Theo số liệu thống kê đầu năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả, thị trường tiêu thụ hoa lan hồ điệp của cả nước ước khoảng 3 triệu cành (thị trường phía Nam: 1,7 triệu cành; thị trường phía Bắc: 1,3 triệu cành). Mặc dù, số lượng cây hoa được trồng tại Việt Nam chiếm khoảng 50% nhưng số lượng cây giống được nhân giống tại các cơ sở nhân giống trong nước chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, khoảng 20%. Số còn lại chúng ta đang phải nhập từ Đài Loan và Trung Quốc gồm nhiều giai đoạn, bao gồm từ cây giống in vitro, cây nhỡ hay cây hoa thương phẩm.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Truyền thống sản xuất nghiệp lâu đời, nguồn lao động, đất đai dồi dào, trình độ Khoa học công nghệ đang trên đà phát triển và đặc biệt có một lợi thế đó là thị trường nội tiêu vô cùng tiềm năng. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất cây cung ứng cho thị trường trong nước, thậm chí xuất ngược sang Đài Loan, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác có nhu cầu.
Sản xuất hoa lan Hồ điệp tại Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Hoa, Cây cảnh
Đài Loan là một nước có nền nông nghiệp phát triển rất nhanh và năng động nhờ ứng dụng những thành tựu của nhiều ngành khoa học kỹ thuật khác nhau. Trong đó, ngành sản xuất hoa lan hồ điệp đã được ứng dụng ở hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất từ đó đem lại sản lượng và chất lượng hoa lan hồ điệp của Đài Loan đứng nhất nhì trên thế giới. Nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, Đài Loan đã điều chỉnh chính sách hợp tác đối ngoại, trong đó Đông Nam Á được coi là một thị trường hấp dẫn. Trong những năm cuối thập kỷ 1990, Chính quyền Đài Loan đã đưa ra chính sách tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Đông Nam Á hay còn gọi là “chính sách hướng Nam”. Với chính sách này, qui mô hợp tác thương mại và đầu tư giữa Đài Loan và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được mở rộng.
Trước bối cảnh đó, trong vài năm trở lại đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã và đang chủ động hợp tác với một số nước trên thế giới, đặc biệt là Đài Loan về việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất hoa lan hồ điệp từ khâu nhân giống đến sản xuất hoa thương phẩm và được thể hiện qua nhiều biên bản hợp tác được ký kết với các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học và các doanh nghiệp chuyên sản xuất hoa lan hồ điệp của Đài Loan.
Buổi làm việc với Hiệp hội hoa lan Đài Loan 7/2016 về trao đổi nguồn gen hoa lan Hồ điệp
(Từ trái qua phải: TS. Đinh Thị Dinh, TS. Nguyễn Văn Tiến, ThS. Chu Thị Ngọc Mỹ)
Nội dung hợp tác bao trùm trên hầu hết các hoạt động từ trao đổi giống, vật liệu nghiên cứu; đào tạo tập huấn; trao đổi chuyên gia; nhập nội cây giống, hoa thương phẩm; liên doanh liên kết sản xuất giống hoa và hoa lan hồ điệp thương phẩm. Do vậy, trong vài năm tới chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm và các đối tác của Đài Loan sẽ ngày càng tốt đẹp, góp phần vào công cuộc phát triển ngành sản xuất hoa lan hồ điệp nói riêng cũng như ngành hoa cây cảnh của hai nước.
Theo TS. Nguyễn Văn Tiến
(Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Hoa, Cây cảnh)
Tin tức khác