TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

Việt Nam ùn ùn nhập giống lily, Hà Lan "choáng"

25/02/2016
37

Đó là thông tin được PGS.TS.Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương đưa ra  tại Diễn đàn Khuyến nông@nông nghiệp chủ đề: Liên kết nghiên cứu, sản xuất hoa - cây cảnh theo chuỗi giá trị do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương tổ chức.

Tiềm năng lớn

Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, hoa - cây cảnh được đánh giá là một ngành hàng chủ lực, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Miền Bắc nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ngành hoa, sản xuất hoa - cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại dễ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao. Tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh cả nước theo số liệu thống kê đến năm 2014 là 34.978ha, được phân bố khá đều ở 2 miền Nam, Bắc. Diện tích cây cảnh, cây thế, cây bonsai ở phía Bắc cao gấp đôi các tỉnh phía Nam (8.172,4ha và 4.133,8 ha). Thu nhập bình quân của nghề trồng hoa, cây cảnh trên cả nước là 285 triệu đồng/ha, so với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82-83 triệu đồng/ha thì mức thu nhập này cao gấp 3,5 lần. Thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm gần đây (2005-2015), diện tích hoa đã tăng 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 50 triệu USD, hình thành nhiều mô hình đạt giá trị thu nhập từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha.

Nghề trồng hoa - cây cảnh của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác

Tuy nhiên, ông Định cũng nêu một thực tế, kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh ở nước ta còn khá lạc hậu so với các nước trong khu vực, chủ yếu vẫn sản xuất ngoài tự nhiên. Năm 2011, tỷ lệ hoa, cây cảnh áp dụng tiến bộ khoa học chỉ đạt khoảng 35%. Diện tích trồng hoa, cây cảnh trong nhà có mái che chiếm 12%, tỷ lệ này có gia tăng đáng kể trong vòng 2-3 năm gần đây nhờ chính sách hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là chính sách về áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt. Nhiều giống hoa chọn lọc, nhập nội và tuyển chọn đã được công nhận như các giống hoa loa kèn, hoa hồng, hoa cúc, lan hồ điệp, địa lan… Tuy vậy, giống hoa, đặc biệt là các loại hoa cao cấp, hoa văn phòng, hoa chậu… vẫn chưa được chủ động sản xuất mà phần lớn nhập nội.

Kết quả điều tra nhu cầu thị trường hoa Việt Nam, cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tăng bình quân 9%/năm, giai đoạn 2011-2015 tăng trên 11%. Mức tiêu dùng hoa, cây cảnh trung bình của người dân đô thị năm 2000 là 25.000 đồng/người/năm, năm 2014 là 130.000 đồng/người/năm. Ở nông thôn, mức độ tiêu dùng tương ứng chỉ bằng 20% so với đô thị, và mức tăng bình quân về cầu là 15%. Các loại hoa thông thường, rẻ tiền được tiêu thụ quanh năm và tập trung vào giữa và cuối tháng phục vụ nhu cầu tâm linh, mức tiêu thụ đặc biệt cao trong các dịp lễ hội hoặc sự kiện trọng đại và tăng rất lớn vào cuối năm, mùa cưới và Tết âm lịch. Thị trường cây cảnh, cây thế, cây bon sai, cây lá màu cũng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu trồng ở công sở, khu đô thị mới, dải phân cách đường giao thông lớn. Tuy nhiên, việc tổ chức thị trường trong cả nước chưa bài bản và chưa có các chợ đầu mối giao dịch lớn, các chợ họp theo phiên thường là tự phát.

Còn theo đánh giá của GSTS.KH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Châu Á - Thái Bình Dương, địa hình và khí hậu Việt Nam đã tạo ra cho đất nước ta hàng nghìn loài hoa cây cảnh thuộc rất nhiều họ. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới thì những năm 1950, kim ngạch mậu dịch hoa, cây cảnh trên thế giới chưa đến 3 tỷ USD, thì đến năm 1985 đã lên 15 tỷ USD, năm 1990 là 30,5 tỷ USD, năm 2015 đã lên gần 200 tỷ USD. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng sản xuất kinh doanh nghề hoa - cây cảnh.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học nông nghiệp cho rằng, mặc dù Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng hoa khá lớn, tương đương với Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 5 châu Âu về lĩnh vực này, tuy nhiên, kim ngạch XK hoa so với các cây trồng khác là không đáng kể, hiện chỉ có 60 triệu USD trong tổng số hơn 30 tỷ USD XK nông lâm thủy sản, và cũng không đáng kể so với tổng thương mại hoa 130 tỷ USD của thế giới. Trong khi, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển thành một cường quốc sản xuất và XK hoa. Nhưng chúng ta chưa đạt được điều này là vì, chúng ta chưa phát triển ổn định và bền vững ngành hoa theo cách tiếp cận chuỗi giá trị. Chưa sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Nhà nước chưa coi hoa là sản phẩm chủ lực, chưa có các chính sách quan tâm đầu tư thỏa đáng cho ngành trồng hoa.

Vẫn còn nhiều thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là nông dân vẫn trồng tự phát theo phong trào, chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo PGS.TS.Đặng Văn Đông, thất bại của những người trồng hoa lily mùa Tết năm 2016 một phần do thời tiết diễn biến thất thường nhưng cũng có nguyên nhân do phát triển quá nhanh về diện tích khiến khi hoa nở đồng loạt, thị trường tiêu thụ không kịp.

Ông Đông nêu một thông tin, thắng lợi lớn từ những vụ Tết vài năm trước, thời gian gần đây, nhu cầu nhập giống hoa lily từ Việt Nam tăng đột biến, khiến nguồn cung cấp bên Hà Lan "choáng", có thời điểm còn không đủ hàng để đáp ứng. Nhiều kho lạnh vốn dùng để bảo quản khoai tây giống đã phải nhường chỗ cho lily. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, diện tích hoa lily cũng tăng chóng mặt từ năm 2010 trở lại đây, từ 2,5ha (năm 2010) lên 260ha hiện nay. Trong khi đó, đây là giống cây khó trồng, chi phí đầu vào lớn, chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể khiến nông dân mất trắng. "Nếu bà con không áp dụng công nghệ hiện đại trồng rải vụ mà chỉ tập trung vào vụ Tết thì nguy cơ thua thiệt sẽ rất rõ", ông Đông nói.

 Ngoài ra, thách thức về giống cũng khiến ngành hoa - cây cảnh phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Hiện, hầu hết các giống hoa có chất lượng tốt đều phải nhập khẩu từ nước ngoài như vạn thọ từ Pháp, các giống lan từ Thái Lan… Hiện nay cơ sở nhân giống lan bằng phương pháp cấy mô được thành lập ở TP.HCM đều sản xuất quy mô nhỏ như Viện Sinh học nhiệt đới, Trung tâm Nghiên cứu giống, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Công ty CP Phong Lan nên lượng giống không đủ cung ứng cho người trồng. Chính vì vậy, giá cây giống còn cao, như cây giống hoa lan Mokara từ 35-40 nghìn đồng/cây.

Còn ở các tỉnh phía Bắc, thì nhân giống nuôi cấy mô chủ yếu là lan hồ điệp, tuy nhiên vẫn chỉ cung ứng được 15-20%, còn lại vẫn phải nhập từ Đài Loan hoặc Trung Quốc. Nguồn cây giống cây cảnh Việt Nam khá phong phú, có nhiều loại hoa đẹp, thế nhưng chưa thật sự có bước đột phá về nhân giống, chủ yếu vẫn nhân giống thủ công, nên chất lượng không đồng đều do chưa qua khâu tuyển chọn, chưa áp dụng được các thành tựu công nghệ sinh học để tạo những giống mới. Trong khi đó, các nước trong khu vực đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này. Ví dụ, Thái Lan đã lai tạo nhiều giống dương xỉ với các kiểu dáng có tính thẩm mỹ cao.

Thách thức thứ ba là về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, tạo hình. Trồng hoa, cây cảnh có yêu cầu thâm canh cao. Việc ứng dụng KHKT là yếu tố quan trọng để tạo ra chất lượng cây trồng. Đối với cây cảnh, kỹ thuật canh tác, tạo hình để tạo nên những sản phẩm có độ đồng đều cao, mang giá trị thẩm mỹ là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, sản xuất cây cảnh vẫn còn canh tác chủ yếu theo kinh nghiệm và truyền thống gia đình, chưa áp dụng rộng rãi những biện pháp tiên tiến nên chất lượng sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên. Hầu hết các nghiên cứu về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại hoa cây cảnh, trong đó có hoa phong lan đều không được đề cập đến, chủ yếu là các quy trình được xây dựng từ tài liệu nước ngoài và kinh nghiệm thực tế. Kỹ thuật bảo quản và dịch vụ còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh xuất khẩu hoa cây cảnh. Thách thức về thị trường cạnh tranh ngày càng lớn...

Một trong những vấn đề khá đau đầu hiện nay là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng cho sản xuất, chưa có sự kết nối giữa các nhà sản xuất với nhau và giữa các nhà sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trong các năm qua, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp, HTX và chủ trang trại mới chỉ chú ý khâu đầu vào, đó là cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật mà chưa chú ý đến khâu then chốt là đầu ra. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào mắt xích “đầu ra” trong chuỗi giá trị sản phẩm còn quá ít về số lượng và rất yếu về năng lực, trình độ, thiếu chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng hoa sản xuất nhiều nhưng nhiều loại vẫn chưa đến tay người tiêu dùng. Mặc dù ở miền Bắc đã hình thành rất nhiều các cơ sở sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh nhưng chưa có một tổ chức nào đứng ra liên kết với các đơn vị này với nhau để tạo thành một hệ thống liên kết không chỉ trong khâu sản xuất, mà cả khâu tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là hệ thống liên kết giữa “quản lý-khoa học – sản xuất – tiêu thụ sản phẩm” để vừa nâng cao giá trị sản xuất vừa phát triển ổn định bền vững.

Trước thực tế này, ông Đông cho rằng, cần phải tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Song song với đầu tư cho sản xuất, rất cần chú ý đầu tư cho việc tiêu thụ sản phẩm. Luôn xác định nếu chỉ lo đầu vào mà không chú ý đến đầu ra sẽ bị tắc chuỗi giá trị. Đầu tư cho tiêu thụ sản phẩm phải đầu tư cả hạ tầng (kho chứa, xe vận chuyển), đầu tư quảng cáo sản phẩm, và đầu tư để nâng cao trình độ marketing cho người làm công tác tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: Kintenongthon

 

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng