Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực Hoa và cây cảnh thuộc Viện nghiên cứu Rau quả. Trong nhiều năm qua, Trung tâm đã nghiên cứu tuyển chọn và lai tạo thành công được nhiều giống hoa mới có triển vọng, xây dựng được các quy trình trồng và nhân giống hoa, quy trình công nghệ sau thu hoạch. Tất cả những nghiên cứu của Trung tâm đều gắn liền với sản xuất ngoài thực tế vì thế những công trình nghiên cứu khi chuyển giao cho các địa phương, các trang trại, các hộ trồng hoa đều đạt hiệu quả cao, được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng và đánh giá cao.
Từ năm 2005 đến 2016, Trung tâm đã chuyển giao và xây dựng mô hình cho một số tỉnh miền Trung như: Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa…
Tại Phú Yên, giai đoạn 2005-2008, Trung tâm đã chuyển giao thành công 7 quy trình về trồng, nhân giống, thu hoạch và bảo quản hoa hồng, hoa cúc cho Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên thuộc dự án: “Xây dựng mô hình nhân giống và trồng hoa cúc, hoa hồng tại Phú Yên”. Dự án đã nhân giống thành công và cung ứng cho dân khoảng 950.000 cây giống. Dự án kết thúc được hội đồng nghiệm thu dự án đánh giá xuất sắc.
Mô hình hoa cúc, hoa hồng tại Phú Yên
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2005-2007, Trung tâm cũng đã xây dựng thành công mô hình trồng hoa hồng, hoa cúc tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Mô hình đã thành công ngoài sức mong đợi. Theo phó chủ nhiệm HTX Phú Mậu là Dương Thống cho biết: “Trong dịp Tết nguyên đán, lãi ròng từ 1ha hoa cúc xuân lên đến 120 triệu đồng chỉ sau 3 tháng trồng, còn hiệu quả vụ hoa hè không hề thua kém, lãi ròng từ 60 - 80 triệu/1ha sau khi trừ mọi khoản chi phí”. Ông Dương Thống cho rằng nhờ áp dụng kỹ thuật mới được chuyển giao từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả, nông dân Phú Mậu không chỉ sản xuất một vụ hoa xuân mỗi năm như cách làm truyền thống, mà có thể chuyên canh cây hoa quanh năm.
Từ kết quả đạt được của mô hình tại huyện Phú Vang, giai đoạn 2010-2011, Trung tâm cũng đã chuyển giao công nghệ nhân giống hoa cúc cho HTX Phú Mậu thuộc dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống hoa cúc tại xã Phú Mậu – huyện Phú Vang” do phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang chủ trì. Sau khi triển khai dự án, theo ông Hà Út - Chủ nhiệm HTX Phú Mậu 2 cho biết: “Từ khi ứng dụng mô hình, HTX có thể chủ động giống chứ không phải đi mua giống từ Đà Lạt hay Hà Nội về, vừa đỡ hao hụt, đảm bảo chất lượng cây giống mà giá lại rẻ hơn 20% nên bà con rất đồng tình”. Nhìn chung các mô hình áp dụng quy trình của Trung tâm hiện nay vẫn duy trì và phát triển.
Mô hình hoa cúc tại Thành phố Huế
Giai đoạn 2007-2009, với việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất hoa tươi chất lượng cao, có hiệu quả ở vùng ngoại ô, Thành phố Thanh Hóa”, Trung tâm đã chuyển giao thành công 6 quy trình trồng và chăm sóc hoa lily, hoa hồng, hoa loa kèn, hoa đồng tiền…và chỉ đạo xây dựng thành công 6 mô hình trồng hoa đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân. Từ chỗ người nông dân chỉ quen với sản xuất truyền thống đến nay bà con đã nắm bắt được nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế từ mỗi ha đất canh tác.
Cũng tại tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2013-2016, Trung tâm đã chủ trì dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa lan Hồ điệp chất lượng cao tại Thành phố Thanh Hóa - tỉnh Thanh Hóa” với kết quả đạt được đã xây dựng mô hình sản xuất hoa lan Hồ điệp trong nhà lưới hiện đại tại xã Đông Cương, quy mô 500m2, đồng thời chuyển giao thành công 3 quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa lan hồ điệp cho Thanh Hóa. Hiện tại, mô hình trồng hoa lan Hồ điệp đã được mở rộng ra nhiều địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Mô hình hoa lan hồ điệp ở Thanh Hóa
Mô hình hoa ly ở Thanh Hóa
Ngoài ra, cũng trong giai đoạn 2013-2016, Trung tâm đã chuyển giao thành công công nghệ trồng hoa lily, hoa lan hồ điệp cho HTX Tây An - huyện Hương Trà - TP Huế.
Có thể khẳng định lại rằng thành công trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các địa phương của một số tỉnh miền Trung về hoa cây cảnh phần lớn nhờ những thành tựu nghiên cứu khoa học của tập thể cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh trong nhiều năm qua. Chính nhờ những nghiên cứu này đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học ứng dụng cho thực tiễn sản xuất, vì thế khi đưa vào áp dụng tại các địa phương đã thu được những kết quả ngoài mong đợi và được Lãnh đạo cũng như người dân ở các địa phương đón nhận và đánh giá cao.
Theo ThS. Bùi Hữu Chung
(Trung tâm NC&PT Hoa, Cây cảnh)
Tin tức khác