TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Tiềm năng và định hướng phát triển một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị cao góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

07/07/2017
226

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, cuộc sống của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Mặc dù vậy ngành sản xuất hoa, cây cảnh vẫn còn những hạn chế. Để thúc đẩy ngành sản xuất hoa, cây cảnh phát triển hơn nữa cần đánh giá đúng tiềm năng và đưa ra những định hướng giải, pháp phù hợp.

I. Tiềm năng phát triển sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam

Có thể nói Việt Nam chúng ta rất có tiềm năng trong việc phát triển sinh vật cảnh nói chung và phát triển hoa, cây cảnh nói riêng, thể hiện ở một số nội dung sau:

1. Có thị trường rộng lớn

Việt Nam là nước đông dân với dân số xấp xỉ 93 triệu người, điều đặc biệt người dân Việt Nam rất ưa chuộng hoa cây cảnh. Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh, trung bình một năm một người Việt Nam tiêu dùng xấp xỉ 30.000 đồng tiền mua hoa cây cảnh để chơi.

Hoa, cây cảnh ở Việt Nam được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau: đón chào năm mới, lễ, hội, khai trương, tiếp khách, sinh nhật, chúc mừng dịp vui và chia buồn khi người thân qua đời, hoa cây cảnh còn để trang trí nội ngoại thất, phong cảnh. Hoa cây cảnh được tiêu dùng theo quy luật, cuộc sống càng khá giả thì nhu cầu càng tăng cao.

2. Có nguồn tài nguyên khí hậu, địa hình đa dạng

Việt Nam là nước á nhiệt đới trải dài từ vĩ tuyến 8°27′ Bắc đến 23°23′ Bắcvới rất nhiều địa hình khác nhau tạo cho chúng ta có nhiều loại khí hậu và các vùng tiểu khí hậu khác nhau từ ôn đới, á nhiệt đới, đến nhiệt đới do vậy chúng ta có thể phát triển được rất nhiều các chủng loại hoa cây cảnh đa dạng về màu sắc, hình dáng, đáp ứng nhu cầu quanh năm của người dân.

3. Có nguồn lao động dồi dào cần cù sáng tạo

Do đặc thù của đại đa số người dân Việt Nam đều xuất phát từ sản xuất nông nghiệp với thói quen chịu đựng gian khổ vất vả nên khi chuyển từ cây lương thực, thực phẩm sang làm hoa, cây cảnh họ vẫn giữ được tính cách cần cù, chịu khó, chịu được sự gian khổ, vất vả vì vậy so sánh với độ cần cù của nông dân trồng hoa Việt Nam thì họ hơn hẳn các nước khác trong khi giá nhân công lại rẻ hơn, đó là những ưu thế về lao động sản xuất hoa ở Việt Nam.

4. Có công nghệ và Khoa học kỹ thuật trợ giúp

Trong những năm gần đây một số công nghệ và kỹ thuật sản xuất hoa của Việt Nam đã tiếp cận với thế giới từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người dân có điều kiện để phát triển sản xuất hoa theo hướng hiệu quả bền vững đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra ngày càng nhiều bộ giống hoa cây cảnh mới và các quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh đã được các cơ quan khoa học nghiên cứu, chuyển giao điều này cũng là lợi thế để chúng ta có thể phát triển sản xuất hoa cây cảnh mạnh mẽ hơn nữa.

5. Có sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước

Trong những năm qua nhà nước cũng có nhiều chính sách giúp phát triển hoa, cây cảnh như: đầu tư các đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn phát triển nguồn gen; chọn tạo giống hoa cây cảnh; xây dựng các mô hình sản xuất hoa cây cảnh chất lượng cao, các chương trình nhân giống hoa, cây cảnh quý hiếm; chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các địa phương; chương trình khuyến  nông về hoa cây cảnh...Nhờ các chương trình này mà các cơ quan khoa học đã chọn tạo được hàng trăm giống hoa, cây cảnh cũng như xây dựng được các quy trình kỹ thuật chuyển giao cho người dân đến nay hầu hết  người sản xuất hoa cây cảnh đều đã được tiếp cận giống mới và đã cơ bản nắm được những kỹ thuật phát triển sản xuất hoa, cây cảnh.

6. Có nguồn gen các giống hoa, cây cảnh rất đa dạng, phong phú

Vì Việt Nam có nguồn tài nguyên khí hậu đa dạng nên cũng có rất nhiều các loại thực vật quý hiếm nói chung và các loại hoa, cây cảnh đẹp, có giá trị nói riêng, rất nhiều các loại cây trồng có thể trở thành những loại hoa, cây cảnh. Đặc biệt chúng ta có nguồn gen phong lan, địa lan với số lượng hàng ngàn loài có thể phát triển cho sản xuất đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

Ngoài ra chúng ta còn có rất nhiều các tiềm năng và sự thuận lợi khác như nguồn nhân lực dồi dào, giao thông ngày càng thuận lợi, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng...có thể giúp cho sản xuất, phát triển gành hoa ở quy mô lớn và mức độ cao hơn.

II. Định hướng phát triển một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị cao trong thời gian tới

Từ những phân tích lợi thế ở trên trong thời gian tới chúng ta có thể lựa chọn một số chủng loại hoa, cây cảnh theo mục đích sử dụng ta có thể phân chia thành các nhóm sau:

1. Nhóm hoa cắt cành

Có rất nhiều loại hoa dùng cho cắt cành như: hoa cúc, hoa hồng, hoa lay ơn, hoa lily, hoa loa kèn, hoa đồng tiền, hoa thược dược, hoa cẩm chướng, hoa violet...

Đặc điểm của sản xuất hoa cắt cành thường phải có tính tập trung, tính chuyên nghiệp cao và phải chú ý đến cả khâu thu hoạch, xử lý, bảo quản, vận chuyển.

Hiện nay chúng ta đã và đang hình thành một số vùng hoa cắt cành rất nổi tiếng như Đà Lạt (hoa hồng, cúc, cẩm chướng, lay ơn, lily...); Tây Tựu (hoa cúc, lily); Mê Linh (hoa hồng); Tuy Hòa (Lay ơn); Đồng Thái (lay ơn); Mỹ Lộc (hoa cúc)...

Trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng và phát triển các vùng hoa này thành những vùng sản xuất lớn áp dụng công nghệ cao.

2. Nhóm hoa trồng chậu, hoa thảm

Hoa trồng chậu, hoa thảm được trồng trong các chậu, túi bầu, khay, không dùng 100% đất mà trồng bằng giá thể (có thể bao gồm cả đất) do vậy có thể trồng ở mọi điều kiện, địa hình khác nhau dùng đề chơi cảnh, trang trí trong và xung quanh nhà, ban công, sân vườn, công viên, đường phố nơi công cộng.

Những năm gần đây khi đô thị hóa mạnh thì nhu cầu tiêu dùng hoa chậu hoa thảm ngày càng tăng. Chính vì vậy chủng loại hoa này phát triển nhanh chóng.

Một số chủng loại hoa chậu hoa thảm đang được tiêu thụ với lượng lớn hiện nay là trạng nguyên, hồng môn, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, báo xuân, cẩm tú cầu, tuylip, lily lùn....

Các loại hoa chậu, hoa thảm có thể trồng trong nhà lưới hiện đại hoặc đơn giản, cũng có thể trồng ngoài tự nhiên, có thể tạo thành vùng tập trung hoặc cũng có thể trồng nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nên rất thuận lợi để phát triển.

3. Nhóm cây hoa, cây ăn quả làm cảnh

Có nhiều loại cây hoa, cây ăn quả làm cảnh nhưng nổi bật nhất là hoa đào, mai, quất cảnh, cam đường canh... Đây là những loại cây lưu niên truyền thống gắn liền với văn hóa và tâm linh nên không thể thiếu với người Việt Nam vào dịp đón mừng năm mới.

Trước kia các giống đào, mai còn đơn điệu nhưng hiện nay Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn được 3 giống đào mới, 1 giống hoa mai Yên Tử, cho phép trồng đào ở miền Nam, mai ở miền Bắc giúp cho người dân có nhiều sự lựa chọn phù hợp với sở thích và thú chơi của mình.

4. Nhóm hoa lan

Hoa lan có thể trồng ở quy mô lớn , áp dụng công nghệ cao như các loại hồ điệp, hoàng thảo công nghiệp, nhưng cũng có thể trồng ở quy mô gia đình hầu như mọi gia đình Việt Nam, mọi vùng miền từ thành thị đến nông thông, từ miền núi đến đồng bằng đều có thể nuôi trồng lan, sản xuất kinh doanh hoa lan và thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa lan.

Những năm gần đây Viện Nghiên cứu rau quả đã chọn tạo được nhiều giống hoa lan; xây dựng được quy trình và mô hình sản xuất hoa lan từ quy mô công nghiệp đến quy mô hộ gia đình cho hiệu quả cao, ai cũng có thể tham quan học tập và áp dụng chính vì vậy trong tương lai không xa nghề trồng hoa lan ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

5. Nhóm cây cảnh phụ trợ (Cây cành, lá trang trí)

Thời gian gần đây xu hướng chơi hoa lẵng khá nhiều và trở nên phổ biến, trong một lẵng hoa ngoài hoa chính chiếm 60% , còn khoảng 40% là các loại hoa cành lá phụ trợ làm tôn lên vẻ đẹp của một lẵng hoa. Các loại cành, lá thường dùng đó là vạn tuế, thiên tuế, thiết mộc lan, cau lá nhỏ, ngâu, nguyệt quế, cây lá màu...

Trồng các loại cây lấy cành lá rất đơn giản, dễ làm đôi khi cho hiệu quả rất cao, hơn cả trồng hoa chính. Đây cũng là cơ hội cho những người mới bước vào nghề trồng hoa khi mà chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm để trồng các loại hoa cây cảnh khó tính.

6. Nhóm bon sai, cây thế, cây cảnh

Cách đây 10 năm phong trào trồng và kinh doanh cây bon sai, cây thế phát triển một cách rầm rộ, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho rất nhiều người tham gia 

vào lĩnh vực này. Tuy nhiên do sự thổi, đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực của một số người kinh doanh cây cảnh nên phong trào đi xuống. Mặc dù vậy những người sản xuất chân chính, tự mình làm ra vẫn duy trì đững vững và phát triển. Gần đây phong trào đã hồi phục và những người sản xuất cây đã thay đổi cơ cấu, đi vào hướng đa dạng hóa và hạ thấp giá thành sản phẩm cho về với đúng giá trị thực, trong tương lai lĩnh vực này cũng có rất nhiều triển vọng phát triển.

III. Một số lưu ý trong phát triển, sản xuất hoa, cây cảnh

Mặc dù có sẵn tiềm năng và nhiều đối tượng để lựa chọn tuy nhiên muốn mang lại sự thành công người sản xuất và nhà đầu tư cần phải lưu ý những vấn đề sau:

1. Cần phải nắm bắt thông tin thị trường

Trước khi quyết định đầu tư, người sản xuất cần phải có những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, mức độ thiếu hụt, giá thành sản xuất, đầu ra, đầu vào để từ đó xây dựng phương án kinh tế, dự tính hiệu quả sản xuất , tính cả mức độ rủi ro rồi mơi quyết định đầu tư.

2. Phải nắm bắt cơ bản đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của đối tượng đầu tư

Mỗi một loại cây cần những điều kiện về đất đai, sinh thái, khí hậu khác nhau và các yêu cầu kỹ thuật khác nhaudo vậy người sản xuất cần phải tìm hiểu thông tin qua sách báo, internet, những người đã từng làm và sau đó cần phải có tư vấn của các cán bộ kỹ thuật, các nhà khoa học từ đó mới quyết định đầu tư.

3. Phải xác định được những lợi thế của mình

Khi đầu tư vào một đối tượng nào đó người sản xuất cũng phải nắm được những lợi thế mà mình có được so với những người đang làm như về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nguồn lao động, thị trường, hiểu biết kỹ thuật, sự quyết tâm...Nếu các yếu tố trên còn thua kém thì cần phải có thời gian chuẩn bị sau đó hãy quyết định đầu tư.

4. Cần có sự hợp tác gắn kết

Để sản xuất hoa, cây cảnh thành công rất cần sự gắn kết với các nhà khoa học, cấn bộ kỹ thuật, và những người sản xuất kinh doanh có kinh nghiệm, từ đó có sự chia sẻ thông tin và hỗ trợ kịp thời đắc lực.

                                                                                                                                                   Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông

(Giám đốc Trung tâm NC&PT Hoa, cây cảnh)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng