TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Sự thật giò lan đột biến giá gần 100 triệu ở Hà Nội

05/10/2017
74

Vài năm trở lại đây, giới yêu hoa lan ở Hà Nội rộ lên phong trào tìm kiếm giò lan đột biến tự nhiên có màu sắc, hình dáng độc, lạ. Không ít người chịu chi hàng chục triệu đồng để sở hữu một nhánh lan đai châu, Tam bảo sắc đột biến...Vườn lan của anh Hoạt có giá lên đến hàng tỉ đồng, trong đó có những giò lan đột biến có giá gần 100 triệu đồng.

Vài năm trở lại đây, giới yêu hoa lan ở Hà Nội rộ lên phong trào tìm kiếm giò lan đột biến tự nhiên có màu sắc, hình dáng độc, lạ. Không ít người chịu chi hàng chục triệu đồng để sở hữu một nhánh lan đai châu, Tam bảo sắc đột biến...

"Đệ nhất lan"

Theo chân anh Phan Văn Thắng, 34 tuổi, một dân chơi hoa lan có tiếng trong Hội Yêu phong lan Hà Nội, chúng tôi đến vườn lan của anh Nguyễn Văn Hoạt ở Hoài Đức (Hà Nội). Vườn lan rộng trên 200m2 với hàng trăm giò đủ chủng loại treo ngay ngắn, với tường bao, mái lợp chắc chắn. Vườn lan của anh Hoạt có giá lên đến hàng tỉ đồng, trong đó có những giò lan đột biến có giá gần 100 triệu đồng.

Anh Hoạt với giò lan phi điệp đột biến có giá 60 triệu đồng

Anh Hoạt tâm sự: “Một lần ghé vườn lan của nhà người bạn chơi, tôi mua một vài giò về chơi, rồi mê lúc nào không hay. Mới đầu chưa có kỹ thuật chăm sóc nên nhiều cây chết. Cứ nghe ở đâu có hội thi hoa lan là tôi lại lặn lội đi xem. Đi nhiều, gặp nhiều nghệ nhân nên vốn liếng về kỹ thuật chăm sóc, nuôi cấy lan... cũng nâng lên".

Năm 2014, anh Hoạt tham gia Hội Yêu phong lan Hà Nội. “Vào hội phong lan tôi mới hiểu, chơi lan không chỉ là thú vui thuần túy mà còn là một nghề có thể nuôi sống bản thân nếu như thực sự theo đuổi. Được sự góp ý, giúp đỡ của những người bạn, tôi đã xây dựng vườn lan hiện tại”, anh tâm sự.

Dẫn tôi đi tham quan vườn lan anh Hoạt cho biết: “Có rất nhiều loại lan như đai châu, phi điệp, trầm trắng… mỗi loài có một vẻ riêng nhưng độc đáo nhất là dòng lan đột biến. Gọi là lan đột biến vì nó có dáng vẻ độc đáo khác tự nhiên về màu sắc, hình dạng hoa, độ dày của cánh. Lan đột biến mang đến sự kích thích, hưng phấn cho người chơi. Song làm sao xác định được lan đột biến? Có lẽ, phải người trong nghề mới biết”.

Anh Nguyễn Văn Cường, chủ một vườn lan ở phố Thụy Khê, Hà Nội đang sở hữu hơn 50 giò lan đột biến cho biết: “Phải căn cứ vào mùi hương của hoa để nhận diện là lan đột biến. Lan công nghiệp có mùi hương như mỹ phẩm, lan rừng tự nhiên mùi thoang thoảng, dịu ngọt. Khuôn bông, cánh hoa, hình dạng lá lan đột biến cũng rất khác biệt. Nhưng quan trọng nhất là căn cứ vào thời gian nở hoa, ví như loài phi điệp, trầm trắng, mùa ra hoa từ tháng 2 - 3, còn phi điệp, trầm trắng đột biến sẽ nở từ tháng 4 - 7”.

Anh Hoạt cho chúng tôi xem những giò lan đột biến trong vườn. Theo anh, lan phi điệp Ngọc Hân không đột biến sẽ ra hoa tím trắng vào tháng 3, với giá chỉ vài triệu/1 giò. Còn cây đột biến này của anh ra hoa 5 cánh trắng, giá trị của nó được bán theo chiều dài của thân cây, với 3 cành, tổng giá tiền là 60 triệu đồng. Hoặc như chậu đai châu đột biến được tính theo số lá để "ra tiền", lên tới 9 triệu đồng. Anh cũng giới thiệu một giò lan Tam bảo sắc đột biến ra hoa trắng tinh có 20 lá với giá 40 triệu đồng.

Chăm lan phải có nghề

Với người chơi hoa lan quan trọng nhất là tìm được nguồn giống. Hiện nay trên thị trường rất nhiều lan công nghiệp giá rẻ. Người sành chơi thường tìm cho được lan tự nhiên. Anh Phan Văn Thắng chia sẻ: “Khi mới vào nghề trồng lan, tôi ra chợ hỏi mua lan đai châu, người bán hàng mang giò lan đại ra bán nhưng nói là đai châu. Khi mua về trồng thì bạn bè cho biết là mua phải cây giả”.

Có lần anh Hoạt mua được vài giò lan ở tận Điện Biên, mới đầu cho ra hoa rất đẹp nhưng do điều kiện thời tiết không hợp, chưa biết cách chăm sóc nên hoa nở một thời gian là chết, không giữ được nguồn gen. Hiện anh đang tìm mua nguồn lan ở khắp nơi. Nhiều khi chỉ là những mầm bằng đốt tay kiếm được từ Hà Giang, Điện Biên... được các thành viên trong gia đình ngồi ghép với gỗ lũa để cho ra đời nhưng giò lan như ý.

Công đoạn tỉa và ghép lan rất công phu

Anh Hoạt cho biết: "Việc xây nhà giàn, mái che là rất quan trọng, tránh cho cây chịu rét và nóng nhưng phải đảm bảo cây vẫn hứng được sương, gió và nước mưa, bởi phong lan vẫn sống chủ yếu bằng khí trời. Nhiều người lầm tưởng cứ tưới nhiều, bón phân đạm nhiều là tốt nhưng tưới nhiều cây dễ úng, chết ngạt, thối rễ. Nguyên tắc tưới lan là giữa 2 lần tưới gốc cây phải khô, giò ẩm thì không tưới. Lan là loài phát triển chậm nên phải dùng loại phân tưới tan chậm trong 180 ngày và là phân hữu cơ tổng hợp. Mới đầu dùng loại phân kích thích mọc rễ, tăng trưởng, sau 3 tháng kích thích phát triển thân, lá, gần mùa hoa thì kích thích hoa và rễ phát triển".

Được biết anh Hoạt cùng Hội Yêu phong lan Hà Nội thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện. Lúc chúng tôi đến chơi, anh cho biết: “Cả nhóm vừa quên góp được số tiền hơn 50 triệu đồng để ủng hộ cho em Lê Thị Tâm ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được mổ tim tại Bệnh viện Bạch Mai. Năm ngoái nhóm vào tận miền Trung tặng quà các gia đình khó khăn do thiên tai lũ lụt...”.

Chiều xuống, anh Hoạt nhấp chén trà mạn, tay đóm lửa rít khói thuốc lào phả vào không gian, đôi mắt mơ màng nhìn ra vườn lan đang khoe sắc. “Chơi hoa lan chỉ nghĩ đến lợi trước mắt là không được. Cần phải có lòng kiên trì nhiệt huyết, bởi mình có yêu cây thì cây mới đơm hoa khoe sắc”, anh chia sẻ.

Về kinh tế mỗi năm vườn lan cũng cho anh thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng. Nhưng có lẽ điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất đó là có một thú vui tao nhã, không bon chen mà vẫn ung dung giữa cuộc đời.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng