TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Nông nghiệp 4.0: Việt Nam hãy nói ít đi, làm nhiều hơn!

19/10/2017
25

Tại Diễn đàn chủ đề "Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0", theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam nên nói ít hơn về nông nghiệp 4.0, hãy làm đi. 

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cùng 87 nông dân Việt Nam tiêu biểu tham dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Phát triển nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là những người nông dân, nông nghiệp nước ta thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của sự phát triển khoa học công nghệ, sự biến đổi khí hậu... thì nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt nhiều thách thức. 

Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực tế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển "tam nông", trong đó có phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII cũng đã chỉ rõ “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu tạo tiền đề cho cách mạng 4.0”.

Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.

Trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để có nền sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Việt Nam không đứng ngoài làn sóng này. Tuy nhiên, để thành công thì cần sự nỗ lực, phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp một cách nhịp nhàng, hiệu quả của cả nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước. 

Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng yêu cầu đại diện các bộ, ngành có liên quan cần phân tích, đánh giá, làm rõ hiệu quả và những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, lắng nghe ý kiến và giải đáp những thắc mắc rất cụ thể cho người nông dân; giải quyết các vướng mắc về vốn, nhân lực, về thị trường, công nghệ; đề xuất xây dựng các chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp 4.0...

3 điều kiện cần, 1 điều kiện đủ cho nông nghiệp 4.0

Phát biểu trao đổi tại Diễn đàn, nhiều nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đặt vấn đề về sự khác nhau gì giữa nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0; khả năng của Việt Nam trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để làm nông nghiệp 4.0; và nếu làm được thì làm thế nào cho hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ NN&PTNT, nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức. Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp).

Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình sản xuất, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng đối với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, phải có 3 điều kiện cần và 1 điều kiện đủ. 

Về 3 điều kiện cần: Một là, cần hành lang pháp lý phục vụ cho người sản xuất chứ không phải dành cho người quản lý. Và hành lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận. Hai là, cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất. Ba là, cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường. 

Còn 1 điều kiện đủ quyết định thành công là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm và tâm huyết với nông nghiệp. Bởi vì làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nên ai làm nông nghiệp cũng cần phải dũng cảm và tâm huyết.

PGS. Nguyễn Văn Bộ cho rằng, Việt Nam không nên làm nông nghiệp 4.0 theo kiểu phong trào. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình.

Đặc biệt, khi kết luận Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việt Nam phải tiếp cận nông nghiệp 4.0 bình tĩnh và thông minh trên cơ sở lựa chọn ngành hàng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thân cho người nông dân và xã hội. Chính phủ lắng nghe các ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn và sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các nước không bàn nhiều đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 như ở nước ta, mà họ làm rất hiệu quả. Vì vậy ở nước ta, Phó Thủ tướng đề nghị "ta cũng phải ít nói đi mà hãy bắt tay vào hành động, làm thực chất, sáng tạo thông minh vì mục tiêu thương mại, sức khoẻ của người tiêu dùng”.

Về định hướng chiến lược, Phó Thủ tướng yêu cầu phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn: vaas.org.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng