TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Tin vui cho những nhà vườn trồng hoa lay ơn

14/02/2024
83

         Ngày 5/2 vừa qua, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, tổ chức đánh giá mô hình sản xuất và phát triển giống hoa lay ơn Việt Hà 01 gieo trồng tại xã Bình Khê. Đây là giống hoa mới, được Trung tâm Nghiên cứu Hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) lai tạo từ nguồn giống lay ơn trong nước với giống lay ơn Hà Lan nhập nội.

Hội thảo đánh giá giống hoa lay ơ Việt Hà 01 trồng thử nghiệm tại xã Bình Khê

       Giống hoa lay ơn Việt Hà 01 đang được trồng thử nghiệm tại một số địa phương, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang,...  có đặc điểm cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu tốt với bệnh sinh lý khô đầu lá, tỷ lệ mọc mầm rất cao (đạt 99%).

       Trong điều kiện đồng bằng sông Hồng, thời gian từ trồng đến xuất hiện ngồng hoa khoảng 60 - 65 ngày, từ trồng đến thu hoạch rộ 82 - 85 ngày; trổ bông đồng đều và khá tập trung, tỷ lệ trổ bông/số cây trồng đạt 98%; cây cao trung bình 135 - 150cm; số hoa/1 cành đạt trên 12 hoa, đường kính cành hoa lớn (1,1 - 1,2cm), bông hoa to (đường kính 10,5 - 11,2cm), dễ vận chuyển đi xa.

       Sắc hoa màu hồng cam, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Khi nở, 5 - 6 nụ hoa trên cành cùng lên màu, rất đẹp. Đây là một trong các đặc tính ưu tú vượt trội của lay ơn Việt Hà 01 so với các giống hoa lay ơn phổ biến trong nước. Đồng thời độ bền sử dụng hoa cũng rất cao (8-10 ngày). Đặc biệt có thể nhân giống lay ơn Việt Hà ở Việt Nam, giúp giảm ngoại tệ cho nhập khẩu củ giống.

Giống lay ơn Việt Hà 01 cho hoa màu hồng cam

       Ông Nguyễn Văn Cần, Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Bình Khê (thị xã Đông Triều) cho biết, giống lay ơn Việt Hà 01 được Viện Nghiên cứu Rau quả đưa vào sản xuất tại địa phương trong năm 2023, sau trồng cây sinh trưởng phát triển rất khoẻ, không bị khô đầu lá như các vườn lay ơn khác, nên rất nhiều gia đình xin tham gia mô hình các năm sau và còn muốn được hỗ trợ mua giống siêu nguyên chủng, để nhân trồng, chớp thời cơ mở rộng diện tích sản xuất, tăng lợi nhuận.

       Ông Đỗ Văn Cương ở thôn Dọc Mản (xã Bình Khê) tham gia mô hình ngay từ đầu vụ, nên trồng nhân giống và sản xuất thử được 2.500m2 lay ơn Việt Hà 01, dù thời tiết vụ đông trong năm rất cực đoan, trời âm u kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài, cây hoa không phát triển được và bị nhiễm nhiều sâu bệnh, nhất là bệnh khô đầu lá sinh lý, nhưng ruộng lay ơn trong mô hình của ông Cương vẫn phát triển tốt, không bị khô đầu lá sinh lý, hiệu quả sản xuất đạt rất cao. Trong khi đó, những diện tích lay ơn trồng giống cũ đều bị khô đầu lá, gây thất thu tới 70 - 80%.

Thu hoạch hoa lay ơn Việt Hà 01 tại gia đình ông Cương

       Cùng tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn Triệu Thông (xã Bình Khê) cũng trồng nhân giống và sản xuất thử nghiệm được 2.500 m2 hoa và cũng thu được lợi nhuận cao. Ông Hoan phấn khởi kể, những năm trước ông phải lặn lội khắp nơi mới mua được giống lay ơn nhập ngoại, về trồng vẫn không tránh được bệnh khô đầu lá sinh lý, gây hại mất 40 - 50% diện tích, nên sản xuất ít khi có lãi. Năm nay trồng giống Việt Hà 01, cây cao, to gần gấp đôi so với các giống hoa đối chứng, đặc biệt là không bị khô đầu lá, ruộng lay ơn xanh đẹp từ mọc mầm đến thu hoạch. "Năm sau tôi sẽ thuê thêm ruộng cho trồng lay ơn Việt Hà 01 để sớm có thêm thu nhập", ông Hoan nói chắc nịch.  

       Bà Lưu Thị Dương, Phó phòng Kinh tế thị xã Đông Triều nhận xét, Bình Khê là xã có truyền thống sản xuất hoa lay ơn, diện tích trồng thường xuyên đạt trên 100ha, được coi là cây trồng mang về nguồn thu nhập chính cho các hộ trên địa bàn. Nhưng nhiều năm lại đây, các cây hoa này đều bị bệnh khô đầu lá rất nặng, chưa tìm được giải pháp khắc phục, nay có giống lay ơn Việt Hà 01, qua gieo trồng thực tế, không bị khô đầu lá sinh lý, có thể coi là "cứu cánh" cho các nhà nông, giúp duy trì ổn định nghề trồng hoa lay ơn của địa phương.

Ruộng giống hoa lay ơn cũ (đối chứng) sinh trưởng phát triển rất chậm, bị bệnh khô đầu lá sinh lý gần 100%

       TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Viện Nghiên cứu Rau quả (tác giả chính giống lay ơn Việt Hà 01) khuyến cáo: Khu vực đồng bằng gieo trồng từ tháng 9 - 11. Vùng núi, nơi có khí hậu mát mẻ, trồng được quanh năm.

       Trồng 1 sào (360m2) lay ơn Việt Hà 01, cần làm đất, lên luống, xẻ rạch và bón lót 100kg phân chuồng hoai mục, 30 kg vôi bột; mật độ trồng 6.500 củ, cây cách cây 22cm, hàng cách hàng 25cm; bón thúc 35kg NPK (13-13-13) chia làm 3 lần từ sau trồng 15 ngày, 25 ngày và 35 ngày; phun GA3 150ppm (10g/10l nước) khi cây đạt 50 ngày tuổi, sau đó phun định kỳ 7 ngày/lần cho đến khi ngồng hoa trỗ thoát khỏi bẹ lá; khi lay ơn chuẩn bị có ngồng hoa cần vun cao gốc, cắm dàn chống đổ cây.

       Theo dõi và phun thuốc phòng trừ kịp thời sâu xanh, sâu xám, bệnh khô vằn, đốm lá định kỳ 10 ngày/lần. Sử dụng các hoạt chất Emamectin 2% hoặc Abamectin 3,6%, Permethrin 50%, Hexaconazole 5%, Fenoxanyl 20%.

       Để có được bông hoa lay ơn đẹp, nên chọn những cây hoa còn củ đính kèm, cành mập và cứng, dài khoảng 1,2m, lá tươi màu xanh đậm, không có vết sâu bệnh, nhất là bệnh đốm sọc và khô đầu lá sinh lý. Trên cành có từ 10 nụ hoa trở lên, đoạn cành mang hoa càng dài càng tốt, nụ hoa phải to và sáng lên sắc màu đặc trưng của giống.

       Sau mua hoa về, dùng dao sắc phạt bỏ gốc, loại bỏ 2-3 lá cây dưới cùng, cắm gốc cành ngập sâu 20cm trong nước sạch trong lọ hoặc bình và để nơi ít gió lùa, định kỳ 2 ngày/lần thay mới nước lọ hoa. Thực hiện theo cách này, lọ hoa lay ơn mua chơi sẽ được trên 10 ngày.   

Nguồn: Nguyễn Hải Tiến- nongnghiep.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng