TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Bảo tồn và phát triển các loài tùng La Hán tại huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh

02/10/2017
295

Tùng La Hán, còn được gọi là La Hán tùng, thông La Hán…, có tên khoa học là Podocarpus macrophyllus, là một loài thực vật thuộc họ Podocarpaceae, Chi Podocarpus (từ tiếng Hy Lạp “podos” có nghĩa là chân và “karpos” có nghĩa là quả, chỉ những cây mà quả có chân đế rõ ràng). Quả của cây có hình dáng giống như pho tượng La Hán, nên có tên là tùng La Hán. Cây có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng của đất nước. Huyện đảo Cô Tô được xem như có tính đa dạng sinh học đặc biệt trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam với gần 1.300 loài thực vật và trên 140 loài động vật. Tài nguyên thực vật rừng nơi đây cũng rất đa dạng về công dụng chính như: Lấy gỗ, làm thuốc, cây bóng mát hoặc làm cảnh, làm rau ăn, lấy quả, cho nhựa mủ, cho tanin, cho tinh dầu...trong đó không thể không kể đến nhóm các loài cây tùng La Hán có giá trị như trồng làm cây cảnh quan, làm bonsai.

Theo những tài liệu thống kê về thực vật chỉ ghi nhận giống tùng này phân bố giới hạn ở 2 khu vực: Nam Trung Quốc và dãy Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam nên việc phát hiện ra cây tùng La Hán trên đảo Cô Tô gây không ít ngạc nhiên bởi với kiểu khí hậu thích nghi của tùng La Hán luôn ở độ cao 800 đến 1.200 mét, thì một môi trường hạn chế độ ẩm, nhiệt độ cao và gió mặn là điều khó tưởng để tùng La Hán phát triển.

Theo ghi nhận của các bộ kiểm lâm tại đảo Cô Tô thì đặc tính của loại cây này là ưa sống trên vùng khắc nghiệt, đặc biệt là vách núi, hốc đá cao. Chiều cao tối đa của cây khoảng 4-5m, thân gỗ, lá nhỏ và dày, mọc thành chùm, quả nhỏ có hình gần giống chiếc bình tỳ bà.

 

Hình ảnh cây tùng La Hán được tác giả chụp tại huyện đảo Cô Tô

Cây tùng La Hán được dân chơi cây cảnh xếp vào hàng "độc quý" đứng trên cả tứ quý sanh - si - đa - đề nên có giá trị kinh tế rất cao, mỗi chậu cảnh có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, có cây đến gần tỷ đồng. Do đó ngay từ năm 1997, cây tùng La Hán đã bị người dân bản địa cũng như những người ở nơi khác vào rừng khai thác trái phép để phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh. Điều đó đã dẫn đến làm suy giảm số lượng và trữ lượng loài. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp mạnh để ngăn chặn người dân khai thác song cho đến nay bên cạnh việc tăng cường quản lý rừng nói trên thì cũng chưa có bất kỳ chương trình khoa học nào nghiên cứu để bảo tồn và phát triển loài cây quý này.

Đầu tháng 6 năm 2017, đoàn cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh do PGS.TS. Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm làm Trưởng đoàn cùng với các cán bộ của Phòng quản lý khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã ra đảo Cô Tô điều tra, thu thập thông tin sơ bộ về các loài tùng La Hán. Bước đầu Đoàn đã đánh giá được chủng loại tùng La Hán trên đảo Cô Tô và một số đảo nhỏ như đảo Trần, Thanh Lân có khoảng 4-5 loài, trong đó số lượng cây có đường kính gốc > 10cm, chiều cao >4m còn rất ít và có nguy cơ tuyệt chủng.

Tác giả, ThS. Trần Văn Tam bên cây tùng La Hán tại huyện đảo Cô Tô

Như vậy có thể thấy việc “cứu gấp” loài cây tùng La Hán trên đảo Cô Tô đang là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay, trong đó rất cần có sự chung tay phối hợp của các cơ quan chức năng, nhà khoa học và người dân để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này. 

ThS. Trần Văn Tam

(Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng