TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUÁT HOA CÂY CẢNH

23/02/2022
25

Hiệu quả kinh tế cao

Vào dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh của nước ta đang chuẩn bị đưa ra thị trường các loại hoa phục vụ nhu cầu của người dân. Đến thăm mô hình trồng hoa của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Châu Giang, chúng tôi được “thực mục sở thị” vườn hoa rộng lớn với nhiều giống khác nhau, những nụ hoa lan hồ điệp to tròn đang vươn mình đón nắng được chăm sóc tỉ mỉ trong nhà lưới chuẩn bị bung cánh hoa đón Tết. Ông Đào Quang Trịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Châu Giang cho biết, nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế lên gấp 2-3 lần so với trồng hoa bằng kỹ thuật thông thường, gấp 5-6 lần so với trồng một số loại cây khác. Từ đó, công ty đã xây dựng được nhiều mô hình trồng hoa giá trị cao, như: Mô hình hoa lan hồ điệp với quy mô công nghiệp, diện tích 6.000m2 (150.000 cây) trong nhà lưới hiện đại, lãi thuần từ 450-500 triệu/1.000m2; mô hình sản xuất hoa đồng tiền với quy mô 4.000m2 (60.000 cây) trong nhà lưới cấp 1 nở hoa theo thời điểm mong muốn, chất lượng hoa cao, đồng đều, lãi thuần đạt từ 200-250 triệu đồng/1.000m2. Sản phẩm hoa của dự án sản xuất ra đều đạt năng suất, chất lượng tốt, hoa đẹp, bền màu, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng.

Người dân chăm sóc hoa tại vườn hoa Tây Tựu, Hà Nội

TS Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, từ năm 2000-2019, giá trị sản lượng hoa, cây cảnh tăng 17,2 lần (đạt 15.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD), mức tăng giá trị thu nhập/ha đạt 2,2 lần (có nhiều mô hình đạt 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm). Thu nhập bình quân trồng hoa, cây cảnh trên cả nước năm 2019 là 350 triệu đồng/ha/năm, gấp gần 4,2 lần so với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt (82-83 triệu đồng/ha/năm).

Khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ

Chia sẻ về khó khăn trong ứng dụng KHCN vào sản xuất hoa, cây cảnh, ông Phạm Văn Dụng (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) cho biết, gia đình ông hiện đang trồng nhiều loại hoa, như: Hoa hồng, hoa cúc... với diện tích khoảng 0,3ha nhưng chủ yếu trồng ngoài trời do thiếu vốn đầu tư KHCN bởi chi phí đầu tư lớn. Nếu xây dựng nhà màng, nhà lưới phải mất hơn 1 tỷ đồng/ha, vượt quá khả năng đầu tư của gia đình. Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, theo TS Nguyễn Văn Tỉnh, nước ta vẫn còn nhiều mô hình hoa, cây cảnh lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chủ yếu là sản xuất ngoài tự nhiên. Tính đến năm 2019, tỷ lệ diện tích hoa, cây cảnh áp dụng tiến bộ khoa học đạt khoảng 45%, diện tích trồng trong nhà có mái che chỉ chiếm 25%, trong khi đó, trồng hoa ngoài trời tỷ lệ rủi ro cao do thời tiết, khí hậu của nước ta diễn biến thất thường cùng sự phát triển của các loại sâu hại.

Hiện nhu cầu của người tiêu dùng luôn hướng đến những chủng loại hoa, cây cảnh mới, lạ, có chất lượng cao (màu sắc đẹp, độ bền hoa lâu, có hương thơm,...). Tuy nhiên, các giống hoa chất lượng cao, mới lạ của nước ta chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là các giống hoa phải nhập ngoại không có bản quyền, trong khi khả năng tạo được giống mới trong nước còn nhiều khó khăn, nếu được đầu tư thích đáng thì phải ít nhất 5 năm sau nước ta mới có thể chủ động tạo ra những giống mang thương hiệu “made in Việt Nam”.

Để ngành sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đưa ngành sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn. Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu của Nhà nước một mặt mua bản quyền một số giống hoa, cây cảnh có giá trị, mặt khác cần liên kết với doanh nghiệp để tạo ra nhiều giống hoa, cây cảnh chất lượng cao. Cùng với đó chú trọng cải tiến và nhân các giống hoa bản địa; nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới để tiến tới xây dựng thương hiệu hoa Việt Nam.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, cần tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển ngành hoa, cây cảnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng KHCN cho người dân. Các trường đại học về nông nghiệp cần đổi mới công tác đào tạo kỹ sư, cán bộ nghiên cứu về hoa, cây cảnh theo hướng liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp, tăng cường gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành để cung cấp cho xã hội nhân lực có trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.                                                                                                                                                                   Nguồn:www.favri.org.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng