TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất”

06/11/2024
35

          Ngày 5 tháng 11 năm 2024, Hội Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất” dưới sự tài trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

          Tham dự Tọa đàm có đại diện của Cục Trồng Trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Trung tâm chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Tập đoàn Pan Group, Tập đoàn giống cây trồng VINASEED, Công ty Rau Tân Lộc Phát, Công ty CPTM và SX Thiên Điểu, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, HTX Nông nghiệp hữu cơ GENXANH và nhiều nhà khoa học đầu ngành về giống cây trồng, các hộ nông dân, sinh viên một số trường Đại học…

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.

PGS.TS. Đặng Văn Đông, đại diện Viện Nghiên cứu Rau quả phát biểu chào mừng các đại biểu đến tham dự Tọa đàm

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

          Tại Tọa đàm, nhiều báo cáo tham luận của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học được trình bày: Định hướng phát triển ngành giống cây trồng Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030 (GS.VS Trần Đình Long), Mấy vấn đề liên quan đến giống và sản xuất giống Cây ăn quả ở Việt Nam (GS. TS. Vũ Mạnh Hải), Thực trạng sản xuất và nghiên cứu rau ở Việt Nam, định hướng công tác chọn tạo giống rau đến năm 2030 (GS.TS Trần Khắc Thi), Thành tựu và công tác chuyển giao giống lúa vào sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long (TS. Trần Ngọc Thạch), Vai trò, thực trạng công tác giống hoa, một số kết quả nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống hoa phục vụ sản xuất của Viện Nghiên cứu Rau quả (PGS.TS Đặng Văn Đông), Bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam (Bà Cầm Thị Hằng, Cục Trồng trọt, Bộ NN & PTNT), Chuyển giao quyền đối với giống cây trồng (TS. Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam).

          Thông qua Tọa đàm, các Nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Doanh nghiệp, HTX, nông dân đã trao đổi, thảo luận về kết quả nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và thương mại giống cây trồng ở Việt Nam, những khó khăn trở ngại và đề xuất kiến nghị các giải pháp thiết thực để chuyển giao hiệu quả các giống mới vào sản xuất.

          Phát biểu bế mạc, GS.VS Trần Đình Long một lần nữa nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao giống cây trồng mới vào sản xuất, công tác chọn tạo giống mới là yếu tố quan trọng. Để làm tốt công tác này đòi hỏi tập trung một số yếu tố sau: Tập trung nghiên cứu cơ bản, ưu tiên bảo tồn nguồn gen, nguồn vật liệu cho công tác chọn tạo giống; Kết hợp phương pháp chọn tạo giống mới bằng phương pháp hiện đại kết hợp với truyền thống; Sản xuất cần gắn liền với doanh nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hạt giống; Trong thương mại hạt giống, ưu tiên bảo hộ giống và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng.

          Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cần xây dựng chiến lược cho ngành giống cây trồng; Sửa đổi một số điều liên quan đến giống cây trồng trong Luật Trồng trọt; Xây dựng cơ chế chuyển giao, chuyển nhượng sản phẩm phù hợp hiệu quả nhất; Đẩy mạnh liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và nông dân.

          Kết thúc Tọa đàm, các đại biểu đã đi thăm thực địa cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống hoa, cây cảnh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả.

Nguyễn Văn Tỉnh - Viện Nghiên cứu Rau quả 

                         Hoàng Thị Huệ - Tổng thư ký Hội Giống cây cây trồng Việt Nam

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng