TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Kết quả kiểm tra đánh giá mô hình hoa đào phai cánh kép Thanh Hóa thuộc đề tài: “Nghiên cứu khai thác, phát triển nguồn gen hoa Đào Sapa, Lào Cai và hoa Đào phai cánh kép Thanh Hóa theo hướng sản xuất hàng hóa”.

29/08/2024
36

Giống đào phai cánh kép của Thanh Hóa có nhiều đặc điểm quý: bông to (2,5-3,5 cm), cánh dày, số lượng cánh hoa > 15 cánh, hoa nở tập trung, màu hồng nhạt, độ bền hoa trên cành lâu (từ 8-10 ngày). Nguồn gen hoa đào này được trồng ở địa phương từ rất lâu đời, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán khá cao. Tuy nhiên, nguồn gen mới chỉ được trồng tập trung chủ yếu ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, với khoảng 100 hộ dân, do tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tổng diện tích trồng nguồn gen hoa đào này khoảng 35-40 ha.

Nguồn gen Hoa đào phai cánh kép Thanh Hóa

Thực tế cho thấy, người dân địa phương thường nhân giống chủ yếu bằng phương pháp gieo hạt, qua nhiều năm, giống hoa đào này đã có sự lai tạp, phân li biểu hiện thấy rõ trên vườn sản xuất của các hộ dân vào dịp Tết, hoa nở trên cùng một cây đào có cả hoa cánh đơn hoa cánh kép, hoa màu hồng, màu trắng và màu đỏ, bông hoa to và hoa nhỏ không đồng nhất. Trước tình trạng trên, Viện Nghiên cứu Rau quả đã nhận định được giá trị và tình trạng của nguồn gen hoa đào này và đề xuất phương hướng bảo tồn và phát triển với đề tài: “Nghiên cứu khai thác, phát triển nguồn gen  hoa Đào Sapa, Lào Cai và hoa Đào phai cánh kép Thanh Hóa theo hướng sản xuất hàng hóa”. Thuộc chương trình bảo tồn và  sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021- 2022, đề tài đã tuyển chọn được 10 cây hoa đào đầu dòng, xây dựng vườn giống gốc và xây dựng quy trình nhân giống bằng phương pháp ghép thay thế cho phương pháp nhân giống bằng hạt.  Năm 2023-2024, đề tài đã xây dựng được mô hình trồng từ cây giống nhân bằng phương pháp ghép với quy mô 0,5 ha tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quý, thôn Thanh Xuân, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cây trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt hơn so với cây trồng từ hạt: đường kính gốc, chiều cao cây, số cành, đường kính tán đều lớn hơn, mức độ bệnh chảy gôm thấp hơn so với cây trồng từ hạt. Từ kết quả thực tế mô hình đã khuyến khích người dân chuyển từ cây giống trồng từ hạt sang trồng cây đào ghép. Việc này không những làm tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng đào mà còn bảo tồn và phát triển được nguồn gen hoa đào phai cánh kép nguyên bản không bị lai tạp, phân li do biến dị di truyền một cách tự nhiên.

Mô hình nhân giống nguồn gen hoa đào phai cánh kép Thanh Hóa bằng phương pháp nghép

Mô hình trồng nguồn gen hoa đào phai cánh kép Thanh Hóa từ cây ghép

Mô hình cũng đã được lãnh đạo địa phương, đoàn kiểm tra của Bộ Khoa học và công nghệ đi kiểm tra vào ngày 31/7/2024, đoàn đã đánh giá cao mô hình, sự thành công của mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác mới cho người dân địa phương đó là trồng cây đào ghép thay thế cho trồng cây hạt. Đại diện đoàn kiểm tra của Bộ Khoa học và công nghệ đã đề nghị Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp chặt chẽ với Địa phương để phát triển rộng rãi mô hình vào sản xuất./.

Đoàn cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo xã Quảng Chính đi kiểm tra mô hình Hoa đào phai cánh kép Thanh Hóa trồng từ cây ghép

Bí thư xã Quảng Chính trả lời phỏng vấn về tình hình tiêu thụ hoa đào phai cánh kép dịp Tết năm 2024.

TS. ĐInh Thị Dinh

Trung tâm NC&PT Hoa, cây cảnh

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng