TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Kỹ thuật ghép và chăm sóc hoa lan Đai châu sau ghép

17/11/2017
1242

      Lan Đai châu (Rynchostylis gigantea) là một trong những loại lan đẹp được nhiều người yêu thích bởi thân mập, lá xanh đạm, dày và lớn, rễ mập khỏe và ra hoa vào tết Nguyên đán nên có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, đối với người yêu lan thì trong nhà luôn có giò hay chậu lan Đai châu để chào đón xuân về. 

      Để có những chậu hay giò lan đẹp thì ngoài việc chọn cây giống khỏe, đẹp thì cách ghép lan Đai châu cũng giúp nâng cao giá trị của chậu lan lên rất nhiều. Tùy vào điều kiện nuôi dưỡng, không gian trồng lan chúng ta có thể ghép trồng trên các giá thể như chậu, đoạn gỗ hay trụ …

      Trong bài viết này chúng tôi xin được gửi đến người yêu lan về kỹ thuật ghép lan đai châu trên một số vật liệu chính như trên.

1. Chuẩn bị dụng cụ

          - Chậu, gỗ ghép, trụ …

          - Máy khoan, máy bắn ghim…

          - Đinh, dây rút, dây nhựa, que gỗ, kéo, búa…

2. Thời điểm ghép

          Tốt nhất là ghép lan Đai châu vào cuối mùa xuân (tháng 3-tháng 4) sau khi hoa tàn. Lúc này nhiệt độ đã ấm dần lên và độ ẩm không khí cao giúp cây nhanh chóng ra rễ và lá mới. Ngoài ra cũng có thể ghép vào mùa hè tuy nhiên cần che giảm 50-70% ánh sáng và thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây.

3. Chọn cây giống

          Chọn cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, cây 3 năm tuổi trở lên (có thể cho hoa luôn vào tết) có 5-6 lá, rễ to, khỏe.

4. Xử lý cây giống trước khi ghép

      - Cây giống: cắt tỉa lá già, lá hỏng, rễ khô. Dùng thuốc sát trùng (Daconil) bôi trực tiếp vào vết cắt hoặc phun hay nhúng ướt toàn bộ cây, treo 2- 3 ngày cho liền sẹo. Sau đó ngâm phần gốc bằng Antonik 1/500 + B1 1/1000 trong 15-20 phút. Buộc thành túm (5 ngọn) treo ngược. Định kỳ 7 ngày phun dung dịch B1 1/1000 + 5 ml/l Rootplex. Sau khoảng 1 tháng, khi thấy nhú rễ thì có thể bắt đầu ghép lên giá thể. Với cây nhân từ nuôi cấy mô có thể ghép luôn.

        - Xử lý chất trồng: Ngâm chất trồng bằng nước vôi trong hoặc thuốc trừ nấm sau đó phơi khô.

5. Kỹ thuật ghép lan

a, Ghép lan Đai châu lên chậu

      - Chậu và giá thể trồng: Chọn chậu đất nung hoặc chậu thang gỗ có nhiều lỗ lớn, kích thước chậu tùy thuộc số lượng cây trồng. Thành phần giá thể dùng phải đảm bảo sự thông thoáng bao gồm: rêu khô, than củi, củi vụn…

      - Tạo điểm tựa cho cây: cố định que gỗ ở gần miệng chậu. Chú ý tùy kích thước chậu, kích thước cây để xác định số cây ghép trên chậu để cố định nhiều hay ít que gỗ.

      - Dùng dây rút buộc chặt cây vào điểm tựa.

      Yêu cầu: cây đứng vững, không bị dịch chuyển, các cây phân bố đều trên chậu và không được trồng sâu lá dưới cùng của cây phải nằm ngang mặt chậu.

b, Ghép lan Đai châu trên gỗ ghép

          - Gỗ ghép là đoạn cây thân gỗ đã bỏ vỏ, có kích thước dài 30-40 cm, đường kính 20-30cm, chọn gỗ lũa, nhãn, vải hoặc vú sữa là tốt nhất, các khúc gỗ vừa phải có thể treo trên giàn lan.

          - Các bước tiến hành ghép:

          + Khoan lỗ hoặc đóng đinh để chọn điểm để buộc dây treo

          + Tạo điểm tựa cho cây trên khúc gỗ: Có thể dùng đinh được bọc nhựa hoặc dùng que tre đóng vào các lỗ đã khoan sẵn tạo điểm tựa cho cây như hình.

           + Cố định cây vào điểm đã xác định: dùng dây rút để buộc chặt cây vào điểm tựa đã tạo sẵn.

           + Mỗi khúc gỗ có thể ghép từ 5-9 cây, với khúc gỗ to có thể ghép nhiều hơn.

      - Yêu cầu: cây lan phải chắc chắn, không bị dịch chuyển. Các cây được phân bố đều trên khúc gỗ ghép đảm bảo tính thẩm mỹ của giò lan. 

c, Ghép lan Đai châu trên trụ gỗ

        - Chất liệu gỗ: gỗ nhãn, gỗ lữa…

        - Hình dáng: có nhiều hình dáng trụ khác nhau phụ thuộc vào chất liệu. Tuy nhiên cũng có thể ghép nhiều cục để tạo những có hình thù mong muốn.

        - Các bước tiến hành ghép: tương tự như ghép trên giò gỗ. Tuy nhiên cần chú ý cố định chân trụ để giữ trụ chắc chắn.

        - Yêu cầu: chân trụ phải thật chắc chắn. Hình dáng trụ gỗ phải có tính thẩm cao.

6. Chăm sóc sau ghép

      - Để cây ở nơi ẩm mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tưới nước dạng phun sương mù cho ẩm đều mặt lá và giá thể định kỳ ngày 1 -2 lần vào sáng và chiều mát.

      - Dùng Rootplex hoặc B1 pha với lượng 10ml/bình 10 lít nước, phun 2 tuần/lần. Phun ướt đều lá và giá thể. Lượng phun 6 - 8 bình 10 lít/1.000m2

      Sau khi cây xuất hiện rễ mới (khoảng 1 tháng sau trồng):

      - Tưới nước: Tưới nước ngày 1 lần với cây ghép gỗ và 2 ngày 1 lần với cây trồng chậu. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không tưới khi trời mưa hoặc độ ẩm không khí cao (trên 80%)

      - Bón phân: Tưới phun phân  có tỷ lệ NPK (21:21:21), 5 ngày 1 lần, nồng độ 1%. Phun ướt đều trên lá và giá thể. Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 DD hoặc Vitamin B1 dùng 10ml/10 lít nước, 10 ngày 1 lần.

ThS. Chu Thị Ngọc Mỹ

(Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng