Quy trình tóm tắt
Phong lan bản địa là cây lưu niên hoa bền, đẹp, có hương thơm, là loài hoa có giá trị kinh tế cao. Phong lan có số lượng loài rất đa dạng, một số loài phổ biến hiện nay như Đai Châu, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, lan Kiều, Phi Điệp, Đuôi Cáo.
Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Phong lan bản địa, với một số lưu ý sau:
1. Thời vụ trồng: Tháng 3- tháng 4 dương lịch
2. Giá thể và chậu: Ghép trên gỗ gồm các loại lũa, nhãn, vải, vú sữa, thân cây dương xỉ... Trồng chậu bằng chậu thang gỗ, đất nung hoặc bằng nhựa sử dụng giá thể như xơ dừa, than củi, vỏ cây, gỗ nhỏ, xỉ than.
3. Chọn cây giống: Cây khỏe mạnh, lá xanh tốt, phổ biến trong sản xuất hiện nay là Đai Châu, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, lan Kiều, Phi Điệp, Đuôi Cáo. Cây thu thập từ tự nhiên cần xử lý cây trước khi trồng. Sau khoảng 1 tháng, cây nhú rễ tiến hành ghép hoặc trồng.
4. Kỹ thuật trồng, ghép cây: Trồng trong chậu áp dụng với một số chủng loại như Đai Châu, Đuôi cáo, Kiều. Ghép trên thân gỗ áp dụng với hầu hết các loài phong lan: lựa chọn kích thước gỗ, định vị cây lan vào gỗ, chuyển cây vào nơi thoáng mát và tưới nước giữ ẩm.
5. Kỹ thuật chăm sóc:
- Tưới nước: Lượng nước tưới tuỳ theo mùa, theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây và theo cách trồng chậu hay ghép gỗ. Tưới vào 8h30-9h30 sáng hoặc 3h30-4h30 chiều, tưới 2-3 ngày/lần.
- Bón phân: Dùng phân chuyên dùng cho phong lan. Giai đoạn cây con thành phần NPK tỷ lệ đạm cao (30-10-10) , cây trưởng thành NPK có tỷ lệ tương đương nhau (20-20-20) giai đoạn ra hoa và nuôi hoa NPK tỷ lệ lân cao như (9:45:15). Trong các giai đoạn cần bổ sung Vitamin B1 hoặc phân vi lượng.
- Phòng trừ sâu bệnh: Chú ý các loại sâu bệnh phổ biến như thối nhũn, thối gốc rễ, đốm lá, sâu róm, sên hại vào tháng 3-4.
Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả - Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Điện thoại: 0438.765.625
Tin tức khác