Mai vàng Long An trước bước chuyển mình công nghệ
Cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr) là biểu tượng không thể thiếu trong văn hóa Tết của người dân Nam Bộ, được xem là loài hoa mang lại may mắn, phú quý và trường thọ. Trong những năm gần đây, nghề trồng mai vàng tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Long An, phát triển mạnh mẽ, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr) là biểu tượng không thể thiếu trong văn hóa Tết của người dân Nam Bộ - (Ảnh: Hội Sinh vật cảnh Việt Nam).
Tuy nhiên, sản xuất mai vàng tại Long An vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cây mai chủ yếu được nhân giống bằng hạt, dẫn đến hiện tượng phân ly di truyền, chất lượng cây giống không đồng đều. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác của người dân còn mang tính thủ công, chưa được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.
Đặc biệt, việc điều khiển cây ra hoa đúng dịp Tết còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm truyền thống, dễ gặp rủi ro trong điều kiện thời tiết bất lợi. Ngoài ra, việc thiếu công cụ quản lý kỹ thuật sản xuất khiến khó kiểm soát chất lượng đồng đều, ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mai vàng.
Trước thực tiễn đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An triển khai đề tài khoa học: “Tuyển chọn, nhân giống cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr) và ứng dụng IoT để quản lý kỹ thuật sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An”. Đề tài được thực hiện trong giai đoạn 2023–2025, do PGS.TS. Đặng Văn Đông làm chủ nhiệm.
PGS.TS. Đặng Văn Đông (thứ hai từ bên phải) làm chủ nhiệm đề tài khoa học: “Tuyển chọn, nhân giống cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr) và ứng dụng IoT để quản lý kỹ thuật sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An”.
Từng bước hình thành vùng chuyên canh mai vàng công nghệ cao
Sau hơn 2 năm triển khai, đề tài đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể gồm: Tuyển chọn được 120 cây mai vàng đầu dòng từ địa phương, đảm bảo các đặc tính tốt về hình thái, sinh trưởng, hoa đẹp và khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên tỉnh Long An.
Nhân giống thành công 2.500 cây mai bằng phương pháp ghép cành, đảm bảo tỷ lệ sống cao, đồng đều về chất lượng, phù hợp sản xuất hàng hóa.
PGS.TS. Đặng Văn Đông hướng dẫn kỹ thuật nhân giống mai vàng.
Xây dựng mô hình trồng và quản lý mai vàng bằng ứng dụng IoT trên diện tích 1.000 m², giúp giám sát tự động các yếu tố môi trường như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, tưới nước... nâng cao hiệu quả sản xuất lên 1,3 lần so với phương pháp truyền thống.
Hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở gồm: nhân giống mai vàng bằng gieo hạt; nhân giống bằng ghép cành; quy trình trồng, chăm sóc và điều khiển nở hoa bằng công nghệ IoT.
Vườn nhân giống mai Tân Tây.
Tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho 40 nông dân tại huyện Thạnh Hóa và Thủ Thừa, giúp người dân nắm vững kiến thức về kỹ thuật nhân giống, chăm sóc và ứng dụng IoT trong sản xuất mai vàng.
Việc triển khai thành công mô hình ứng dụng IoT vào sản xuất mai vàng không chỉ góp phần hiện đại hóa nghề trồng mai tại Long An, mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.
Đề tài là bước khởi đầu quan trọng để hình thành vùng chuyên canh mai vàng chất lượng cao, gắn với du lịch sinh thái và xây dựng thương hiệu sản phẩm mai vàng Long An trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn: tapchivietnamhuongsac.vn
Tin tức khác