TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Trồng hoa công nghệ cao, thu tiền tỷ mỗi năm

06/08/2016
79

Từ nhiều năm nay, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang là vùng trồng hoa lớn của tỉnh Hưng Yên. Toàn xã có tới hơn 500 hộ trồng hoa công nghệ cao với tổng diện tích 120ha, hàng năm đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

Năng suất cao nhờ công nghệ

Là người tiên phong trồng hoa công nghệ cao ở xã Xuân Quan, ông Phan Ngọc Oanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất hoa, cây cảnh Xuân Quan chia sẻ: “Năm 2010, được Viện Nghiên cứu Rau quả (Hà Nội) và Sở Khoa học công nghệ tỉnh Hưng Yên hỗ trợ 200 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp theo công nghệ cao trị giá gần 1 tỷ đồng. Đến nay, tôi thấy trồng lan hồ điệp theo công nghệ cao cho hiệu quả cao hơn hẳn so với cách trồng thông thường”.

Anh Lê Ngọc Thịnh đầu tư nhà lưới trị giá hơn nửa tỷ đồng để trồng lan công nghệ cao. Ảnh: Thu Hà

Hiện tại, ông Oanh không chỉ trồng các loại hoa cao cấp (lan hồ điệp, phong lan, địa lan…) theo công nghệ cao mà các loại hoa giỏ treo (hoa pháo, dạ yến thảo, ngọc thảo, cẩm chướng lùn, hoa cát tường…) cũng được ông áp dụng phương pháp này. Theo ông Oanh, trồng hoa công nghệ cao, người trồng phải đầu tư chi phí lớn. Ngoài đầu tư, nhà kính, nhà lưới, còn phải đầu tư hệ thống tưới phun nước hiện đại, chậu, bịch, các loại giá thể để trồng hoa công nghệ cao.

“Mô hình này tuy đầu tư lớn nhưng cho thu nhập cao. Trồng hoa theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng gấp đôi, gấp ba so với cách trồng thường, thời gian canh tác lại ngắn hơn. Hiện, với 1 mẫu trồng hoa công nghệ cao, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập vài tỷ đồng, trừ chi phí ông còn thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm”, ông Oanh tiết lộ.

Khác với nhiều gia đình trồng các loại hoa giỏ treo, hoa chậu, anh Lê Ngọc Thịnh chỉ đầu tư trồng duy nhất hoa lan. Năm 2014, anh đã đầu tư nhà lưới trị giá hơn nửa tỷ đồng để trồng lan công nghệ cao. Với diện tích 3 sào, gia đình anh đang ươm mầm hàng vạn gốc lan rừng lẫn giống nhập ngoại, mỗi năm thu vài tỷ đồng. Anh Thịnh cho biết: “Cây lan yêu cầu ánh sáng không cao và nhiệt độ phải ôn hòa, do đó tôi phải đầu tư nhà lưới để hãm ánh sáng và nhiệt độ cho cây”.

Thu nhập 700 triệu đồng/năm

Ông Đàm Mạnh Cường – Chủ tịch Hội ND xã Xuân Quan cho biết: Nghề trồng hoa xã Xuân Quan được hình thành từ năm 90 của thế kỷ trước. Trước đây, bà con trồng hoa theo phương pháp truyền thống, ít quan tâm tới khoa học kỹ thuật.

Xác định khoa học công nghệ là “chìa khóa làm giàu”, nâng cao năng suất và giá trị nông sản, Hội ND xã Xuân Quan đã tăng cường các hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tới hội viên ND. UBND và Hội ND xã đã thành lập được 1 câu lạc bộ, Tổ hợp tác, 1 hợp tác xã (HTX) hoa, cây cảnh, để các thành viên có thể trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa, đầu ra cho sản phẩm...

Ông Cường cho biết: “Đến nay 100% số hộ trồng hoa ở Xuân Quan đều áp dụng phương pháp công nghệ cao vào sản xuất và có cuộc sống sung túc. Cùng một đơn vị diện tích sản xuất nhưng giá trị thu nhập cao gấp 1,5 - 2 lần. Đơn cử như thu nhập bình quân của mỗi xã viên HTX hoa, cây cảnh Xuân Quan năm 2013 đạt 400 triệu đồng/người thì đến năm 2015 đạt 700 triệu đồng/người”.

 

Theo ông Cường, trong sản xuất hoa công nghệ cao, ngoài yêu cầu nắm chắc khoa học kỹ thuật, ND cần có nguồn vốn lớn để xây dựng mô hình, theo đó Hội ND xã đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho ND vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ ND của T.Ư Hội ND Việt Nam...  

Theo Thu Hà

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng