TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số giống hoa địa lan kiếm (Thanh Ngọc và Hương Cát Cát) tại Thái Bình

22/05/2020
30

Việt Nam là xứ sở của hoa lan, với nhiều loài lan thơm đẹp và quý hiếm. Nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nước ta có đủ điều kiện để cho hoa lan phát triển, nhất là các loại hoa lan bản địa. Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, đời sống của nhân dân ta đã được cải thiện rõ rệt, nên nhu cầu thưởng thức về hoa lan nhất là các giống địa lan có màu sắc đẹp, có hương thơm tăng rất mạnh so với những năm trước đây.

Do giá bán các loài lan khá cao, đặc biệt một số loài được khai thác để xuất khẩu như một loại cây thuốc nên những loài lan bản địa quý hiếm, trong đó có giống lan kiếm (Cymbidium Sp.) đã bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực tiễn này, giai đoạn năm 2013-2016, Viện Nghiên cứu Rau quả được Bộ Nông nghiệp & PTNT giao chủ trì thực hiện đề tài Khai thác và phát triển nguồn gen lan kiếm”. Kết quả của nhiệm vụ đã điều tra, thu thập được 5 giống lan kiếm gồm có: Thanh Ngọc, Trần Mộng, Mặc Biên, Hoàng Điểm và Hương Cát Cát. Trong đó, 2 giống hoa lan Thanh Ngọc và Hương Cát Cát là những giống lan đẹp và có giá trị kinh tế cao.

Thái Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên sinh thái rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu vật nuôi phong phú, đa dạng và là tỉnh nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh đặt ra cho những năm tới là phát triển nông nghiệp dựa trên quan điểm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị cao nhất, đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh.

Để đáp ứng được các tiêu chí trên, mỗi ngành nghề sản xuất nông nghiệp cần có những hướng đi đúng và hiệu quả. Đối với lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh cần tập trung phát triển các chủng loại cây hoa có giá trị cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, vận dụng một cách có hiệu quả các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất để tạo ra các sản phẩm hoa, cây cảnh với số lượng lớn, chất lượng cao. Trong số các chủng loại hoa cây cảnh, các giống hoa lan kiếm đẹp, bền, có mùi thơm đang là một trong những chủng loại cây hoa được người dân địa phương Thái Bình quan tâm đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2018-2019, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Bình, Trung Tâm nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) đã phối hợp cùng trường Trung Cấp Nông Nghiệp Thái Bình, Hội sinh vật cảnh Thái Bình tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số giống hoa địa lan kiếm (Thanh Ngọc và Hương Cát Cát) tại Thái Bình”.

Đề tài tập trung nghiên cứu 3 nội dung chính gồm: (1) Điều tra, đánh giá tình hình sản xuất hoa địa lan Thanh Ngọc và Hương Cát Cát ở Thái Bình; (2) Xây dựng quy trình nhân giống, quy trình sản xuất hoa địa lan Thanh Ngọc và Hương Cát Cát phù hợp địa bàn tỉnh Thái Bình; (3) Xây dựng mô hình nhân giống, mô hình sản xuất lan kiếm Thanh Ngọc và Hương Cát Cát thương phẩm.

Từ 3 nội dung trên đề tài đã đưa ra những kết luận:

- Về kỹ thuật nhân giống: Đối với 2 giống địa lan kiếm Thanh Ngọc và Hương Cát Cát thì sử dụng phương pháp tách nhánh vào thời điểm thích hợp là từ 1 - 15/10;  phân bón sử dụng là NPK 30-10-10+ TE với nồng độ 1/2.000; sử dụng giá thể 1/3 vỏ lạc + 1/3 vỏ thông + 1/3 đá sỏi cho tỷ lệ sống, hệ số nhân, số nhánh và tỉ lệ xuất vườn đều đạt cao nhất.

- Về kỹ thuật sản xuất hoa thương phẩm: Đối với 2 giống địa lan kiếm Thanh Ngọc và Hương Cát Cát thì sử dụng giá thể có thành phần tỷ lệ: 1/3 vỏ thông + 1/3 vỏ lạc + 1/3 đá; nước giếng khoan có lọc; che lưới đen giảm 70% ánh sáng trực tiếp (tương đương 15.000 lux) cho kết quả cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất.

Từ những kết luận trên đề tài đã xây dựng được được 01 quy trình kỹ thuật nhân giống; 01 quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan kiếm thương phẩm Thanh Ngọc và Hương Cát Cát áp dụng ở điều kiện tỉnh Thái Bình.

Đề tài cũng xây dựng được 01 mô hình nhân giống hoa lan kiếm bản địa Thanh Ngọc và Hương Cát Cát; 01 mô hình sản xuất hoa lan kiếm thương phẩm Thanh Ngọc và Hương Cát Cát đem lại hiệu quả kinh tế tăng 1,84 lần so với khi áp dụng quy trình kỹ thuật theo kinh nghiệm của người dân.

Ngoài ra đề tài cũng đã tổ chức 02 lớp tập huấn với tổng số 30 lượt người tham dự.

Kết quả của đề tài đã mở ra hướng phát triển sản xuất cho 2 giống hoa địa lan là Thanh Ngọc và Hương Cát Cát, nhằm nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu thị trường của người dân trong tỉnh.

Một số hình ảnh của đề tài

Lãnh đạo sở KHCN Thái Bình đi kiểm tra đề tài 

Cán bộ thực hiện đề tài giới thiệu kết quả của mô hình  

Mô hình địa lan Thanh Ngọc lúc nở hoa 

Nguồn: PGS.TS. Đặng Văn Đông (Viện NC Rau quả)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng