TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Trồng sen lấy củ-Hướng phát triển mới tại Việt Nam

07/08/2019
152

Cây hoa sen (Nelumbo nucifera), là một trong những loài hoa đẹp, dễ trồng và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: trồng làm cảnh, lấy hoa trang trí, làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh.... Cây hoa sen còn đi vào lịch sử, thơ ca, hội họa và đặc biệt với vẻ đẹp và ý nghĩa thanh tao, thuần khiết, hoa sen đã được một số quốc gia lựa chọn làm Quốc hoa như Ấn độ, Ai Cập.

Trên thế giới, dựa vào mục đích sử dụng mà các giống hoa sen được phân làm ba nhóm chính đó là: sen trồng lấy hoa, sen trồng lấy hạt và sen trồng lấy củ. Trong đó, nhóm giống sen trồng lấy củ được quan tâm phát triển, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Tại Nhật Bản, trung bình mỗi năm thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 90.000-100.000 tấn củ sen. Trong khi đó, sản lượng củ sen sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên từ năm 2012, Nhật Bản phải nhập khẩu củ sen đã qua chế biến từ Trung Quốc (khoảng 20.000 tấn/năm). Theo số liệu thống kê của Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp của Nhật về lượng củ sen nhập khẩu vào nước này giai đoạn 2013 – 2017, thì hầu hết là đến từ Trung Quốc (chiếm trên 99%).

Tại Trung Quốc, diện tích trồng sen lấy củ vào khoảng hơn 250.000 ha, sản lượng trên 3 triệu tấn củ/năm. Giống sen lấy củ được trồng tập trung thành các khu ruộng sản xuất với thời vụ thu hoạch củ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau. Hiện nay có 2 tỉnh sản xuất sen lấy củ nhiều nhất tại Trung Quốc là Vân Nam và Hồ Bắc. Tại Vân Nam, củ giống sen được sản xuất chủ yếu để bán dưới dạng sản phẩm tươi cho các nhà hàng, trong khi tại Hồ Nam, củ giống sen sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho các công ty để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm như: chè sen, cháo sen, bột sen….

Các món ăn thông thường được chế biến từ củ sen tươi

Sản phẩm chè sen, cháo sen qua chế biến

Tại Tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, sen được trồng nhiều nhất tại 2 huyện Kiến Thủy và Thông Hải. Giống sen trồng lấy củ là giống có hoa màu trắng, lá dày, to tròn, sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh cao, năng suất củ tươi đạt 2 tấn/667m2. Một năm trồng 2 vụ: Vụ Đông xuân (tháng 2 - tháng 3 dương lịch) và vụ Hè thu (tháng 7 - tháng 8 dương lịch). Mật độ trồng là 10.000 củ/ha. Mực nước thích hợp khi trồng là từ 15 - 20 cm.

Thời điểm thu hoạch củ giống là khi thấy lá sen bắt đầu chuyển màu nâu (5 - 6 tháng sau trồng). Củ giống sau khi thu hoạch được đều được các thương lái đến thu mua ngay tại ruộng với giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đ/kg, hiệu quả kinh tế đạt cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa. 

Ruộng trồng Sen củ tại Huyện Kiến Thủy – Vân Nam – Trung Quốc

Củ sen được thu hoạch từ ruộng

Ở Việt Nam, cây sen được trồng nhiều trong các ao hồ với mục đích chủ yếu là lấy hoa và lấy hạt. Tổng diện tích trồng sen ở nước ta hiện tại ước tính trên 3.000 ha, tập trung ở một số tỉnh như: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Nam Định, Huế và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Bến Tre). Riêng diện tích trồng sen ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 2/3 tổng diện tích cả nước với sản lượng bình quân đạt 4 - 5 tấn hạt/ha.

Trong 2 năm trở lại đây, một số tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã bắt đầu chuyển hướng sang trồng giống sen lấy củ để cung cấp cho thị trường Nhật Bản với số lượng không đáng kể, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,03%.

Như vậy, có thể nói rằng sản xuất hoa sen nếu biết khai thác triệt để những tác dụng của cây hoa sen thì sản phẩm tạo ra không chỉ đơn thuần là để trang trí mà còn có thể dùng làm thực phẩm, làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành nghề chế biến khác thậm chí là làm du lịch sinh thái.

Việt Nam, với khí hậu tương tự như ở Trung Quốc và kinh nghiệm trồng sen có từ lâu đời hoàn toàn có thể sản xuất hoa sen lấy củ và đây là một hướng đi mới phù hợp, giúp gia tăng giá trị của nghề sản xuất hoa sen lên gấp nhiều lần.

Hy vọng trong tương lại gần, Việt Nam sẽ có những vùng chuyên canh sản xuất sen lấy củ như hai vùng Kiến Thủy và Thông Hải, đồng thời có những những nhà máy chế biến các sản phẩm từ củ sen, mang thương hiệu Việt Nam phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Nguồn: favri.org.vn

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng