TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Tình hình sản xuất hoa, cây cảnh thế giới 2017

12/11/2018
117

Năm 2017 đã đi qua với nhiều sự thay đổi của ngành sản xuất hoa, cây cảnh trên thế giới, từ việc thay đổi thị phần dẫn đến những sự hoán đổi vị trí trên bảng xếp hạng các nước xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới đến thực trạng biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt hơn hay sự biến động về chính trị đã và đang tác động không nhỏ đến năng suất, chất lượng và giá thành cây hoa cung ứng ra thị trường. Mặc dù đứng trước những khó khăn như vậy nhưng năm 2017 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng của ngành sản xuất hoa, cây cảnh thế giới.

Tổng giá trị sản lượng hoa toàn cầu năm 2017 đạt 104.825 tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2017, tổng doanh thu của ngành công nghiệp hoa toàn cầu tăng khoảng 5%. 

Về tình hình xuất khẩu, theo tờ Floridata, sản lượng xuất khẩu hoa toàn cầu trong tháng 10 năm 2017 tăng 2%. Trong đó, xuất khẩu hoa sang Nga tăng mạnh với mức tăng trưởng 40%. Sản lượng hoa xuất khẩu sang Ba Lan và cộng hòa Séc cũng tăng lên đáng kể do nên kinh tế ở 2 quốc gia này đang có những dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, sản lượng hoa xuất khẩu sang Đức vẫn tiếp tục giảm với sự sụt giảm gần 4% do nhu cầu về hoa ở đây đang giảm. Vào tháng 10, xuất khẩu sang Anh vẫn ổn định so với năm 2016.

Năm 2017 tiếp tục đánh dấu sự thống trị của ngành xuất khẩu hoa từ Hà Lan trên thị trường hoa thế giới. Doanh thu từ việc xuất khẩu hoa, cây cảnh của Hà Lan chỉ tính đến tháng 11/2017 đã đạt 6 tỷ Euro, con số kỷ lục của ngành sản xuất hoa toàn cầu nói chung và Hà Lan nói riêng (số liệu được thống kê bởi Floridata và the VGB). Tờ Floridata cho rằng "Nếu các nhà xuất khẩu Hà Lan đạt doanh thu vào tháng 12 tương tự như năm ngoái, họ sẽ vượt qua mốc doanh thu lịch sử 6 tỷ euro".

Sản xuất hoa tulip ở Hà Lan vẫn tăng trưởng ấn tượng, dẫn đầu thế giới về sản lượng và diện tích

Tình hình sản xuất hoa chậu, hoa trồng thảm

Sản lượng hoa thảm, cây công trình năm 2017 tăng 7%, trong khi giá trung bình giảm 2%, dẫn đến doanh thu tăng 5%. Tuy nhiên, doanh thu hoa, cây cảnh trồng chậu giảm 1% so với năm 2016. Đặc biệt, việc tiêu thụ các loại hoa lan hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn. Trong năm 2017, sản lượng hoa lan Hồ Điệp tăng 4%, nhưng giá trung bình lại giảm đến 14%. Đây là sự sụt giảm khá bất thường đối với một loại hoa thường được thị trường rất ưa chuộng như lan Hồ Điệp

Tình hình sản xuất hoa cắt cành

Tổng doanh thu ngành công nghiệp hoa toàn cầu năm 2017 tăng lên chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoa cắt cành. Trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu hoa cắt cành tăng gần 10% dù sản lượng hoa cắt cành vẫn ở mức tương đương so với năm 2016. Nhìn chung, doanh thu ngành sản xuất hoa cắt cành năm 2017 đã có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau một giai đoạn bị sụt giảm.

Giá thành hoa cắt cành năm 2017 giảm đáng kể so với năm 2016 nhưng không quá thấp so với mức giá trung bình trong 5 năm qua. Điều này xảy ra do sản lượng các loại hoa cắt cành như hoa đồng tiền, hoa ly, hoa cúc năm 2016 bị sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến giá thành hoa cắt cành năm 2016 cao hơn trung bình các năm.

Về tình hình xuất khẩu, nhìn chung giá trị xuất khẩu hoa cắt cành, hoa bó toàn cầu giảm trung bình -7,3% kể từ năm 2012, đây là năm các lô hàng hoa cắt cành đạt được giá trị 8,3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2015-2016, hằng năm giá trị xuất khẩu hoa cắt cành toàn cầu đã giảm -4,6%.

Trong số các châu lục, các nước Châu Âu có giá trị xuất khẩu hoa cắt cành cao nhất trong năm 2016 với các lô hàng lên đến 4 tỷ đô la Mỹ, chiếm 52,3% giá trị xuất khẩu hoa toàn cầu. Các nước Châu Mỹ Latin (trừ Mexico) và Caribea chiếm 28,4%, tiếp theo là các nước châu Phi ở mức 10,5%, các nhà cung cấp ở châu Á là 7% và Bắc Mỹ là 1,5%.

Trong nhiều năm, Hà Lan luôn là trung tâm của thị trường hoa thế giới. Sản lượng hoa xuất khẩu của Hà Lan chiếm gần 50% sản lượng hoa cắt cành trên toàn thế giới.

 

Biểu đồ Doanh thu hoa cắt cành của Hà Lan từng tháng và doanh thu trung bình trong 3 năm 2015, 2016 và 2017

Nhìn chung, doanh thu hoa cắt cành các tháng trong năm 2017 đều cao hơn so với cùng kì các năm trước. Điều này cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của ngành sản xuất hoa cắt cành Hà Lan sau thời kỳ bị suy giảm trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền sản xuất hoa mới nổi.

 Các vị trí tiếp sau Hà Lan về giá trị sản lượng hoa cắt cành xuất khẩu thuộc về năm nền sản xuất hoa mới nổi lên gồm: Colombia, Kenya, Ecuador , Trung Quốc và Malaysia. Năm nền sản xuất hoa này chiếm đến 40% tổng sản lượng hoa cắt cành xuất khẩu toàn cầu. Trong những năm gần đây, với những bước tiến vượt bậc về nông nghiệp công nghệ cao, Colombia đã trở thành nước xuất khẩu hoa cúc lớn nhất và xuất khẩu hoa cẩm chướng đứng thứ hai trên thế giới

Trong số các quốc gia trên thế giới, các nước xuất khẩu hoa cắt cành, hoa bó phát triển nhanh nhất kể từ năm 2012 là: Lithuania (tăng 447,5%), Anh (tăng 87,3%), Kenya (49%) và Tây Ban Nha (tăng 47,3%).

Các nước có giá trị xuất khẩu hoa giảm là Bỉ (giảm 63,9%), Hà Lan (giảm 14,3%), Malaysia (giảm 13,6%) và Thái Lan (giảm 7,5%).

Vào năm 2018, tình hình sản xuất hoa, cây cảnh trên thế giới được Michiel de Haan của công ty xuất khẩu Royal Lemkes, Hà Lan dự đoán rằng xuất khẩu hoa sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương tự trong năm tới. Ông cho biết "Hầu hết các nước châu Âu đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính. Và sắc hoa sẽ lại phủ xanh khắp nơi, đặc biệt là ở Hà Lan và ở Scandinavia, đây sẽ là những quốc gia tiên phong đưa ngành công nghiệp hoa toàn cầu tiếp tục phát triển. Và điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản lượng hoa, cây cảnh trong năm tới".

Nguồn: Tạp chí Việt Nam Hương sắc tháng 3/2018

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng