TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Triển khai hai dự án KH&CN về Mai vàng, hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam

28/12/2021
20

Từ lâu, cây Mai vàng đã trở thành nét đặc trưng riêng biệt của xứ Huế, tuy nhiên Mai vàng Huế vẫn chưa được chú trọng đầu tư nghiên cứu, nhiều gốc Mai vàng Huế, nguồn gen bị lai tạp và mất đi. Vì vậy, việc “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế” sẽ mở ra hướng đi mới góp phần khôi phục và phát triển Hoàng mai Huế, đóng góp sự thành công trong việc triển khai, thực hiện Đề án “Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam".

Sáng ngày 27/12/2021, Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị triển khai 02 đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh và đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế” do Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam đồng chủ trì phối hợp thực hiện.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế; TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN; PGS. TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Rau quả, TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Giám đốc Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở KH&CN; Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; Trung tâm Công viên cây xanh Huế; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong; Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam; Hội sinh vật cảnh tỉnh Thừa Thiên Huế và các phòng Kinh tế và hạ tầng của các huyện, thị xã.

Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được các đặc điểm sinh học, hình thái của các loại Mai vàng hiện hữu tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Phân biệt được giống Mai vàng Huế với giống Mai vàng khác; Biết được sự phân bố, những yếu tố văn hóa, lịch sử gắn với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giống Mai vàng Huế, cũng như mối quan hệ di truyền với Mai vàng khác; Xây dựng được bộ chỉ thị phân tử đặc trưng để nhận dạng giống Mai vàng Huế cũng như xây dựng các quy trình nhân giống, sản xuất Mai vàng Huế.

Nội dung nghiên cứu đề tài sẽ tập trung điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố các giống Mai vàng ở Thừa Thiên Huế và số hóa dữ liệu bản đồ phân bố Mai vàng Huế; Đánh giá tính đa dạng (mối quan hệ di truyền) và cấu trúc quần thể của Mai vàng ở Thừa Thiên Huế và nghiên cứu xác định bộ chỉ thị phân tử để nhận dạng giống Mai vàng Huế; Nghiên cứu đặc điểm hình thái học và sinh thái học để nhận biết giống Mai vàng Huế; Nghiên cứu các giải pháp bảo tồn Mai vàng Huế và xây dựng phương án, kế hoạch bảo tồn 100 cây Mai vàng Huế có tuổi đời trên 50 tuổi; Nghiên cứu tuyển chọn các cây Mai vàng Huế có đặc tính điển hình để làm nguồn giống đầu dòng. Từ đó, xây dựng hồ sơ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở bảo tồn và lưu giữ được nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu và nhân giống; xây dựng bộ nhận dạng giúp phân biệt được cây Mai vàng Huế với các loại mai khác tạo nên một sản phẩm đặc hữu, riêng biệt cho địa phương. Qua đó, đây là cơ sở để phát triển ngành sản xuất hoa Mai vàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội.

TS. Hồ Thắng phát biểu khai mạc tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN đã chỉ rõ sự cần thiết, vai trò và lợi ích của đề tài này trong việc bảo tồn phát triển nguồn gen giống Mai vàng Huế và xác định “Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” trên nền tảng khoa học. Nhằm thực hiện tốt đề án đó, Sở KH&CN đã tham mưu UBND triển khai 02 đề tài về “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế” và đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Kết quả của 02 công trình nghiên cứu trên sẽ là cơ sở khoa học để phân biệt Mai vàng Huế với các loại Mai vàng trên cả nước, đồng thời là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý Mai vàng Huế, từng bước đặt nền tảng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.

Giải pháp xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam

Làm thế nào để Mai vàng Huế phát triển, nổi tiếng như hoa Anh đào Nhật Bản đó là câu hỏi của đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đặt ra tại buổi tham luận.

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đặt vấn đề tại buổi tham luận.

Trình bày tại phiên tham luận, PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Rau quả, chủ nhiệm đề tài cho biết cho biết: “Để phát triển cây Mai vàng Huế trở thành một thương hiệu nổi tiếng như xứ sở hoa Anh đào Nhật Bản cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá toàn bộ nguồn gen của giống Mai vàng. Lựa chọn những cây Mai vàng lâu năm nhất, tốt nhất và tiến hành nghiên cứu các quy trình nhân giống, quy trình trồng và chăm sóc để giúp người dân Huế phát triển cây Mai vàng thành sản phẩm hàng hóa, hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế. Để đề tài thành công, hy vọng các cơ quan, ban ngành sẽ cùng đồng hành, phối hợp tổ chức các lễ hội Festival hoa mai, tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh Mai vàng xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng Việt Nam”.

PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả phát biểu tại buổi tham luận.

Bàn về các giải pháp để xây dựng và phát triển Mai vàng xứ Huế, ông Đồng Sĩ Toàn - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Huế đề nghị: Nhóm nghiên cứu nên sớm tìm các nguồn giống trên 50 tuổi, trước khi nguồn gen biến mất, cần có cách chính sách để bảo vệ, bảo tồn nguồn giống Mai vàng. Theo đó, mở rộng hướng tiếp cận, quy hoạch vùng, hình thành phát triển không gian vườn mai phục vụ cho du lịch. Bên cạnh đó, cần có chính sách vận động, phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” khuyến khích người dân đưa cây mai ra các tuyến đường, tuyến phố nhằm tạo điểm nhấn cảnh quan, không gian xanh trên vùng đất Cố Đô.

Ông Trần Hữu Thùy Giang đóng góp ý kiến tại buổi tham luận.

Tham gia góp ý tại buổi tham luận, ông Trần Hữu Thùy Giang -  Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị ban chủ nhiệm đề tài: Ngoài việc nghiên cứu, xây dựng các phương án, kế hoạch bảo tồn nguồn gen, xây dựng thương hiệu Mai vàng cho Huế cần duy trì tính bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đối với những hộ dân trồng mai. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, của bà con, họ được hưởng lợi cái gì? Vì vậy, khi ra mô hình phải gắn liền với du lịch, gắn với nông nghiệp và thực tế của người dân địa phương.

Bàn về các phương hướng phối hợp, triển khai các dự án nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong việc phát triển xứ Mai vàng, đại diện Chi cục Kiểm lâm cho rằng: “Việc thực hiện đề tài này có ý nghĩa rất lớn đóng góp cho việc thực hiện đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đây, hi vọng đơn vị chủ trì phối hợp chặt chẽ với Sở Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm để lựa chọn địa điểm phù hợp với sự quy hoạch ban đầu, lồng ghép được các nguồn vốn để đảm bảo triển khai hiệu quả”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Ngọc Thọ đã khẳng định Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện để phát triển cây Mai vàng Huế trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa Anh đào Nhật Bản. Theo đó, cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể: Phải xây dựng được thương hiệu giống Mai vàng Huế thông qua việc quảng bá, tổ chức các Lễ hội Hoàng mai Huế mang tầm Quốc gia. Để làm được điều này, điều tất yếu phải có các giống Mai Huế, phải đánh giá được giống Mai nào là chủ đạo để nghiên cứu và phát triển. Quy hoạch các khu vực trồng Mai vàng phù hợp, phát triển hình thành các vườn mai lớn, các rừng mai. Triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm bảo tồn lưu giữ và phát triển giống cây Mai vàng Huế, cần phải đi thực tiễn để lấy được các giống cây cổ, lâu năm. Đồng thời phải có sự vào cuộc của các địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong việc vận động, thuyết phục người dân bảo vệ giống Mai vàng Huế. Về hướng đi lâu dài, cây Mai vàng phải trở thành một sản phẩm công cộng, một loại hàng hoá tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua xây dựng bản sắc văn hoá Huế, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh.  

“Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam là một việc làm lâu dài, kiên trì. Đòi hỏi mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu bài bản, đặt hết tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và trí tuệ để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan, thân thiện với môi trường”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Tỉnh – Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh

Kiều Oanh – Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng