TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 trong lĩnh vực làm vườn

22/07/2019
23

Hiện nay, khái niệm “môi trường sống xanh” đang được tôn vinh với không gian sống đúng nghĩa nhiều màu “xanh” đang rất phổ biến tại các đô thị. Nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, công nghệ làm vườn cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ bằng việc đưa vào các ứng dụng thông minh.

Thiết kế cảnh quan là lĩnh vực tạo dựng không gian mở còn lại giữa các công trình, làm cho không gian đó đẹp hơn nhờ các giải pháp thiết kế, sự kết nối tinh tế giữa các vật liệu liên quan và kết hợp công nghệ trong ứng dụng, vận hành.

Để có một thiết kế cảnh quan đúng chuẩn phải cần đến chuyên môn của nhóm ngành nghề như kiến trúc với kiến thức về bài trí cảnh quan, vật liệu; ngành nông lâm nghiệp với kiến thức về cây trồng; sự phối hợp của các chuyên gia từ điêu khắc, ánh sáng, hệ thống tưới, cấp thoát nước. Ngoài ra, công nghệ làm vườn cũng là một phần quan trọng trong chuỗi tạo dựng cảnh quan và thường được nhìn thấy trong các công trình như hệ thống tiểu cảnh, cây xanh, hồ nước...

Xu hướng thiết kế và ứng dụng công nghệ làm vườn thông minh đang phát triển tại Việt Nam

Tọa đàm “Xu hướng mới nhất trong thiết kế cảnh quan và công nghệ làm vườn” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia hàng đầu trong ngành nông nghiệp, các kỹ sư về thiết kế, kiến trúc nhận định, xu hướng về thiết kế cảnh quan và ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, rau, quả, hoa, cây cảnh là những ngành hàng của Việt Nam có tiềm năng cạnh tranh rất lớn trên thị trường quốc tế. Nhờ điều kiện đất đai và khí hậu đa dạng, rau, quả, hoa cây cảnh của Việt Nam có nhiều chủng loại với khoảng 120 loại rau và 40 loại cây ăn quả, khoảng 30 chủng loại hoa chính được thu hoạch theo các mùa, vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam - cho biết, ngành sản xuất rau, quả, hoa cây cảnh đa số là nhỏ lẻ, phân tán, rất khó khăn cho việc quản lý, chỉ đạo và giám sát chất lượng rau theo quy định, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Tổ chức sản xuất rau, quả, hoa cây cảnh theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế; số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm rau, quả, hoa cây cảnh còn ít.

Trước thực trạng này, theo PGS.TS Đặng Văn Đông, cần tiếp tục thực hiện quy hoạch các chủng loại rau, quả, hoa cây cảnh chủ lực trồng tập trung để có thể dễ dàng áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao; ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học đối với các loại rau, quả, hoa, cây cảnh chủ lực trồng tập trung từ chọn tạo giống (giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu; chống chịu sâu bệnh hại và thích ứng biến đổi khí hậu), đến quy trình thâm canh.

Ngoài ra, cần có cơ chế tích tụ ruộng đất để khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị rau, quả, hoa cây cảnh chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua; xây dựng và phát triển các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả, hoa cây cảnh nhằm hỗ trợ cung cấp các thông tin thị trường cho người sản xuất và thực hiện; duy trì tốt quan hệ, có sự trao đổi thường xuyên và cần có sự tổng kết sau mỗi giai đoạn để rút ra những bài học kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại…

Đặc biệt, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh để phát triển sản xuất cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh là hết sức quan trọng. Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.

Nền tảng của nông nghiệp 4.0 là sự kết hợp của nông nghiệp chính xác và các tiến bộ trong công nghệ thông tin nhằm chia sẻ các dữ liệu về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình canh tác, từ đó đưa ra phương án sản xuất tối ưu. “Các công nghệ chính xác được sử dụng trong nông nghiệp mang lại cho người nông dân khả năng quản lý các yếu tố đầu vào trong canh tác một cách chính xác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống. Các nhân tố đầu vào càng được sử dụng hiệu quả sẽ mang đến năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn, nhiều lợi ích về mặt môi trường” - ông Đông nhấn mạnh.

Thiết kế cảnh quan và công nghệ làm vườn đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà thiết kế

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng một bức tranh toàn diện về xu hướng thiết kế cảnh quan, sắp tới, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế công nghệ làm vườn và cảnh quan. Đây là một trong ba triển lãm tiêu biểu dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 750 doanh nghiệp trên diện tích trưng bày 800 gian hàng đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, triển lãm sẽ có khu trưng bày với mô hình khác biệt của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Thiết kế, tư vấn, thi công cảnh quan: khu đô thị, công viên, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, bệnh viện, trường học quốc tế; sản xuất, kinh doanh và phân phối các vật liệu trang trí: chất liệu gỗ, tre, nứa, đá điêu khắc, gạch gốm, sứ; cung cấp thiết bị và công nghệ làm vườn như thiết bị xử lý nước, tưới tiêu, máy cắt cỏ, hút bụi, phun sương, gieo hạt, …

Triển lãm kỳ vọng sẽ kết nối những chuyên gia đầu ngành, những doanh nghiệp, những người đam mê tạo động lực cho ngành cảnh quan “phát triển xanh” và dần đưa công nghệ làm vườn là một ngành “sáng tạo” và là xu thế tất yếu trong cuộc sống của người dân.

Nguồn: congthuong.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng