TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Kết quả xây dựng mô hình nhân giống hoa trà tại Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên

17/09/2020
194

Cây hoa trà có tên khoa học Camellia japoniaca L., có nguồn gốc từ vùng Đông Á, tập trung nhiều ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cây có đặc điểm nổi bật là sinh trưởng và phát triển khỏe, lá xanh bóng, hoa rất đa dạng về kiểu dáng và màu sắc, chủ yếu dùng để làm cảnh và một số loài có tác dụng làm đẹp, chữa bệnh. Đây là loại hoa có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng yêu thích.

Camellia japonica L.

Ở Việt Nam, cây hoa trà đã có từ rất lâu đời và đã làm nên thương hiệu “trà Phụng Công” nổi tiếng trong cả nước. Hiện nay theo kết quả điều tra, toàn huyện Văn Giang có khoảng 40ha trồng hoa trà tập trung chủ yếu tại xã Phụng Công, ngoài ra người dân còn đi thuê đất ở các địa phương khác để sản xuất hoa trà thương phẩm.

 Tuy nhiên việc nhân giống cây hoa trà không hề đơn giản do trà là cây thân gỗ, thời gian nhân giống dài, khả năng ra rễ kém và hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào về nhân giống cây hoa trà. Người dân chủ yếu nhân giống theo kinh nghiệm truyền thống nên chất lượng cây giống thấp, giá thành cao. Do vậy nên thời gian gần đây, nhiều nơi đã phải nhập cây giống giá rẻ từ Trung Quốc có chất lượng thấp về để sản xuất hoa thương phẩm, vừa không đảm bảo về chất lượng, vừa không chủ động về nguồn giống.

Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu duy trì và phát triển một số giống hoa trà ở Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh chủ trì. Trong khuôn khổ của đề tài, năm 2019, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật giâm cành trên giống hoa Trà Thâm Hồng Bát Diện. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Giâm cành hoa trà vào tháng 4 cho năng suất và chất lượng cành giâm cao nhất;  Sử dụng giá thể 100% cát là phù hợp nhất để giâm cành hoa trà cho tỷ lệ cây xuất vườn cao. Xử lý cành giâm hoa trà bằng α-NAA với nồng độ 2.000ppm giúp cho cành giâm ra rễ sớm, nâng cao tỷ lệ xuất vườn và chất lượng cây giống;  Bổ sung Atonik 1.8SL liều lượng 10ml/16 lít nước, 7-10 ngày phun 1 lần là tốt nhất để nâng cao khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng cành giâm.

Cây và hoa của giống trà Thâm hồng bát diện

Từ các kết quả nghiên cứu trên, Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh tiến hành xây dựng mô hình nhân giống hoa trà bằng phương pháp giâm cành với quy mô 300m2, số lượng 3.000 cây. Kết quả xây dựng mô hình nhân giống cho thấy: Thời gian từ khi nhân giống đến khi xuất vườn từ 100-110 ngày, tỷ lệ cây xuất vườn cao (>95%), cây giống đồng đều, chất lượng tốt (đạt 13,0 rễ/cây, chiều dài rễ 7,7cm, 0,7 chồi/cây), ít bị sâu bệnh hại. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 1,30 lần so với khi áp dụng kỹ thuật nhân giống theo kinh nghiệm của người dân. Mô hình cũng là nơi để người dân trồng hoa trà ở Phụng Công và các vùng lân cận đến thăm quan, học tập và áp dụng nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Một số hình ảnh mô hình nhân giống hoa trà bằng phương pháp giâm cành

Mô hình nhân giống hoa trà

Cán bộ Sở KH & CN Hưng Yên đi kiểm tra tình hình thực hiện mô hình

Cây giống hoa trà khi xuất vườn

ThS. Mai Thị Ngoan

Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng