Tổng Giám đốc FAO, ông José Graziano da Silva cho biết, biến đổi khí hậu là một rủi ro lớn đối với người dân nông thôn ở các nước đang phát triển, thường dẫn đến tình trạng di cư do khủng hoảng, và thúc đẩy nông nghiệp bền vững là một phần thiết yếu của một chính sách phản ứng hiệu quả.
Các số liệu trích dẫn cho thấy từ năm 2008, cứ mỗi giây lại có một người bị di cư do thiên tai và khí hậu - trung bình 26 triệu người/năm - và cho thấy xu hướng này có thể sẽ tăng lên trong tương lai do các khu vực nông thôn phải vật lộn để đối phó với thời tiết nóng. Ông José Graziano da Silva cho biết: “Giải pháp cho thách thức lớn này là thúc đẩy các hoạt động kinh tế mà đa số dân cư nông thôn đã tham gia”. Graziano da Silva và William Lacy Swing, Tổng giám đốc của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phát biểu về vấn đề này tại một cuộc họp trong Hội nghị của FAO.
Swing cho biết, mặc dù ít rõ ràng hơn các sự kiện cực đoan như bão, nhưng biến đổi khí hậu diễn ra chậm lại có xu hướng có tác động lớn hơn theo thời gian. Ông Swing đưa ra ví dụ về hồ Chad đã bị khô cạn dần trong hơn 30 năm qua, nay là một điểm nóng về khủng hoảng lương thực. Nhiều người di cư sẽ đến từ các vùng nông thôn, điều này có ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và giá lương thực.
FAO và IOM, được chọn làm đồng chủ tọa cho năm 2018 của Nhóm di cư toàn cầu - một tổ chức gồm 22 đơn vị của Liên Hợp Quốc - đang hợp tác để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư, một vấn đề ngày càng cấp bách đối với cộng đồng quốc tế.
Các vùng nông thôn của các nước đang phát triển, nơi mà các hộ gia đình nghèo thường có năng lực hạn chế trong việc đối phó và quản lý rủi ro, được dự báo sẽ phải gánh chịu hậu quả của nhiệt độ trung bình cao hơn. Điều này đã trở nên tồi tệ hơn do tình trạng thiếu đầu tư ở nông thôn.
Sử dụng di cư như là một chiến lược thích ứng có thể là tích cực, có thể tăng cường an ninh lương thực nhưng cũng có thể kéo dài thêm tổn thương nếu không được hỗ trợ bởi các chính sách phù hợp.
IOMs Swing cho biết thêm: “Chúng ta cần tích hợp một cách có hệ thống di cư và biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển và giảm nghèo quốc gia, giảm nguy cơ thiên tai và lập kế hoạch khủng hoảng và phát triển các chính sách và thực tiễn nông nghiệp tăng cường khả năng phục hồi trước tình trạng di dân cưỡng bức do biến đổi khí hậu”.
FAO và IOM kêu gọi sự công nhận rõ ràng về di cư - cả nguyên nhân và tiềm năng - trong các chính sách về thay đổi khí hậu và chính sách phát triển nông thôn.
Các ngành trồng trọt và chăn nuôi thường chịu hơn 80% thiệt hại do hạn hán, điều này nhấn mạnh vì sao nông nghiệp trở thành nạn nhân chính của biến đổi khí hậu. Các tác động khác bao gồm suy thoái đất, khan hiếm nước và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ông Graziano da Silva cho biết: Phát triển nông nghiệp và nông thôn phải là một phần không thể tách rời của các giải pháp đối phó với những thách thức về thời tiết và khí hậu, đặc biệt là khi chúng liên quan đến nạn đói.
Ông nói thêm rằng cần đầu tư vào sinh kế nông thôn bền vững, cơ hội việc làm tốt, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và các chương trình bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ con người khỏi những rủi ro và cú sốc.
FAO cũng giúp các quốc gia dễ bị tổn thương theo những cách khác nhau, bao gồm việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và các hành động sớm, khắc phục tình trạng khan hiếm nước và giới thiệu các phương pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu và tiếp cận an toàn với nhiên liệu và năng lượng được thiết kế để giảm căng thẳng giữa người tị nạn và cộng đồng nước di cư đến cũng như giảm nạn phá rừng.
Nguồn: vaas.org.vn
Tin tức khác