TextBody

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH

Center for Flowers, Ornamentals Research and Development

Tiếng Việt English

"Vương quốc hoa đỗ quyên Việt Nam" ở Sa Pa

14/08/2017
88

Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2002, nằm ở độ cao từ 1.000-3.000m so với mặt biển trên dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa bàn các huyện Than Uyên, Phong Thổ tỉnh Lai Châu và huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Vườn được chọn là một Trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loàì thực vật của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2006, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Theo các nhà khoa học, cây đỗ quyên có nguồn gốc ôn đới, mọc tự nhiên và sinh trưởng tốt tại các vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới. Đỗ quyên là loài thực vật có hoa thuộc họ thạch nam, là một chi lớn, với khoảng 850 - 1.000 loài, hầu hết các loài đều có hoa rực rỡ, với đủ màu sắc. Trong các loài đỗ quyên có 28 loài cho hoa và dáng đẹp, trồng làm cảnh như đỗ quyên mộc, đỗ quyên cành thô, đỗ quyên lá sóng, đỗ quyên nhọn, đỗ quyên quang trụ...; có 5 loài hoa đỗ quyên cho sản phẩm làm thuốc chữa bệnh gồm: Đỗ quyên hoa cánh trắng lớn, đỗ quyên hoa đỏ, đỗ quyên nhỏ hoa trắng, đỗ quyên sim, đỗ quyên hoa nhỏ trên đá.

Cây đỗ quyên có đặc điểm mọc thành từng bụi và tập trung, loại nhỏ có chiều cao từ 10 - 100cm. Loài lớn nhất được ghi nhận cao tới 30m. Lá cây xếp hình xoắn ốc, với kích thước 1 - 2cm, rụng lá theo mùa. Ở một số loài, mặt dưới lá có phủ vảy và lông tơ, thân cây leo, sống bám vào vách đá.

Ở nước ta, đỗ quyên mọc chủ yếu ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), trong đó các nhà khoa học đã phát hiện có gần 40 loài đỗ quyên, mọc tự nhiên có độ tuổi hàng trăm năm trở lên trên độ cao từ 2.000 - 3.000m và nở hoa tuyệt đẹp nhiều màu sắc bốn mùa tại Vườn quốc gia Hoàng Liên nên nơi đây còn được mệnh danh là "Vương quốc hoa đỗ quyên" của Việt Nam. 

Đặc biệt, ngày 5/11/2014, quần thể 7 cây đỗ quyên cành thô đại diện cho 56 cây hoa đỗ quyên mọc hoang dã trên diện tích 1.000m2 tại khu vực xung quanh đỉnh núi Fansipan thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên có độ tuổi bình quân khoảng 200 tuổi, cao từ 11 - 15m, mọc ở độ cao 2.700m đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Hầu hết, các cây này đều mọc bám vào vách đá cheo leo và có hoa quanh năm, nhưng hoa nở rộ nhất vào dịp giữa mùa xuân và đầu mùa hè.

Bên cạnh đó, hồi đầu năm 2017, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã phát hiện thêm 2 loài hoa đỗ đuyên mới vào danh lục thực vật Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đó là loài hoa đỗ quyên Rhododendron valentinianum (thân bụi có hoa màu vàng) và loài hoa đỗ quyên Rhododendron agastum var. pennivenium (hoa đỏ), mọc ở khe núi đá trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, trên độ cao từ 1.800 - 3.000m so với mặt nước biển.

Hình ảnh danh mục một số loài đỗ quyên tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

Theo đánh giá của Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), đây là phát hiện có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu hệ thực vật ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, góp phần tạo lập danh mục thực vật đầy đủ hơn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp bảo tồn loài hoa đỗ quyên mọc hoang dã trong Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Tuy nhiên, trước tình trạng vào rừng khai thác đỗ quyên của người dân bản địa bán để cho khách du lịch thì nhiều hoạt động bảo tồn loài hoa quý hiếm này tại Vườn quốc gia Hoàng Liên đã được khởi xướng.

Đơn cử như hồi năm 2015, Ban quản lý Vườn di sản ASEAN Hoàng Liên được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài đỗ quyên (bằng hạt và giâm cành) tại núi Hoàng Liên - Lào Cai”

Mục tiêu của đề tài là điều tra, đánh giá các loài đỗ quyên; đồng thời tiến hành nhân giống một số loài đỗ quyên quý hiếm, giá trị cao đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; đề xuất biện pháp bảo tồn và khai thác các tiềm năng, giá trị của loài hoa đỗ quyên, cụ thể như: Xây dựng vườn cây giống bảo tồn; tập huấn kỹ thuật về nhân giống; nhân giống bằng hạt; nhân giống bằng giâm hom cành; trồng khảo nghiệm các loài đã được nhân giống; tổ chức hội thảo khoa học...

Sau một thời gian triển khai, các nhà khoa học đã đưa vào bảo quản, giới thiệu trên 500 mẫu tiêu bản đỗ quyên. Bên cạnh đó, Vườn cũng đã tập hợp và xây dựng được bộ tài liệu để mô tả chi tiết đặc điểm nhận dạng, phân bố, công dụng, mùa hoa, mùa quả của các loài đỗ quyên được phát hiện và ghi nhận trong khu vực nghiên cứu; phân loại các loài đỗ quyên núi Hoàng Liên theo 3 nhóm: Cây làm cảnh, cây trồng tạo cảnh quan và cây làm dược liệu. Đặc biệt, đã xây dựng được vườn cây giống bảo tồn với trên 200 cây thuộc 19 loài đỗ quyên, đạt tỷ lệ sống trên 73%. 

Bên cạnh đó, Lễ hội hoa đỗ quyên lần đầu tiên cũng đã được tổ chức tại Khu du lịch Fansipan Legend (Sa Pa) từ ngày 31/3-9/4/2017 nhằm tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của loài hoa đặc trưng của núi rừng Hoàng Liên với sự xuất hiện của hàng nghìn cây hoa đỗ quyên nhiều chủng loại, đi kèm chuỗi hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật và trải nghiệm các trò chơi dân gian vùng cao đậm đà bản sắc Tây Bắc. Hoạt động này đã thu hút khá đông du khách tham quan.

Đại diện Ban Tổ chức Lễ hội Hoa đỗ quyên Sa Pa 2017 đánh trống khai hội

Để mang hoa đỗ quyên đến gần hơn với du khách, khu du lịch Fansipan Legend đã thiết kế hai bức tường kết bởi hàng trăm cây hoa đỗ quyên đủ màu sắc, chủng loại. Tại ga đến cáp treo, những chậu hoa đỗ quyên được đặt khắp nơi, dọc theo 600 bậc thang tới nóc nhà Đông Dương. Từ trên cao, du khách sẽ chiêm ngưỡng những thảm hoa nhiều màu khi cả vùng rừng già Hoàng Liên đang vào mùa đỗ quyên nở.

Ngay khi tới đỉnh cao 3.143m, du khách được chiêm ngưỡng những chùm hoa đỗ quyên đỏ thắm như mọc từ những gốc đỗ quyên cổ thụ đã được ban quản lý khu du lịch bảo tồn, gìn giữ, đang vươn mình trong thời tiết khắc nghiệt để bung nở rực rỡ.

Một cây đỗ quyên có dáng đẹp mọc trên độ cao 2.800 mét, trên đường chinh phục đỉnh Phan xi păng

Tuy vậy, trước thực tế đang có một số bà con sống quanh khu vực rừng Hoàng Liên Sơn khai thác đỗ quyên trong rừng quốc gia để bán cho khách du lịch như ở khu thác Bạc hay chợ Sa Pa, rất cần có những hành động kịp thời để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con. Có như vậy, môi trường sống của “Vương quốc hoa đỗ quyên của Việt Nam” mới được bảo vệ. 

ThS. Nguyễn Thị Thanh Tuyền
(Tổng hợp nguồn từ internet)

Tin tức khác

PluginFacebook
TextFooter
Thông báo
Đóng