TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Làm giàu từ mô hình Tổ hợp tác “Trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến”

03/03/2017
32

Nông dân làm giàu từ mô hình Tổ hợp tác “Trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến” điểm sáng mô hình kinh tế tập thể ở Nam Phong.Phát huy vai trò của Hội Nông dân từ các cấp trong việc định hướng, phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. ..

Phát huy vai trò của Hội Nông dân từ các cấp trong việc định hướng, phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt với vai trò hỗ trợ của Hội Nông dân, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Nam Phong, Tổ hợp tác (THT) “Trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến” được thành lập và đi vào hoạt động với mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản suất, tiêu thụ sản phẩm.

Nam Phong là xã ngoại thành ở phía nam Thành phố Nam Định, từ lâu đã nổi tiếng với nhiều làng nghề phát triển mạnh mẽ như: làng quất Vạn Diệp, làng hoa Phù Long... Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt được nguyện vọng của nhiều nông dân xóm Mỹ Tiến I và Mỹ Tiến II. Năm 2015, Hội Nông dân xã Nam Phong đã thành lập THT “Trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến” gồm 16 thành viên tham gia. Đã bầu 

ra Tổ trưởng do đồng chí Bùi Quốc Huy đảm nhận, tổ đã xây dựng quy chế hoạt động, hợp đồng hợp tác, quy định mức đóng góp cho mỗi thành viên. Tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua các buổi sinh hoạt THT, các thành viên trong tổ được trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, hỗ trợ nhau về giống, vốn, đầu ra sản phẩm. Đồng thời, Hội Nông dân xã đã xây dựng dự án “Trồng hoa cây cảnh” được Hội Nông dân tỉnh phê duyệt với tổng số vốn thực hiện là 500 triệu đồng giúp các thành viên trong tổ có thêm nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đầu ra dần được ổn định, đời sống các thành viên được nâng lên rõ rệt.

Trong các thành viên của THT phải nói đến mô hình sản xuất và tiêu thụ giống hoa của anh Nguyễn Quốc Hiệp. Chỉ với diện tích đất vườn 2.200 m2 dùng để trồng các loại hoa, cây giống theo đó gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương, cung cấp cho thị trường những sản phẩm hoa, cây giống chất lượng cao. Bên cạnh việc sản xuất, anh còn liên kết với các đầu mối ở địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên THT. Giá trị sản phẩm tiêu thụ hàng năm của gia đình anh cùng với thành viên THT lên đến 5 tỷ đồng, nhờ đó mà thương hiệu “cây hoa giống làng Phù Long” đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh  và vươn ra các tỉnh bạn như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... Ngoài ra anh Hiệp còn hỗ trợ các thành viên trong tổ về giống, vật tư cũng như trao đổi kinh nghiệm làm vườn, kỹ thuật ươm giống và trồng các loại hoa.

Anh Nguyễn Quốc Hiệp đang đóng gói cây giống để giao cho khách hàng các tỉnh bạn

Anh Trần Đình Hiếu cũng là một thành viên của THT, trước khi tham gia, sản phẩm hoa cây cảnh của anh tiêu thụ chủ yếu ở địa phương. Sản xuất ra sản phẩm đã khó nhưng đến khâu tiêu thụ sản phẩm còn khó hơn, bị phụ thuộc rất nhiều vào tư thương, điệp khúc "được mùa, mất giá" cứ đeo bám mãi, sản xuất kinh doanh rất bấp bênh. Từ khi tham gia thành viên THT "trồng hoa cây cảnh Mỹ Tiến" anh giữ vai 

trò huy động và điều tiết sử dụng vốn cho tất cả các thành viên phục vụ sản xuất kinh doanh trong THT. Nhờ sự hỗ trợ của các thành viên khác trong tổ, gia đình anh đã dần ổn định. Riêng năm 2016 vừa qua doanh thu từ tiêu thụ hoa, cây cảnh của gia đình anh Hiếu đạt trên 300 triệu đồng, trừ chi phí giống vốn anh cũng có lãi trên 180 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Nam Phong đóng vai trò kết nối các thành viên trong tổ với các chuyên gia kỹ thuật chuyển giao khoa học kỹ thuật, cập nhật tài liệu, kiến thức kỹ thuật canh tác mới, cho tất cả các thành viên trong tổ. Từ đó, các thành viên trong tổ đã bổ khuyết cho nhau, cùng nhau phát triển kinh tế với tinh thần hợp tác cùng có lợi; các thành viên luôn đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Từ 16 hộ sản xuất cá thể, phân tán sau khi tham gia THT đã hình thành một vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung có diện tích hơn 2,5 ha, giải quyết việc làm cho 41 lao động nông thôn, với doanh thu 1,8 tỷ/năm; lợi nhuận đạt 1,3 tỷ/năm.

Có thể thấy, việc chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tập thể từ mô hình kinh tế THT “trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến” là sự thay đổi tư duy đúng hướng  về nhận thức và phương pháp quản lý trong sản xuất kinh doanh; cần tiếp tục nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trên địa bàn thành phố.  Phong trào nông dân  thi đua  sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào cách mạng ở nông thôn, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thu hút đông đảo nông dân tham gia; tạo được động lực thúc đẩy ý chí vươn lên làm giàu; giúp nông dân dần dần xoá bỏ phương thức sản xuất cá thể, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, tạo thành vùng sản xuất tập trung, theo hướng tập thể, đoàn kết giúp nhau, giảm nghèo, có sự tham gia liên kết, hợp tác “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) hướng dẫn theo kinh tế thị trường, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội bền vững, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn.

Theo Bùi Quốc Huy (HND xã Nam Phong)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng