Ngành sản xuất, kinh doanh hoa mặc dù đang nở rộ, những vẫn còn thiếu sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học.
Kinh doanh hoa là một trong những lĩnh vực khá rộ trong thời gian gần đây, nhất là ở các thành phố lớn. Hoa nội, hoa ngoại, với muôn vàn loại hoa lạ mỗi ngày khoe sắc rực rỡ mọi nẻo phố phường. Nhưng có lẽ ít ai biết được, chặng đường của hoa, từ khi còn là hạt giống, cây giống tới hành trình kết nối giữa nhà nông, nhà kinh doanh, nhà quản lý v.v...là cả một câu chuyện không kém "muôn màu" trạng thái!
Ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, giải thích cơ cấu trồng hoa tại Việt Nam có những thay đổi lớn, từ chỗ trước năm 2000 chủ yếu trồng các loại hoa truyền thống như cúc, hồng, lay ơn, cẩm chướng, thược dược… thì đến nay đã trồng nhiều chủng loại hoa mới có hình dáng đẹp, độ bền cao hoặc mới lạ hấp dẫn.
Kỹ thuật canh tác trong sản xuất hoa ở Việt Nam cũng có sự thay đổi đáng kể. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm là chính thì đến nay đã có những vùng sản xuất hoa lớn, tập trung chuyên canh có tính hàng hóa cao, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thuần hóa và sản xuất được nhiều loại hoa mới, quý hiếm có giá trị kinh tế cao được người tiêu dùng chấp nhận. Đặc biệt, đến nay hoa Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Theo Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm Khuyến ngư Ninh Bình, hiện nay, tỉnh có tổng diện tích trồng hoa khoảng 10 ha, chủ yếu là các loại hoa hồng, đồng tiền, cúc, dơn, lily...; trong đó hoa lily đang là cây hoa chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng hoa.
Trước kia, việc trồng hoa lily chỉ dừng lại ở làng hoa Ninh Phúc nhưng nay mở rộng ra các xã, phường khác của thành phố Ninh Bình và các huyện khác như Tam Điệp, Yên Khánh, Kim Sơn.
Diện tích trồng hoa lily ngày càng được mở rộng với nhiều mô hình. Điển hình phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Điền ở làng Yên Phúc, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình. Là hộ đi đầu trong sản xuất hoa lily tại làng hoa Ninh Phúc, năm 2010, ông Điền mới bắt đầu trồng thử nghiệm vài trăm củ lily giống Sorbonne, lấy giống ở Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới chuyên nhập khẩu các giống hoa.
Thấy hiệu quả kinh tế đem lại và bắt đầu có kinh nghiệm, năm sau ông đầu tư trồng 1 sào với gần 5.000 củ giống, nhà lưới đơn giản với tổng chi phí trên 100 triệu đồng. Năm đó, hoa thu đúng dịp Tết, với giá bán buôn từ 35.000 - 40.000 đồng/cây, ông thu được trên 70 triệu đồng lợi nhuận.
Năm tiếp theo, gia đình ông đã đầu tư nhà lưới cố định, chỉ chuyên trồng hoa lily, diện tích được mở rộng gấp 3 so với năm trước, với nhiều giống màu sắc đa dạng hơn. Cứ như thế, diện tích trồng hoa lily ngày càng được mở rộng, đến nay, gia đình ông trồng 11 vạn củ để phục vụ thị trường.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Điền, để có được sự thành công chủ yếu do ông tự mày mò, học hỏi cách trồng hoa lily trên sách báo và phần lớn tự tìm nguồn tiêu thụ chứ chưa có sự hỗ trợ từ các “nhà”.
Đây không chỉ là câu chuyện của ông Điền, mà là khó khăn chung của rất nhiều người trồng hoa khác. Chặng đầu trồng trọt đã có niềm hứng khởi, mày mò, tiềm năng kinh doanh đã rộng mở, song chặng đi vẫn chưa có sự tiếp sức chuyên nghiệp giữa các khâu sản xuất và phân phối.
Ông Đặng Văn Đông cũng chỉ ra những bất cập của ngành này trong thời gian qua. Ông cho rằng, ngành sản xuất, kinh doanh hoa đang chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau; chưa có hiệp hội hay tổ chức để liên kết giữa các đơn vị sản xuất để chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm kỹ thuật dẫn đến tình trạng mạnh ai ấy làm.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là các bên chưa xác định rõ cơ chế hợp tác trong quá trình liên kết là bình đẳng các bên đều có lợi. Doanh nghiệp luôn xác định tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh còn người nông dân sản xuất theo thói quen, chưa có văn hóa liên kết.
Các cơ quan quản lý chưa huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này cũng như chưa tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các bên tham gia. Ngoài ra, chưa có nhiều cơ chế khuyến khích nhà khoa học nghiên cứu, cũng như chuyển giao các sản phẩm khoa học hữu ích, sát hơn với yêu cầu thực tế.
Từ góc độ địa phương, Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm Khuyến ngư Ninh Bình cho rằng để phát triển sản xuất hoa lily trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân trong tỉnh cũng như vươn ra các tỉnh khác cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời cần đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng trồng hoa công nghệ cao để chủ động hơn nữa trong việc khắc phục những bất thuận của điều kiện tư nhiên tác động đến cây hoa. Đây là những giải pháp tốt nhất để người nông dân yên tâm đầu tư vốn mở rộng sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hoa lily tập trung, mang tính thương hiệu.
Nhằm nâng cao chuỗi giá trị bền vững trong phát triển sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả Đặng Văn Đông nhận định, cần phải coi kinh doanh hoa, cây cảnh là một ngành có nhiều lợi thế và tiềm năng của Việt Nam.
Ngành kinh doanh này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà tương lai còn có thể tiến đến xuất khẩu lớn thu ngoại tệ về cho đất nước. Từ đó cần có những chính sách quan tâm hỗ trợ phù hợp.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng nên là đầu mối để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh thành lập một Liên hiệp các Hợp tác xã sản xuất hoa, cây cảnh và bảo trợ về pháp lý. Đồng thời có giải pháp tìm nguồn kinh phí hỗ trợ để cho tổ chức này phát triển tiến tới là đầu mối điều phối, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên cùng phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin dự báo nhu cầu về hoa, cây cảnh, các tiến bộ kỹ thuật để đề ra định hướng đầu tư phát triển sản xuất phù hợp.
Đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học để tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ tối đa của Nhà nước về cơ chế chính sách, khoa học kỹ thuật từ đó đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn và bền vững.
Mặt khác, cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kỹ thuật và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, định hướng thị trường trong nước tiến đến xuất khẩu.
Ông Vương Xuân Nguyên, Hội sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng, cần đánh giá khách quan nhu cầu của các bên tham gia chuỗi cũng như nguồn lực của các bên đảm bảo cho việc triển khai liên kết có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường cho phép lựa chọn những đối tác có tiềm lực mạnh, có uy tín và có thương hiệu để thực hiện liên kết./.
Theo Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Tin tức khác