phố văn minh thương mại Sinh vật cảnh Vạn Phúc, Hà Đông; khuyến khích nhiều phong trào Sinh vật cảnh trong xây dựng Nông thôn mới như: Đường hoa nông thôn, con đường bích họa; phong trào thêm hoa bớt rác…
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều địa phương của nước ta có tiềm năng phát triển ngành trồng hoa, cây cảnh. Trong đó, vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung Bộ có nhiều quỹ đất để phát triển trồng hoa, cây cảnh. Với các lợi thế về khí hậu vùng núi cao mát quanh năm thích hợp với nhiều loài hoa giống hoa cao cấp, đặc biệt như ở Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Lai Châu có điều kiện hình thành các trang trại các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, với định hướng phát triển ngành trồng hoa, cây cảnh trở thành một trong những ngành trồng trọt mũi nhọn, những năm gần đây các viện nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực, thực phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Viện Di truyền Nông nghiệp... đã đầu tư nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống hoa, các dự án về giống. Nhiều địa phương cũng quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học trồng hoa như: Hoa hồng, hoa ly, hoa đồng tiền, hoa cúc; đầu tư trang bị nhà kính, nhà lưới, nuôi cấy tế bào...
Tại Viện Nghiên cứu rau quả, kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trồng hoa, cây cảnh từ 2005-2019 đã chuyển giao cho 45 tỉnh, thành phố bao gồm hơn 1000 tổ chức cá nhân. Trong đó, nhằm thúc đẩy phát triển ngành sản xuất hoa tăng nhanh tỷ trọng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2018-2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao thành công dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hoa lan hồ điệp và cây hoa đồng tiền quanh năm tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang. Sau 2 năm thực hiện, đại diện Công ty cho biết, nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế lên gấp 2-3 lần so với trồng hoa bằng kỹ thuật thông thường, gấp 5-6 lần so với trồng một số loại cây khác. Công ty đã xây dựng được nhiều mô hình trồng hoa giá trị cao, như: Mô hình hoa lan hồ điệp với quy mô công nghiệp, diện tích 6.000 m2 (khoảng 150 nghìn cây) trong nhà lưới hiện đại, thu lãi thuần từ 450-500 triệu đồng/1.000 m2 ; mô hình sản xuất hoa đồng tiền với quy mô 4.000 m2 (khoảng 6.000 cây) trong nhà lưới cấp 1 nở hoa theo thời điểm mong muốn, chất lượng hoa cao, đồng đều, lãi thuần đạt từ 200-250 triệu đồng/1.000 m2 . Sản phẩm hoa của dự án sản xuất đạt năng suất, chất lượng tốt, hoa đẹp, bền màu, được thị trường tiêu dùng ưu chuộng…
Tại một số địa phương khác như Mộc Châu (Sơn La), Lào Cai, Vĩnh Phúc… nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao cũng đã bước đầu thu được hiệu quả tích cực. Đây được xem là yếu tố quan trọng khẳng định hiệu quả trong sản xuất cũng như tiềm năng phát triển của ngành trồng hoa, cây cảnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động sản xuất trồng hoa, cây cảnh ở nước ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại kìm chế sự phát triển. Kinh doanh hoa cây cảnh hiện còn mang tính tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng hoa cây cảnh còn hạn chế; hoạt động liên kết giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Cùng với đó, thị trường hoa, cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp. Đặc biệt là một số hoạt động sản xuất kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua…
Bên cạnh đó, mặc dù từ Trung ương đến địa phương hiện đã có chính sách hỗ trợ phát triển hoa, cây cảnh song việc áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với đó, việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh để phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng; các chính sách về ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa, cây cảnh cũng chưa được triển khai thực hiện rộng rãi. Cụ thể, hiện việc khuyến khích các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh đang thực hiện theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ chưa tạo được đột phá do quy định về mức hỗ trợ còn thấp (50% giá trị giống, vật tư). Mặt khác, đầu tư cho các vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao cần vốn lớn. Trong khi đó, việc định giá tài sản là hoa, cây cảnh để lập phương án vay vốn ngân hàng còn khó khăn.
Ngoài ra, hiện chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy ngành trồng hoa công nghệ cao phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Còn thiếu công nghệ sản xuất hoa hướng tới sản xuất theo công nghệ cao với các dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Hơn nữa, hầu hết các giống hoa đang được trồng ở Việt Nam là nhập theo con đường không chính thức từ nước ngoài vì vậy không có bản quyền giống cây nên không thể xuất khẩu. Nhiều kinh nghiệm sản xuất hoa, cây cảnh quý chưa được tổng kết nhân rộng; việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn hạn chế…
Giải pháp phát triển trồng hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái
Theo dự báo, với những kết quả đã đạt được, cùng nhu cầu về hoa cây cảnh ngày càng tăng cao, trong tương lai không xa ngành trồng hoa, cây cảnh sẽ là một ngành sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng góp phần quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu trồng trọt phát triển làng nghề, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Viện nghiên cứu rau quả cho biết, trong giai đoạn từ 2021 - 2025 ngành hoa, cây cảnh Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tạo ra được từ 3-5 giống hoa cây cảnh mới mỗi năm, tự công bố lưu hành 15-20 giống và hoàn thiện 5-7 quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất. Đến năm 2025, ngành hoa, cây cảnh Việt Nam có thể mở rộng diện tích lên 50 nghìn ha. Giá trị sản lượng trung bình đạt 750 triệu đồng/ha/năm, giá trị xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD/năm…
Để đạt được mục tiêu trên và từng bước phát triển ngành trồng hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái, một số giải pháp được đề xuất, bao gồm:
- Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp rà soát những chính sách liên quan đến phát triển hoa, cây cảnh để bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách ở cơ sở nhằm sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách phát triển tạo bước đột phá thúc đẩy ngành trồng hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái.
Các sở, ngành tại địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch và bố trí nguồn lực để phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường nhằm phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển đô thị.
Cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn. Hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất; tăng cường công tác nghiên cứu gắn với sản xuất quy hoạch một số vùng sản xuất. Tăng cường liên kết “5 Nhà” (Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà đầu tư - Nhà sản xuất - Nhà truyền thông) để nâng cao giá trị giá tăng trong sản xuất hoa cây cảnh phục vụ nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu…
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hoa, cây cảnh; ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn, tạo giống, nhân giống các giống hoa quý hiếm; tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật và sản xuất, thương mại các chủng loại hoa cây cảnh theo quy mô công nghiệp; đưa nghề sản xuất hoa, cây cảnh trở thành một ngành nghề mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh.
- Các Hội, Hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để định giá hoa cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý và giám sát. Các Hội, Chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh; tham mưu bộ tài tiệu đào tạo nghề cho lao động và khuyến khích các nghệ nhân, nhà quản lý tốt để đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động.
Đặc biệt, để cạnh tranh với các mặt hàng hoa, cây cảnh nước ngoài, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại về hoa, cây cảnh. Hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa cây cảnh, gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp, tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu không chỉ hoa mà cả cây cảnh, cây thế, cây bon sai. Đồng thời, củng cố nâng cao sức mạnh và kết nối theo chuỗi sản xuất của hệ thống nông hộ với doanh nghiệp, hình thành hiệp hội hoa ở các vùng trọng điểm được quy hoạch nhằm hỗ trợ nhau trong khoa học, công nghệ, và phát triển thị trường./
Nguồn: Báo consosukien.vn