TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Trận đánh lớn" mang tên FTA: Chúng ta đang hỗ trợ nông dân sai hướng

29/06/2018
16

TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cách hỗ trợ nông dân của chúng ta hiện nay là hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, trong khi cái người nông dân cần nhất là hỗ trợ tổ chức sản xuất. Vì vậy, để có thể tận dụng được cơ hội trong hội nhập, thay vì khuyến khích nông dân sản xuất giỏi, phải chuyển sang khuyến khích người nông dân vừa sản xuất tốt, vừa kinh doanh giỏi, quản lý hợp tác xã giỏi.

TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Thưa ông, cánh cửa thị trường đang rộng mở, song hình như người nông dân phản ứng với hội nhập và thị trường còn kém nhanh nhạy?

Người nông dân nước ta, nếu xét theo từng hộ thì phản ứng cực kỳ nhạy với thị trường, và vì phản ứng quá nhạy, nên mới xảy ra chuyện trồng - chặt theo phong trào. Tuy nhiên, cái chúng ta cần là phản ứng nhanh nhạy, có tổ chức của cả vùng sản xuất. Để làm được điều này, cần có tổ chức sản xuất của người nông dân.

Tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., người dân trồng cây gì, nuôi con gì đều có hội, hiệp hội hay hợp tác xã đại diện cho mỗi ngành hàng ấy. Chính các hợp tác xã, các hội, hiệp hội này đứng ra lập kế hoạch sản xuất hàng năm và làm công tác thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Còn ở nước ta, không có tổ chức nào đại diện cho người nông dân sản xuất. Rất nhiều sản phẩm nông sản không có hội, hiệp hội của người sản xuất, nên xử lý việc gì cũng lúng túng, nông dân mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy bán, thương lái mạnh ai nấy mua. Đó chính là nguyên nhân chính của chuyện buồn về đầu ra cho nhiều sản phẩm nông sản nước ta.

Có ý kiến cho rằng, nông sản hiện nay khó tiêu thụ vì thị trường thiếu "nhạc trưởng". Và người "nhạc trưởng" được kỳ vọng chính là khối doanh nghiệp. Điều này có khả thi không, thưa ông?

Không thể đặt hết gánh nặng lên vai doanh nghiệp, cũng không thể kỳ vọng quá lớn vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có thể làm "nhạc trưởng" ở một số ngành hàng có số lượng doanh nghiệp lớn và thị trường tiêu thụ khá ổn định, ví dụ như thủy sản. Còn với nhiều mặt hàng, nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa không có doanh nghiệp (như dưa hấu có hàng ngàn thương lái, nhưng không có doanh nghiệp lớn), thì lấy ai làm "nhạc trưởng"?

Theo tôi, về tương lai lâu dài, chính người nông dân phải tự đi tìm thị trường, tự bán sản phẩm, vì họ là người cần bán sản phẩm của mình, hiểu rõ sản phẩm của mình, chúng ta không thể làm thay, bán hộ, vì càng bán hộ, thì người nông dân càng ỷ lại. Tuy nhiên, để nông dân làm được "nhạc trưởng" thì cần tổ chức cho họ thành tổ chức như tổ hợp tác, hợp tác xã, hội, hiệp hội, đào tạo kiến thức quản lý, kiến thức thị trường cho họ, để họ đi tìm kiếm doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới phân phối.

Ngay cả Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, vốn là đơn vị tiên phong triển khai mô hình Cánh đồng mẫu lớn và rất tâm huyết trong mối liên kết rất tốt với nông dân cũng thấy mệt mỏi vì phải ký hợp đồng với 10.000 hộ dân. Vậy tại sao không thay 10.000 hợp đồng đó bằng 1.000, thậm chí là 10 hay 100 hợp đồng ký với các tổ hợp tác, hợp tác xã? Khi đó chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều.

Một khi tổ chức sản xuất của người nông dân được thành lập, bài toán quy hoạch, bài toán thị trường sẽ được giải. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hay chính quyền khó ép nông dân phải trồng cây gì, trồng bao nhiêu, mà chỉ tổ chức hội của người sản xuất mới có thể quyết định cho chính họ. Muốn có con số chính xác để dự báo thị trường, cũng chỉ tổ hợp tác, hợp tác xã, hội và hiệp hội làm được. Ở các nước, thậm chí hiệp hội ngành hàng có thể đưa ra hạn ngạch sản xuất hàng năm và chính nông dân đứng ra giám sát. Không ai giám sát nông dân tốt hơn nông dân.

Ngoài ra, chỉ khi thành lập tổ chức của người sản xuất như hợp tác xã, hội, hiệp hội, thì nông dân mới có thể có vị thế mặc cả khi bán, Nhà nước có muốn giúp nông dân cái gì cũng dễ. Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng có tổ chức nào đứng ra tiếp nhận hỗ trợ ấy trực tiếp và hiệu quả cho người sản xuất. Do vậy, cần có tổ chức đại diện cho người sản xuất đứng ra tiếp nhận hỗ trợ ấy, đồng thời bàn thảo với cơ quan quản lý nhà nước xem họ cần hỗ trợ gì (việc này giao cho chính quyền làm là không hiệu quả).

Liệu giải pháp này có hiệu quả khi người nông dân nước ta được coi là thông minh, chăm chỉ, chịu khó, nhưng lại không mấy khi tuân thủ kỷ luật. Câu chuyện phá vỡ quy hoạch ở nhiều tỉnh là minh chứng?

Trên thế giới, hình thức này đã tồn tại từ lâu. Người nông dân được tổ chức chặt chẽ theo hiệp hội sản xuất ngành dọc, sau đó hiệp hội này sẽ hợp tác liên ngành với các siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy chế biến, công ty phân phối… Các đơn vị này thường xuyên trao đổi với nhau để có thông tin về nhu cầu thị trường, lượng xuất khẩu… để kịp thời điều chỉnh sản xuất và thông tin đó chạy thẳng đến người nông dân. Vấn đề là, Việt Nam có làm được điều này không? Tất nhiên, ban đầu sẽ khó khăn, nhưng qua thực tế một số mặt hàng, tôi tin chúng ta sẽ làm được, miễn là phải đào tạo, tư vấn cho người nông dân.

Chẳng hạn, hiện có Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương) với 650 hộ tham gia. Các hộ này liên kết với nhau để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, chỉ trồng nếp cái hoa vàng để cùng kiểm soát các khâu chăm sóc, tưới tiêu… Sau khi xây dựng được thương hiệu, có khối lượng lớn và ổn định, người nông dân ở đây không phải đi tìm thị trường, mà doanh nghiệp và tư thương tự tìm đến ngày càng đông, với giá bán chỉ có tăng, chứ không giảm, thậm chí giá bán tại chỗ cao bằng giá bán trong siêu thị.

Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuất hiện những mô hình như vậy. Các hợp tác xã của nông dân không chỉ lo chuyện sản xuất, mà còn đầu tư luôn cả kho tạm trữ, đầu tư cả máy xay xát, chế biến, đóng gói.

Tương tự, ở Mộc Châu, khi tư vấn cho người nông dân ở đây, chúng tôi đã hướng dẫn họ thành lập hợp tác xã. Ban đầu, hợp tác xã gặp khó khăn do một số hộ không bán rau cho hợp tác xã khi giá cao, mà bán ra ngoài thị trường. Nhưng sau một thời gian, mọi việc đã vào guồng.

Còn về vấn đề quy hoạch, tôi cho rằng, nhiều người đang nhầm tưởng quy hoạch chính là dự báo thị trường, song thực tế không phải vậy. Tất cả quy hoạch của Việt Nam hiện nay không đả động đến thị trường, mà chỉ xác định tiềm năng của vùng sản xuất phù hợp với cây gì. Còn trồng bao nhiêu, sản lượng thế nào là do thị trường quyết định và nên thay đổi hàng năm.

Việc không có hiệp hội ngành hàng đúng nghĩa, thiếu các tổ chức sản xuất của người nông dân khiến hầu hết quy hoạch hiện nay nằm trên giấy, người nông dân thậm chí không biết đến quy hoạch, chỉ phản ứng trồng - chặt theo phong trào, nên việc phá vỡ quy hoạch là đương nhiên.

Xem ra, người nông dân đang bị bỏ rơi, phải tự loay hoay trong hội nhập?

Không phải chúng ta bỏ rơi nông dân, mà chúng ta phải thay đổi cách thức hỗ trợ nông dân, bởi những cách thức hỗ trợ hiện nay không phù hợp.

Cách hỗ trợ người nông dân của chúng ta hiện nay là hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, giống, phân bón, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo…, trong khi cái người nông dân cần nhất là hỗ trợ về tổ chức sản xuất. Vì vậy, thay vì khuyến khích người nông dân sản xuất giỏi, phải chuyển sang khuyến khích người nông dân không chỉ sản xuất tốt, mà còn phải kinh doanh giỏi, quản lý hợp tác xã giỏi - những cái họ còn thiếu và chưa làm được. Chỉ có vậy, người nông dân mới có thể tận dụng được cơ hội của hội nhập.

Chúng ta phải bỏ lối tư duy trồng cây gì, nuôi con gì không theo tín hiệu thị trường, làm méo mó thị trường. Sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu phải do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ tạo cơ chế cho nông dân có năng lực phản ứng được với thị trường và để đối phó được với thương lái Trung Quốc. Khi người nông dân đã có tổ chức, thương lái Trung Quốc nếu có ý định phá thị trường thì cũng chỉ lừa được những hộ nhỏ lẻ, chứ không thể lừa được cả vùng sản xuất, nếu người nông dân được tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp.

Nguồn: ndh.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng