TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Trồng rau, hoa dùng nhà kính: công nghệ cao hay hóa chất?

24/09/2019
106

Một số nông dân ở Đà Lạt mới đây đã quyết định tháo dỡ toàn bộ nhà kính kiên cố đang trồng dâu tây với lý do: 'Không muốn canh tác kiểu hóa chất nữa'. Câu chuyện dỡ bỏ nhà kính đã tạo ra những cuộc tranh luận.

Anh Tân (phải) và các tình nguyện viên tháo dỡ màng bọc nhà kính trồng dâu tây

để chuyển sang làm vườn theo kiểu truyền thống

Ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận, nơi nào có trồng rau, hoa thì nơi đó có nhà kính (màng nilông). Đến nay chỉ riêng Đà Lạt có hơn 5.000ha, nếu tính rộng ra các khu nông nghiệp lân cận thuộc vùng nông sản Đà Lạt thì có khoảng 10.000ha nhà kính. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng thì 54% diện tích nông nghiệp của TP Đà Lạt đã phủ trắng nhà kính.

Trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính

Những vùng nông nghiệp có mật độ nhà kính lớn nhất là Phước Thành, Vạn Thành và Thái Phiên. Nếu đứng ở một quả đồi nào đó, có thể thấy nhà kính phủ trắng tại những khu vực này tạo thành một vành đai bao lấy vùng dân cư nằm ở trung tâm Đà Lạt.

Thái Phiên là nơi trồng hoa lớn nhất Đà Lạt. Gần như toàn bộ đất nông nghiệp ở đây đã phủ trắng nhà kính. Đi vào làng hoa Thái Phiên, sau khi đi qua khu vực nhà ở có từ trước kia, chúng tôi bị bao bọc tứ phía là nhà kính. Nhà kính dọc triền dốc, dọc suối Cam Ly và ken cứng tới mức nếu không phải người dân tại khu vực này khó mà biết được đường dẫn vào những khu nhà lồng này nằm ở đâu.

Người dân đi lại giữa khu nhà kính bát ngát thuộc làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt)

Bà Phạm Thị Nở là nông dân sống lâu năm ở làng hoa Thái Phiên. Đã quá quen không gian quánh đặc phân, thuốc nhưng bà vẫn phẩy tay liên tục trước mũi. Bà nói: "Sống ở trong vùng toàn nhà kính mới thấy khổ thế nào. Tôi gần như chịu hết xiết rồi. Anh ngồi ở đây đi rồi thấy, hơi nóng cứ hầm hập phát ra kéo theo mùi phân, thuốc muốn ngợp thở. Chạy xe ra khỏi nhà khoảng 1km thì thấy đỡ hơn. Mưa nửa tiếng thôi là ngập tanh bành chỗ này".

Nhà kính áp sát đường ray xe lửa, di tích đường sắt Đà Lạt - Phan Rang 

Làng hoa Vạn Thành có lượng nhà kính ít hơn và cũng ít ngột ngạt hơn nhờ có khoảng thở được tạo ra bởi những vườn rau canh tác ngoài trời. "Nhà kính mọc lên nhanh nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá nhà kính rẻ nên ai trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính. Có nhà kính thì không lo nắng mưa, rau và hoa có năng suất cao nhưng mấy năm nay ở đây trưa nóng hầm hập", ông Hồ Thanh Hoàng (50 tuổi, nông dân làng hoa Vạn Thành, phường 5) than thở.

Không có nhà kính, hoa không đủ chuẩn

Ông Hoàng cảm nhận được sự độc hại mà ông đối mặt mỗi ngày nhưng khi chúng tôi gợi ý dỡ bỏ nhà kính, ông lắc đầu: "Quen rồi. Với lại hoa bây giờ cần to đẹp kiểu công nghiệp, mình không trồng trong nhà kính thì không đủ chuẩn và không bán được cho ai".

Nếu như năm 2004 đến 2010, khi Đà Lạt bắt đầu sản xuất nông nghiệp có dùng nhà kính, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân chỉ đạt 70 triệu đồng/ha/năm thì đến năm 2019, giá trị này đã là 170 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Thanh Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Cây trồng Việt Nam - nhìn nhận người nông dân Đà Lạt có cuộc sống ổn định, nông sản Đà Lạt có chỗ đứng có công rất lớn của nhà kính trong 15 năm qua. Ổn định, an toàn là lý do khiến mỗi khi khởi sự làm nông, người Đà Lạt nghĩ ngay đến việc đầu tư nhà kính. Ông Minh nói: "Gần như tất cả các loại cây đều trồng trong nhà kính". Ông Minh nhìn nhận sản xuất rau, hoa trong nhà kính thực chất là công nghiệp chứ không còn là nông nghiệp.

Ông nói: "Đã là công nghiệp thì tác động đến môi sinh không hề nhỏ. Do đó, phải quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà kính như quản lý công nghiệp. Những dự án 'công nghiệp nhà kính' phải có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai".

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam: Là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan - cho biết ông và các cộng sự đã ghi nhận được nhiệt độ trung bình ở những khu vực nhiều nhà kính tăng lên 1 - 1,50C, biên độ nhiệt giãn thêm 30C. Sự thay đổi nhiệt độ này tác động lên khí hậu chung của Đà Lạt. Những năm gần đây, hiện tượng ngập cục bộ ở các vùng nông nghiệp lớn, ở khu vực hạ lưu suối Cam Ly thường xuyên xuất hiện.

Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn (Đại học Đà Lạt) lý giải: "Có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính tại Đà Lạt, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly. Về lý thuyết thì những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilông và đổ ào ào ra suối. Nước không có thấm vô đất giọt nào hết. Mưa to vậy nhưng bên trong nhà kính đất vẫn khô, kiểu như mình mặc áo mưa đi dưới trời mưa vậy. Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh". 

Ông Phan Thanh Sang (Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt):

Rất cần nhà kính nhưng không phải nhà kính hiện nay

Ngành hoa của Đà Lạt rất cần nhà kính nhưng không phải loại nhà kính và cách sử dụng như hiện nay. Loại nhà kính như hiện tại không đúng tiêu chuẩn công nghệ cao, đa số chỉ là những lớp màng nilông có công dụng che mưa, chắn côn trùng và quanh năm phủ trên đất thành một không gian kín, nóng...

Trong khi đó, nhà kính công nghệ cao phải có những thiết bị đi kèm như cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và có thể mở đóng tương thích với thời tiết và sự phát triển của cây trồng. Loại nhà kính đúng chuẩn như thế này không gây nhiều tác động tiêu cực như đa số nhà kính đang sử dụng ở Đà Lạt.

Ngoài ra, nông dân Đà Lạt đang sử dụng nhà kính tràn lan, mật độ quá lớn khiến những tác động tiêu cực bộc lộ rõ ràng. Cần mau chóng có quy chuẩn về nhà kính, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì phải có quy hoạch, tránh để hoạt động nông nghiệp có sử dụng nhà kính làm hỏng cảnh quan Đà Lạt và xung đột lợi ích với ngành du lịch.

Ông Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam):

Cần có giải pháp công nghệ

Việc lựa chọn hệ thống canh tác trong nhà lưới, nhà kính hay sản xuất ngoài trời phụ thuộc vào đối tượng cây trồng, điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu của từng vùng và mục đích của hoạt động sản xuất, khả năng đầu tư của người dân. Xu hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở hầu hết các nước đều gắn với nhà kính, nhà lưới.

Tuy nhiên, cần có giải pháp công nghệ và quy mô ứng dụng phù hợp để vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Mô hình canh tác trong nhà lưới, nhà kính đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều địa phương nhưng có những vùng, những cây trồng phù hợp và cũng có những nơi không phù hợp. Do đó, nông dân cần có đầy đủ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm để lựa chọn hình thức canh tác phù hợp cho mình, chứ không phải dễ dàng chạy theo phong trào hay tẩy chay nhà lưới, nhà kính.

Ông Trần Đăng Khoa (Giám đốc Công ty Nông nghiệp Khánh Linh):

Không phải mọi loại cây trồng đều cần đưa vào nhà kính

Nhiều nơi người ta làm nhà lưới, nhà kính chủ yếu để che mưa và ngăn côn trùng. Trong khi nhà kính là tạo ra một không gian mà ở đó con người có thể kiểm soát được các yếu tố về môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, gió, nồng độ khí CO2, phân bón... để tự động điều chỉnh theo yêu cầu cây trồng như phun sương, quạt gió, bón phân, phun khí CO2... Phải áp dụng tới mức đó thì mới đem lại hiệu quả cao cho nông nghiệp.

Để đầu tư được hệ thống như vậy tại Việt Nam phải cần vốn 500-700 triệu đồng/1.000m2, trong khi mức đầu tư nhà kính của Việt Nam chỉ dao động khoảng 200 triệu đồng/1.000m2 thì không thể có nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa. Vì vậy, không nhất thiết phải trồng trong nhà kính mới đem lại hiệu quả mà cần phải xem xét đến hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng. Nếu đã xác định làm nông nghiệp công nghệ cao thì đầu tư bài bản, không thì có thể trồng ngoài trời để tránh lãng phí không cần thiết. 

Kiến trúc sư Thierry Huau (người Pháp): Kiến trúc sư Trưởng xây dựng đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" khi công bố quy hoạch đã khuyến nghị Đà Lạt tái tạo những thung lũng nhà kính thành những thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp xanh. Để làm điều đó cần chấp nhận sản lượng nông sản sẽ thấp xuống nhưng chất lượng cao lên và đổi lại chúng ta sẽ có một Đà Lạt phát triển đúng tầm. "Nước Pháp xinh đẹp cũng từng mắc phải những sai lầm dùng nhà kính khi phát triển nông nghiệp và họ mất 40 năm để giải quyết hậu quả, lấy lại vùng du lịch canh nông thân thiện với môi trường."

Lâm Đồng không còn khuyến khích dựng nhà kính

Ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng - cho biết nhà kính mang lại nhiều lợi ích, nhưng cái chưa được là cơ quan chức năng đã không quản lý để xuất hiện những tác động tiêu cực.

"Hiện nay tỉnh Lâm Đồng không khuyến khích mở rộng nhà kính, bắt đầu có những chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thân thiện môi trường và kết hợp với du lịch.

Chúng tôi cũng đã có kế hoạch khắc phục những tác động tiêu cực do những vùng nông nghiệp dùng nhà kính mật độ cao gây ra như trồng cây xen với nhà kính, làm hồ dự trữ nước nội vùng (nhằm tăng hệ số thấm), giãn các khu nhà kính ra xa khu vực ao hồ, sông suối. Sắp tới ngành sẽ có kiến nghị quy hoạch toàn diện vùng nông nghiệp có nhà kính..." - ông Sơn nói.

Nguồn: tuoitre.vn

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng