TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

“Quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hồ điệp quy mô công nghiệp” của Viện Nghiên cứu Rau quả đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá

17/08/2017
56

          Trước đây, việc sản xuất hoa lan Hồ điệp chưa phát triển ở Việt Nam nên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chúng ta phải nhập từ các nước lân cận như Đài Loan, Trung Quốc và Thái Lan, đặc biệt là vào dịp Tết Cổ truyền. Chỉ tính riêng trong dịp Tết, mỗi năm miền Bắc nhập nội khoảng 1 triệu cây hoa lan Hồ điệp. Trong khi đó, với điều kiện Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất và cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. 

          Nhận định được điều này, trong thời gian 2009-2010, Viện Nghiên cứu Rau quả đã đề xuất và được giao thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm: “Hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất một số giống lan Hồ Điệp ở quy mô công nghiệp” thuộc Chương trình Trọng điểm cấp Nhà nước, mã số KC04.DA09/06-10. “Quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hồ điệp (Phalaenopsis) theo quy mô công nghiệp tại phía Bắc Việt Nam” là một trong số các sản phẩm của dự án trên. Sau khi quy trình được hoàn thiện, Viện Nghiên cứu Rau quả đã áp dụng quy trình trên trong việc xây dựng mô hình sản xuất tại Viện với diện tích 4000m2. Kết quả cho thấy quy trình áp dụng rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế cao và rất có triển vọng phát triển rộng rãi ra sản xuất.

Nhà lưới hiện đại trồng hoa lan Hồ điệp tại Viện Nghiên cứu Rau quả

          Viện Nghiên cứu Rau quả đã trình Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận là Tiến Bộ kỹ thuật và trong giai đoạn 2010-2017, Viện đã chuyển giao thành công tiến bộ kỹ thuật trên cho nhiều địa phương khắp cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và đang tiếp tục mở rộng nhiều hơn nữa.

          Đối với Quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp thì cây hoa lan Hồ điệp được sản xuất trong nhà lưới hiện đại có thể điều chỉnh được nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng theo giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Áp dụng quy trình sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn có chất lượng cao, đồng đều, chất lượng sản phẩm tương đương với nhập nội mà giá thành lại giảm 15-20%, có thể cạnh tranh và thay thế sản phẩm nhập nội. Quy trình cũng đưa ra kỹ thuật xử lý ra hoa theo ý muốn giúp người trồng hoa chủ động trong sản xuất, ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, hiệu quả kinh tế cao và ổn định, lãi thuần đạt từ 300-400 triệu đồng/1000m2/năm.  

Cây hoa lan Hồ điệp ra hoa đồng đều

          Sản phẩm “Quy trình kỹ thuật sản xuất hoa lan Hồ điệp (Phalaenopsis) theo quy mô công nghiệp tại phía Bắc Việt Namlà quy trình đầu tiên được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, có hàm lượng khoa học cao, là sản phẩm mới, có tính sáng tạo và đạt được những thành tựu trong sản xuất. Việc áp dụng quy trình sản xuất hoa lan hồ điệp theo quy mô công nghiệp đã tạo ra một triển vọng phát triển kinh tế cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh loại hình hoa cao cấp, đó là hoa lan hồ điệp.

          Tuy vậy, trong quá trình phát triển sản phẩm cũng gặp phải những khó khăn do quy trình kỹ thuật sản xuất hoa ứng dụng theo mô hình công nghệ cao nên chi phí đầu vào như đầu tư nhà lưới, thiết bị cho sản xuất khá cao so với các cây trồng khác.

          Mặc dù chi phí cao, nhưng lĩnh vực này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn, bền vững. Quy trình kỹ thuật mang tính ứng dụng công nghệ cao, vì vậy sẽ góp phần chứng minh tính đúng đắn và tính khả thi trong việc thực hiện đề án phát triển Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao vừa được thủ tướng chính phủ ban hành. Quy trình sản xuất không những không gây hại môi trường, an toàn cho người sản xuất mà còn làm trong sạch hơn bầu không khí, làm đẹp môi trường, cảnh quan.

         Quy trình kỹ thuật đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng Cúp vàng tại hội trợ Techmart Asean + 3, theo Quyết định số 2039/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 9 năm 2009.

          Năm 2010, Quy trình kỹ thuật đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là Tiến bộ kỹ thuật theo quyết định số 548/QĐ-TT-CLT ngày 7 tháng 12/2010. 

      Cũng trong năm này, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đã cấp Bằng bảo hộ Bản quyền tác giả cho quy trình theo số 3090/2010/QTG ngày 29/10/2010.

          Năm 2015, Quy trình đạt Giải thưởng Bông lúa Vàng Việt Nam theo Quyết định số 4139/QĐ-BNN-TCCB ngày 20 tháng 10 năm 2015.

Theo TS. Đinh Thị Dinh

(Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng